Hành lang công nghiệp Phnom Penh (Campuchia) – Tây Ninh – Bình Dương – Long Thành – Cái Mép; tuyến cao tốc dài 260km kết nối giữa Tây Ninh – TP.HCM và Bình Dương; tuyến đường 10 làn xe,… đây là các ý tưởng tiêu biểu về hành lang liên kết vùng mới được đề cập đến trong cuộc họp giữa 2 tỉnh Bình Dương và Tây Ninh.
Công trình cầu, đường kết nối Bình Dương và Tây Ninh đã khánh thành đưa vào sử dụng
Hội nghị ký kết chương trình hợp tác phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2023-2025 giữa hai tỉnh Bình Dương và Tây Ninh diễn ra mới đây đề cập đến nhiều phương án kết nối vùng thông qua các dự án giao thông của 2 địa phương.
Tham gia hội nghị, Tổng Giám đốc Becamex IDC chia sẻ ý tưởng hợp tác giữa công ty này, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, VSIP tạo ra hành lang công nghiệp Phnom Penh (Campuchia) – Tây Ninh – Bình Dương – Long Thành – Cái Mép.
Từ đó có thể phát triển tuyến cao tốc dài 260km kết nối giữa Tây Ninh – TP.HCM và Bình Dương, thúc đẩy giao lưu văn hóa xã hội, phát triển kinh tế dọc theo tuyến cao tốc Phnom Penh – Bavet (cửa khẩu Mộc Bài), bổ sung kết nối công nghiệp Bình Dương – Tây Ninh, đề xuất đầu tư tuyến đường quy mô 10 làn xe.
Ngoài ra, còn có thể phát triển tuyến đường sắt công nghiệp Bàu Bàng – Tây Ninh, phát triển tuyến đường sắt Bàu Bàng – Biên Hòa – Vũng Tàu trở thành trục giao thông chở hàng về cảng biển, sân bay quốc tế Long Thành – dự án quan trọng của vùng, quyết định vai trò chiến lược logistics của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Trong đó, ga Dĩ An có giá trị chiến lược, là đầu mối trung tâm, kết nối toàn vùng, là cơ sở định vị Dĩ An trở thành trung tâm logistics của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Các ý tưởng dựa trên cơ sở quá trình hợp tác giữa 2 tỉnh Bình Dương về Tây Ninh trong các dự án giao thông liên vùng trong thời gian qua, có thể kể đến như:
Quy hoạch mạng lưới đường bộ, quy hoạch kết cấu hạ tầng thủy nội địa. Thống nhất quy hoạch 2 tuyến đường và cầu kết nối từ ĐT789 (Tây Ninh) với ĐT744 (Bình Dương) trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Nghiên cứu, lựa chọn đầu tư 1 dự án kết nối và khởi công trong giai đoạn 2024 – 2025.
Hai địa phương cùng thống nhất với đề xuất, kiến nghị các bộ, ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án cải tạo, nâng cấp luồng đường thủy nội địa quốc gia sông Sài; quy hoạch, công bố luồng đường thủy nội địa trên hồ Dầu Tiếng.
2 tỉnh xác định phương hướng phát triển dựa trên mục tiêu đến năm 2030 sẽ đưa Đông Nam bộ trở thành vùng phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước, cơ bản hoàn thành hệ thống giao thông kết nối nội vùng, liên vùng và khu vực, đầu mối giao thương, hội nhập khu vực và thế giới.