Các chuyến bay xuyên Tết đưa lao động đi nước ngoài
Đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài là giải pháp vừa tạo việc làm, thu nhập, vừa góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy quá trình dịch chuyển lao động theo hướng tích cực.
Năm 2022, dù còn ảnh hưởng của dịch bệnh và một số thị trường mới mở cửa trở lại từ tháng 4, nhưng số người đi làm việc ở nước ngoài cũng lên tới 143.000 người, vượt 60% kế hoạch đề ra.
Năm nay, ngay từ đầu năm, nhiều công ty dịch vụ đã làm xuyên Tết để kịp hoàn thiện các thủ tục cho người lao động xuất cảnh. Dịp nghỉ Tết, các chuyến bay đưa lao động Việt Nam đi vẫn diễn ra bình thường.
Hàng trăm lao động Việt Nam đã nhập cảnh Hàn Quốc ngay sau Tết Quý Mão. (Ảnh minh họa – Ảnh: NLĐ)
Chị Mơ (tỉnh Hòa Bình) và gần 100 lao động khác của một doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc tại nước ngoài chuẩn bị sang Nhật Bản. Chị đã chờ đợi chuyến đi này từ hơn một năm với hy vọng tăng thu nhập và có thêm nhiều kiến thức mới.
“Thấy rất hồi hộp và bỡ ngỡ. Tôi mong muốn sang để làm việc sớm nhất. Tôi mong muốn sang Nhật Bản để phát triển và học hỏi thêm kinh nghiệm của người Nhật”, chị Bùi Thị Mơ, tỉnh Hòa Bình, chia sẻ.
“Năm nay Tết âm lịch và dương lịch khá gần nhau, tuy nhiên công ty chúng tôi luôn bố trí cán bộ, nhân viên túc trực, không chỉ ở Việt Nam mà cả ở các văn phòng đại diện tại Nhật Bản và Đài Loan để có thể đáp ứng công việc do đối tác đưa ra nhằm đảm bảo năm 2023 chúng tôi đạt được mục tiêu đưa hơn 2.000 học viên sang tại 2 thị trường này”, chị Trần Thị Huê, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Quốc tế ITC, cho biết.
Bên cạnh đó, thị trường Hàn Quốc mở cửa trở lại sau giai đoạn dịch bệnh đã giải quyết được nhu cầu của một số lượng lớn lao động Việt Nam. Tần suất các chuyến bay đưa người đi làm việc sang Hàn Quốc tăng lên từng ngày.
Tính từ đầu tháng 1 đến nay, Việt Nam đã đưa được hơn 21.000 lao động đi làm việc tại nước ngoài, trong đó thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) chiếm tới 95% số người đi.
Hàn Quốc – điểm sáng của thị trường lao động ngoài nước
Thị trường Hàn Quốc luôn hấp dẫn người lao động khi thu nhập cao hơn các thị trường khác. Ngoài ra, nhiều hiệp định hợp tác lao động giữa hai Chính phủ đã được ký kết tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động được hưởng các ưu đãi khi làm việc tại đây.
Chính phủ Hàn Quốc mới đây cũng vừa thông báo về phương án sửa đổi chế độ cấp phép tuyển dụng đối với lao động nước ngoài, có thể kéo dài thời gian cư trú lên tới 10 năm. Điều này được xem là cơ hội rất lớn cho những lao động Việt Nam đã và đang mong muốn đi làm việc tại Hàn Quốc trong thời gian tới.
Bộ Lao động và Việc làm Hàn Quốc thông báo, nếu lao động nước ngoài đáp ứng đủ điều kiện sẽ kéo dài thời gian cư trú từ 4 năm 10 tháng như hiện nay lên thành 10 năm. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ của nước này đảm bảo nguồn lực lao động, giảm tác động tới thị trường lao động.
Năm 2022, Việt Nam có gần 9.000 lao động nhập cảnh Hàn Quốc trong tổng số chỉ tiêu 70.000 người cho 16 nước tham gia phái cử. Số lượng lao động Việt Nam tại Hàn Quốc tăng gấp đôi so với các năm trước và cao nhất trong 10 năm trở lại đây.
“Chúng tôi luôn đề cao hợp tác lao động Việt Nam – Hàn Quốc và luôn ưu tiên cho lao động Việt. Nhu cầu về người lao động Việt Nam của Hàn Quốc đang dần tăng cao, do đó dự kiến sẽ có thêm hạn ngạch cho Việt Nam. Trong đó chúng tôi ưu tiên lao động ở những vùng khó khăn”, bà Yun Jae Yeon, Trưởng Văn phòng đại diện Cơ quan Phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc tại Việt Nam, cho hay.
Năm nay, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phấn đấu đưa 10.000 người sang Hàn Quốc lao động. Hiện có trên 40.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại Hàn Quốc trong nhiều ngành nghề như sản xuất, chế tạo, lắp ráp, nông – ngư nghiệp…
“Chúng tôi thường xuyên cung cấp, cập nhật thông tin về chính sách của phía Hàn Quốc trong thời gian vừa qua để cung cấp đến người lao động một cách kịp thời nhất. Đặc biệt trong năm 2022, phía Hàn Quốc đã cấp phép, bổ sung hạn ngạch thi đỗ tiếng Hàn”, bà Phạm Ngọc Lan, Phó Giám đốc Trung tâm lao động ngoài nước, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, thông tin.
Hàng trăm lao động Việt Nam đã nhập cảnh Hàn Quốc ngay sau Tết Quý Mão. Trung tâm Lao động ngoài nước đã tổ chức các khóa đào tạo, định hướng cho lao động, tiếp nhận hồ sơ của gần 6.000 người đạt yêu cầu kỳ thi tiếng Hàn, kiểm tra và giới thiệu cho chủ lao động Hàn Quốc.
Thay đổi mục tiêu đi làm việc tại nước ngoài
Tỷ lệ lao động Việt Nam cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc hiện đã giảm rõ rệt. Do đó, Việt Nam đang đề xuất để Hàn Quốc xem xét tăng chỉ tiêu chương trình cấp phép việc làm cho lao động người nước ngoài, mở rộng tiếp nhận lao động thời vụ, lao động kỹ thuật lành nghề và tạo cơ hội cho người có kinh nghiệm trở lại nước này.
Mục tiêu của việc đưa người đi làm việc ở nước ngoài không còn đơn thuần là xóa đói giảm nghèo, mà để đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đi để trở về khởi nghiệp. Nhiều lao động đã có ý thức học hỏi, thu thập, tích lũy kinh nghiệm để có việc làm tốt hơn sau khi về nước.
Yêu cầu của người lao động đối với công việc cao hơn trước và sự cạnh tranh ngày càng nhiều hơn nên các công ty dịch vụ đều chú ý đến việc bảo vệ người lao động, đàm phán hợp đồng để lấy mức lương cao hơn cho họ.
“Chúng tôi tập trung vào chương trình phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao nên chúng tôi đã có chính sách hỗ trợ cho người lao động. Đầu tiên là tập trung lựa chọn các đối tác có điều kiện thu nhập, chế độ chính sách, lương thưởng lớn. Sau đó chúng tôi sẽ hỗ trợ cho người lao động, ví dụ như các bạn tham gia được miễn phí xuất cảnh, chi phí thấp hoặc sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ của nhà nước để tạo điều kiện cho các bạn có hoàn cảnh khó khăn sang nước ngoài làm việc”, ông Nguyễn Thành Kính, Chủ tịch Công ty EK Group, cho biết.
Năm 2023, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội có kế hoạch đưa 110.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài. (Ảnh minh họa – Ảnh: NLĐ)
“Khi có phát sinh xảy ra với người lao động, bên cạnh sự giải quyết trực diện, trực tiếp của cán bộ chúng tôi ở nước ngoài, chúng tôi còn nhận được sự hỗ trợ đắc lực cũng như nhiệt tình từ cơ quan quản lý Việt Nam cũng như cơ quan quản lý tại nước sở tại”, bà Trần Thị Huê, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Quốc tế ITC, cho hay.
“Chúng tôi đang đề nghị các doanh nghiệp thực hiện tốt gắn kết giáo dục nghề nghiệp với việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, tạo mối liên kết giữa các cơ sở giáo dục, các trường, cũng như các doanh nghiệp dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để đào tạo, chuẩn bị nguồn lao động đáp ứng được yêu cầu về kỹ năng, trình độ của thị trường lao động ngoài nước”, ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Cục Lao động Ngoài nước Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, thông tin.
Năm 2023, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội có kế hoạch đưa 110.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, trong đó tiếp tục giữ vững, ổn định các thị trường truyền thống tiếp nhận nhiều lao động như Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc; khai thác để tăng dần số lượng người lao động Việt Nam đi làm việc tại một số nước châu Âu, Singapore ở các ngành nghề có việc làm ổn định, thu nhập cao; mở ra thị trường mới ở Australia và Israel.
Với những người có nhu cầu đi làm việc tại nước ngoài, những công ty dịch vụ đưa người lao động đi làm việc tại nước ngoài được cấp phép đều có tên trên trang web của Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động – Thương binh và xã hội: http://www.dolab.gov.vn/. Người dân nên tránh qua các đầu mối trung gian trước nguy cơ lừa đảo.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!