Tham dự Hội thảo, Thứ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan cho biết, những năm qua, với sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, hàng trăm doanh nghiệp dịch vụ được cấp phép để đưa người lao động đến hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ làm việc.
Từ năm 2010 đến nay, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài có thời hạn là hơn 1,4 triệu người.
Tại Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan đánh giá: “Đưa lao động Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài là một hướng giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho người lao động và tăng nguồn thu ngoại tệ cho đất nước; góp phần tăng cường quan hệ hợp tác về nhiều mặt giữa Việt Nam với những nước sử dụng lao động theo nguyên tắc bình đẳng, hai bên cùng có lợi, tôn trọng pháp luật và truyền thống dân tộc của nhau”.
Thúc đẩy xuất khẩu lao động qua chương trình phi lợi nhuận
Trực tiếp tham gia hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, các doanh nghiệp tham dự Hội thảo đều nhìn nhận xuất khẩu lao động đã mở ra cơ hội để người lao động, nhất là lao động có tay nghề có cơ hội học hỏi, trau dồi kiến thức, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, qua đó góp phần phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, mỗi năm, Việt Nam đưa gần 150.000 lao động ra nước ngoài làm việc.
Năm 2018 là 142.860 lao động, năm 2019 là 147.387 lao động.
Trong hai năm 2020, 2021 đại dịch Covid-19 hoành hành, các thị trường tiếp nhận buộc phải đóng cửa biên giới trong khoản thời gian nhất định, nhưng Việt Nam vẫn đưa hơn 123.000 lao động ra nước ngoài làm việc.
Năm 2023 rất thuận lợi về nhiều mặt nên chỉ trong 11 tháng của năm 2023, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 146.156 lao động, đạt 121,8% kế hoạch năm 2023.
Ông Lê Long Sơn, Tổng Giám đốc ESUHAI Group cho hay, thời gian qua, ESUHAI Group đã đào tạo tiếng Nhật các trình độ cho hơn 32.000 học viên, đồng thời, chắp cánh cho hơn 16.000 thanh niên trẻ sang Nhật Bản học tập và làm việc theo các chương trình: Thực tập kỹ năng, kỹ sư chất lượng cao và lưu học Nhật Bản. Trong số đó, có hơn 10.000 thanh niên đã trở về nước và không ít người đã tích lũy kinh nghiệm, kiến thức thực học trong sản xuất, chế tạo, gia công và tinh thần phục vụ, ý thức quản trị chất lượng của Nhật Bản.
Bà Lưu Tuyết Phượng, Giám đốc Trung tâm đào tạo và giáo dục định hướng Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Phát triển nhân lực Tocontap Sài Gòn chia sẻ, trong quy trình đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động của công ty có lịch trình đi thăm gia đình các ứng viên trước khi giới thiệu cho đơn vị tiếp nhận tuyển chọn. Đây là công việc giúp nhân viên tiếp xúc trực tiếp với gia đình người lao động để đánh giá nhu cầu thực tế cũng như tính nghiêm túc đi làm việc ở nước ngoài của người lao động.
Báo Người Lao Động vinh danh 12 Doanh nghiệp Xuất khẩu lao động tiêu biểu năm 2023.
Tại Hội thảo, ông Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động đánh giá, những thành quả về hoạt động Xuất khẩu lao động là nhờ Việt Nam biết nắm bắt và vận dụng có hiệu quả các chương trình hợp tác lao động với các nước có nhu cầu tuyển dụng lao động Việt Nam. Các chương trình này được các nước xây dựng không chỉ giải quyết việc làm cho người lao động mà còn góp phần đào tạo nguồn nhân lực cho nước ta.
Bên cạnh sự đồng hành của chính quyền địa phương trong công tác phối hợp tuyển chọn, quản lý, bảo vệ người lao động khi đang làm việc ở nước ngoài còn có sự hỗ trợ của các đơn vị liên quan trong các hoạt động cho vay vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Tại Hội thảo, Báo Người Lao Động đã vinh danh 12 Doanh nghiệp Xuất khẩu lao động tiêu biểu năm 2023. Đây là các doanh nghiệp điển hình, xuất sắc trong hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.