Xuất hiện đối thủ “nặng ký” của Hòa Phát, tham vọng làm dự án quy mô ngang ngửa Dung Quất 1

Dự án thép 53.500 tỷ đồng xây ở xã Hoài Mỹ, thị xã Hoài Nhơn, Bình Định có công suất 5,4 triệu tấn một năm, tương đương 90% công suất của dự án Hòa Phát Dung Quất sau điều chỉnh.

Dự án thép được đề xuất xây ở biển Lộ Diêu quy mô ra sao?

Vừa qua, lãnh đạo tỉnh Bình Định đã có cuộc gặp gỡ hơn 500 hộ dân thôn Lộ Diêu, xã Hoài Mỹ, thị xã Hoài Nhơn để thông tin về chủ trương thực hiện dự án Khu liên hợp gang thép Long Sơn.

Được biết, dự án gang thép nói trên được Công ty CP Gang thép Long Sơn kiến nghị đầu tư ở Bình Định đầu năm 2021. Lúc này dự án được tính toán tổng kinh phí hơn 56.000 tỷ đồng, xây trên diện tích 500 ha, công suất 5,4 triệu tấn/năm. Cùng với nhà máy thép, doanh nghiệp còn đề xuất xây dựng cảng quốc tế.

Phối cảnh dự án Khu liên hợp gang thép Long Sơn

Sau khi thẩm định, dự án được tỉnh Bình Định cấp chủ trương đầu tư tháng 11/2021. Lúc đầu, chủ đầu tư muốn đặt nhà máy thép tại hai xã Mỹ An và Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ.

Tuy nhiên, quá trình khảo sát ý kiến người dân huyện Phù Mỹ, dự án vấp phải một số ý kiến phản đối. Ngoài lập luận các dự án thép ở địa phương khác đã gây ra sự cố môi trường, người dân cho rằng trước đó khu vực đã có doanh nghiệp khai thác titan dẫn tới phá rừng dương và gây hiện tượng cát bay, cát nhảy, làm hoang mạc hóa đất đai.

Đến cuối năm 2022, UBND tỉnh Bình Định có các quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với dự án nêu trên, đồng ý cho chủ đầu tư chuyển địa điểm đầu tư sang thôn Lộ Diêu, xã Hoài Mỹ, thị xã Hoài Nhơn và điều chỉnh một số nội dung của dự án.

Theo đó, dự án Khu liên hợp gang thép Long Sơn được cấp chủ trương đầu tư mới với quy mô 468 ha, tổng vốn 53.500 tỷ đồng, thấp hơn gần 3.000 tỷ đồng so với đề xuất ban đầu.

Dự án chia làm ba giai đoạn đầu tư, công suất 5,4 triệu tấn mỗi năm bao gồm các sản phẩm thép chế tạo chất lượng, thép xây dựng, thép cuộn. Giai đoạn một của nhà máy dự kiến hoàn thành cuối năm 2024.

Cùng với khu liên hiệp gang thép, UBND tỉnh Bình Định đề xuất xây cảng chuyên dụng mức tổng đầu tư 6.800 tỷ đồng, phục vụ cho vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu của dự án. Cảng có diện tích dự kiến 500 ha, trong đó hơn 470 ha mặt nước, tiếp nhận tàu trọng tải 250.000 DWT, khả năng bốc dỡ 21-23 triệu tấn hàng hóa một năm.

Tổng thể dự án Khu liên hợp gang thép Long Sơn và Cảng chuyên dùng Khu liên hợp gang thép Long Sơn

Tuy vậy, dự án nhà máy thép không có được sự đồng thuận của phần lớn người dân Lộ Diêu do lo ngại tác động xấu môi trường và ảnh hưởng an sinh. Bên cạnh đó, một số người còn lo ngại năng lực của chủ đầu tư dự án trước đây chuyên làm xi măng, chưa thực hiện dự án thép có quy mô lớn như vậy.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn cho biết, quan điểm nhất quán của tỉnh không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế. Dự án trước khi triển khai đầu tư phải tuân thủ các nguyên tắc công nghệ tiên tiến, hiện đại, bảo vệ môi trường.

Theo ông Tuấn, hiện dự án mới triển khai các bước ban đầu, còn rất nhiều công đoạn tiếp theo như nghiên cứu, khảo sát, kiểm tra, lập dự án, phương án bảo vệ môi trường, công nghệ. Các nội dung này sẽ được tính toán, phân tích và tổng hợp để xây dựng đề án đầu tư trình Chính phủ, các bộ, ban, ngành Trung ương thẩm định, phê duyệt.

Ai đứng sau dự án thép 53.500 tỷ ở Bình Định?

Về chủ đầu tư dự án gang thép Long Sơn, Công ty CP Gang Thép Long Sơn được thành lập ngày 5/7/2021, trụ sở chính hiện ở xã Hoài Mỹ, Thị xã Hoài Nhơn, Bình Định. Người đại diện theo pháp luật kiêm Chủ tịch HĐQT là ông Trịnh Quang Hải, sinh năm 1968.Theo tìm hiểu, ngành nghề chính của công ty là sản xuất sắt, thép, gang. Vốn điều lệ khi mới thành lập là 100 tỷ đồng, cơ cấu sáng lập là Công ty TNHH Long Sơn góp 96 tỷ đồng (chiếm 96% vốn) và ông Nguyễn Trung Thành góp 2 tỷ đồng (chiếm 2% vốn).

Về phía Công ty TNHH Long Sơn (Công ty Long Sơn), đây cũng là công ty của ông Trịnh Quang Hải. Được biết, Công ty Long Sơn được thành lập vào tháng 9/2001 với vốn điều lệ 135 tỷ đồng. Sau nhiều lần tăng vốn, đến tháng 11/2022, vốn điều lệ của công ty này tăng lên hơn 2.213 tỷ đồng, trong đó ông Trịnh Quang Hải góp 1.922 tỷ đồng (chiếm 87% vốn điều lệ).

Hiện nay, Công ty Long Sơn được biết đến là chủ đầu tư Nhà máy xi măng Long Sơn, công suất hơn 10 triệu tấn/năm tại Khu kinh tế Nghi Sơn với tổng mức đầu tư 3.960 tỷ đồng. Dự án này đi vào hoạt động cuối năm 2016.

Bên cạnh lĩnh vực sản xuất xi măng, công ty của ông Trịnh Quang Hải còn sở hữu 4 hệ thống cảng biển tại Nghi sơn – Thanh Hóa; Ninh Thủy – Khánh Hòa; Quy Nhơn – Bình Định và tại TP.HCM cùng hệ thống xe vận tải, tàu vận tải chuyên nghiệp, kho bãi trải dài từ Bắc chí Nam.

Riêng tại Thanh Hóa, Công ty Long Sơn là chủ đầu tư của dự án Cảng tổng hợp Long Sơn Khu kinh tế Nghi Sơn trên diện tích 28 ha, tổng vốn đầu tư hơn 2.400 tỷ đồng bao gồm 4 bến cảng với tổng chiều dài 1.000m.

Trở lại với dự án kết hợp nhà máy sản xuất thép công suất 5,4 triệu tấn/năm và cảng nước sâu có tổng quy mô hơn 60.000 tỷ đồng của Long Sơn, dự kiến sau khi được triển khai sẽ trở thành một trong ba dự án sản xuất thép lớn nhất Việt Nam hiện nay bên cạnh Hòa Phát và Formosa.

Trước đó, tại miền Trung đã xuất hiện những siêu dự án của các doanh nghiệp đầu ngành thép như Hòa Phát, Hoa Sen và Formosa.

Tâm điểm chú ý của Hòa Phát hiện nay chính là siêu dự án Khu liên hợp sản xuất Gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 công suất 5,6 triệu tấn/năm tại Khu kinh tế Dung Quất. Mới đây, doanh nghiệp này cũng đã có đề xuất điều chỉnh công suất dự án Dung Quất 1 từ 4 lên 6 triệu tấn/năm, tổng vốn đầu tư khoảng 86.000 tỷ đồng. Như vậy, sau khi điều chỉnh công suất dự án Dung Quất 1 thì tổng công suất của Hòa Phát Dung Quất 1 và 2 sẽ là 11,6 triệu tấn/năm.

Như vậy, quy mô dự án sản xuất thép của Long Sơn đề xuất tương ứng 90% dự án Hòa Phát Dung Quất 1. Để làm được các dự án lớn như Dung Quất 1 là một quá trình tích lũy, đầu tư từ thời điểm thị trường còn sơ khai của Hòa Phát, riêng đối với Long Sơn vẫn là một ẩn số.