Xu hướng kinh tế xanh bền vững


Không gian xanh trong khu công nghiệp Giang Điền, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai. Ảnh: TTXVN

Kinh tế xanh từ lâu đã trở thành xu hướng tất yếu của các quốc gia nhằm đạt được sự tăng trưởng kinh tế, trong khi vẫn duy trì sự bền vững về môi trường.

Thời gian qua, vùng Đông Nam Bộ với vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước đã đẩy mạnh triển khai các kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế xanh. Qua đó, thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng xanh, tích hợp tăng trưởng xanh vào kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội.

Xu hướng kinh tế xanh

Kinh tế xanh là một nền kinh tế có mức phát thải thấp, sử dụng hiệu quả và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, đảm bảo tính công bằng về mặt xã hội.

Trong nền kinh tế xanh, sự tăng trưởng về thu nhập, việc làm thông qua việc đầu tư của Nhà nước và tư nhân cho nền kinh tế làm giảm thiểu phát thải carbon, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, sử dụng hiệu quả năng lượng và tài nguyên, ngăn chặn sự suy giảm đa dạng sinh học và dịch vụ của hệ sinh thái.

Trong quá trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn hậu Covid-19, các hoạt động kinh tế của Việt Nam nói chung, vùng Đông Nam bộ nói riêng đang dần sôi động trở lại.

Nhiều địa phương và doanh nghiệp đã xây dựng và ban hành chiến lược, kế hoạch hành động để tìm kiếm các mô hình đổi mới sản xuất theo hướng xanh, bền vững.

Theo Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên, dù phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức nhưng thành phố vẫn phục hồi nhanh, phát triển kinh tế-xã hội để bù đắp lại những thiệt hại mấy năm qua.

Năm 2022, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng trên 9%, so với chỉ tiêu của năm là 6-6,5%, chiếm khoảng 48,4% GRDP của vùng Đông Nam Bộ.

Đối với Thành phố Hồ Chí Minh, những ý tưởng về nền kinh tế xanh, một nền kinh tế vừa thỏa mãn nhu cầu tăng trưởng kinh tế, vừa giải quyết được những thách thức về môi trường đã được nhiều nhà nghiên cứu đề cập đến từ khá sớm.

Hầu hết các nghiên cứu đều thống nhất quan điểm, xu hướng phát triển kinh tế xanh tập trung vào ba trụ cột chính: công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ, trong đó xu hướng phát triển công nghiệp xanh tập trung vào hai mục tiêu chính là hạn chế phát thải khí carbon, hóa chất độc hại từ các khu công nghiệp, khu chế xuất ra ngoài môi trường.

Đồng thời, nghiên cứu phát triển các nguồn năng lượng mới, máy móc kỹ thuật mới thân thiện với môi trường…

Theo xu thế phát triển chung, tỉnh Đồng Nai thời gian qua hướng tới phát triển bền vững, phát triển kinh tế xanh, thân thiện môi trường. Chuyển hướng thu hút đầu tư, thay đổi từ lượng sang chất, có sự chọn lọc mạnh mẽ.

Mục tiêu của Đồng Nai là thu hút các dự án có chất lượng cao nên sẽ có chọn lọc kỹ lưỡng, điều này có thể ảnh hưởng đến dòng vốn vào tỉnh nhưng về lâu dài sẽ đảm bảo cho phát triển kinh tế bền vững hướng đến nền kinh tế xanh.

Phó Trưởng ban phụ trách Ban Quản lý các Khu công nghiệp Đồng Nai Phạm Văn Cường cho biết tất cả các khu công nghiệp đều bố trí quy hoạch đảm bảo diện tích cây xanh trên 10% tổng diện tích đất khu công nghiệp. Các công ty đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp đều có những thỏa thuận ràng buộc nhà đầu tư trong việc giám sát chất lượng nước thải trước khi đấu nối.

Bên cạnh đó, có nhiều cơ quan Nhà nước thực hiện kiểm tra, giám sát doanh nghiệp một cách hiệu quả trong hoạt động bảo vệ môi trường.


Hệ thống pin năng lượng mặt trời trên một tòa nhà tại thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Ảnh: TTXVN

Hiện Đồng Nai có khu công nghiệp chuyên ngành như: Dệt may Nhơn Trạch, khu công nghiệp có nhà ở đi kèm như Long Thành. Riêng khu công nghiệp Amata đang thí điểm chuyển đổi sang khu công nghiệp sinh thái, mô hình này thành công sẽ được nhân rộng ra các khu công nghiệp trong tỉnh.

Tỉnh cũng đang tiếp tục xây dựng, phát triển các khu công nghiệp theo hướng xanh, sạch nhằm nâng cao giá trị sản xuất, cải thiện môi trường đầu tư.

Thúc đẩy phát triển kinh tế xanh

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc, với trên 400 khu công nghiệp đang hoạt động, việc thúc đẩy phát triển khu công nghiệp theo hướng sinh thái sẽ huy động nguồn lực lớn từ khu vực tư nhân cho các giải pháp công nghiệp xanh, đảm bảo an ninh năng lượng. Qua đó, đóng góp đáng kể vào nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam, thúc đẩy tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, thể hiện quyết tâm chính trị của Chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết phát triển bền vững.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan cho biết các khu chế xuất, khu công nghiệp đang hoạt động cần có những định hướng nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tính toán chuyển đổi mô hình theo hướng hiệu quả hơn.

Với mục tiêu đến năm 2030, Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị thông minh, thành phố dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại, việc phát triển kinh tế xanh gắn với cách mạng công nghiệp 4.0 là tất yếu, vừa đảm bảo mục tiêu hiện đại hóa nền kinh tế, vừa phát triển bền vững về môi trường và tăng cường khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu.

Thành phố Hồ Chí Minh cam kết phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và UNIDO (Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc) triển khai dự án “Triển khai khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ chương trình khu công nghiệp sinh thái toàn cầu” tại Thành phố Hồ Chí Minh; trong đó khu công nghiệp Hiệp Phước được chọn tham gia dự án.

Kết quả của dự án sẽ là tiền đề để nhân rộng chuyển đổi các khu công nghiệp hiện hữu sang mô hình khu công nghiệp sinh thái tại Thành phố Hồ Chí Minh và trên cả nước.

Bên cạnh đó, Thành phố Hồ Chí Minh kiên trì đầu tư nguồn lực nhiều hơn, thực hiện bài bản, chuyên nghiệp hơn cho chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, hướng tới điều hành thành phố thông minh, lấy minh bạch, hiệu quả làm tiêu chí.

Kế hoạch gồm định hướng phát triển bền vững trên địa bàn thành phố với 17 chủ đề; triến khai thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh trên địa bàn thành phố với 18 chủ đề.

Tại tỉnh Đồng Nai, Phó Tổng giám đốc phụ trách ngành kinh doanh gia công của Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam (Khu công nghiệp Biên Hòa 2, thành phố Biên Hòa) Lê Xuân Huy cho biết công ty luôn chú trọng đến việc tổ chức sản xuất đạt các tiêu chuẩn của thế giới về chất lượng an toàn thực phẩm, thân thiện với môi trường,… như các hệ thống quản lý ISO 9001:2008, ISO 14001:2004, ISO 22000, hệ thống an toàn thực phẩm GMP & HACCP, hệ thống an toàn nông nghiệp quốc tế Global GAP, hệ thống IFFO.

Theo TTXVN