UBND TP.HCM vừa chỉ đạo các cơ quan liên quan làm thủ tục thu hồi dự án “treo” hàng chục năm ở khu Mả Lạng (phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1). Đại diện Phòng Quản lý đô thị quận 1 cho biết sẽ cấp giấy phép xây dựng cho người dân theo quy định.
Người dân sinh sống trong những căn nhà ọp ẹp, xuống cấp từ nhiều năm nay do quy hoạch “treo” – Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN
Có vẻ như hơn 1.400 hộ dân khu vực này sẽ đổi đời sau gần 20 năm sống trong dự án “treo” giữa trung tâm TP.
Tuy nhiên, ai hiểu thủ tục xin giấy phép xây dựng sẽ biết công cuộc xây dựng nhà cửa của người dân Mả Lạng còn lắm khó khăn. Bởi muốn được cấp giấy phép xây dựng thì nhà, đất phải có “giấy hồng”, phải phù hợp quy hoạch. Mà khu Mả Lạng được quy hoạch từ năm 2000, giao cho chủ đầu tư từ năm 2006, có thông báo thu hồi đất từ năm 2017 nên đến giờ hầu hết nhà cửa ở đây chưa có giấy hồng.
Hơn 20 năm hết quy hoạch “treo”, dự án “treo” rồi đến khu vực có thông báo thu hồi đất, nhiều căn nhà từ 30-40m2 ban đầu đã bị chia ba, chia bốn cho anh em, con cháu hay bán bớt một phần lo sinh kế. Cũng có nhà đổi chủ vài bận bằng giấy tay. Hành trình làm giấy hồng của dân Mả Lạng sau khi chính quyền thu hồi dự án có lẽ vì thế vẫn còn dài.
Trước đây, TP.HCM cũng đã thu hồi nhiều dự án chậm triển khai nhưng vẫn giữ quy hoạch chờ nhà đầu tư mới.
Hàng ngàn hộ dân ở khu Bình Quới – Thanh Đa (phường 28, quận Bình Thạnh) nhiều năm nay vẫn không được tách thửa đất, không được chuyển đất nông nghiệp thành đất ở để xây nhà bởi vướng quy hoạch khu đô thị sinh thái mới.
Các hộ dân ở tam giác Trần Hưng Đạo – Nguyễn Thái Học – Phạm Ngũ Lão (cũng thuộc quận 1) đã được xóa dự án “treo” nhưng người dân chỉ được cấp giấy phép xây dựng có thời hạn, không được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất.
Chính vì vậy mà nhiều người đã đặt câu hỏi: tại sao bắt họ phải hy sinh quyền lợi cá nhân vì những lợi ích mà chưa chắc họ sẽ được hưởng? Đó là chưa kể, đất vướng quy hoạch sẽ bị hạn chế một số quyền, người sử dụng đất sẽ bị chủ đầu tư “bắt chẹt” khi thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất làm dự án.
Nếu Nhà nước muốn dành đất cho dự án thì nên thu hồi đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quy hoạch để đấu giá và tổ chức khu ở phù hợp quy hoạch cho dân. Nếu không, Nhà nước vẫn quy hoạch nhưng quyền lợi về đất đai trong quy hoạch của dân không bị hạn chế vì đàng nào thì chủ đầu tư cũng phải thỏa thuận để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất làm dự án. Chỉ như vậy thì mới không còn dự án “treo” hay quy hoạch “treo” làm khổ dân.
Những khu có dự án đã được thu hồi trước đây và cả khu Mả Lạng trong thời gian tới vẫn là đất quy hoạch chờ chủ đầu tư, người dân thoát khỏi dự án “treo” rồi lại rơi vào quy hoạch “treo” và vẫn tiếp tục bị thiệt thòi quyền lợi về đất đai.
Nhà nước có thể nói rằng không thể xóa quy hoạch vì quy hoạch cho tương lai nhằm định hướng xây dựng đô thị đẹp, hiện đại hơn, quy hoạch để dành đất cho phát triển dự án. Nếu thay đổi quy hoạch thì khó cho chủ đầu tư, khó cho công tác bồi thường sau này. Nhưng đối với người dân sống hàng chục năm trong quy hoạch “treo”, dự án “treo” ở khu Mả Lạng, Thanh Đa hay tam giác Trần Hưng Đạo thì câu chuyện tương lai đô thị là một cái gì đó rất xa xôi.
Giải tỏa trắng 1.400 căn nhà khu Mả Lạng