Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã có phản hồi tới UBND hai tỉnh Quảng Ngãi, Kon Tum về việc bổ sung cao tốc Quảng Ngãi – Kon Tum vào quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 -2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Trước đó, UBND 2 tỉnh Quảng Ngãi và Kon Tum đã có đề xuất trình lên Bộ GTVT về việc đầu tư cao tốc kết nối 2 tỉnh.
Về phương án đề xuất, tuyến cao tốc Quảng Ngãi – Kon Tum có chiều dài gần 136km. Điểm đầu giao với cao tốc Bắc – Nam phía Đông thuộc địa phận thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, điểm cuối giao với cao tốc Bắc – Nam phía Tây thuộc địa phận TP.Kon Tum, tỉnh Kon Tum. Quy mô đầu tư của tuyến đường được đề xuất gồm 4 làn xe, bề rộng nền đường từ 22 – 25,25m, vận tốc thiết kế từ 80 – 100km/h.
Theo quan điểm của Quảng Ngãi, Kon Tum, một tuyến cao tốc mới nối 2 tỉnh sẽ tạo tiền đề hình thành mạng lưới đường bộ cao tốc kết nối với hệ thống đường cao tốc Bắc Nam phía Đông và cao tốc Bắc Nam phía Tây, cũng như tuyến kết nối ngắn nhất từ các cửa khẩu của Lào, Campuchia trong khu vực Tây Nguyên đến các trục đường Bắc Nam. Tuyến đường này sẽ tạo động lực phát triển hành lang kinh tế Bờ Y – Kon Tum – Măng Đen – Quảng Ngãi, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội các địa phương.
Phản hồi ý kiến của 2 tỉnh,Bộ GTVT ghi nhận đề xuất của UBND tỉnh Quảng Ngãi và sẽ xem xét báo cáo cấp có thẩm quyền bổ sung tuyến đường vào quy hoạch.
Bộ GTVT cho biết, quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã hoạch định việc kết nối tỉnh Quảng Ngãi với Kon Tum thông qua QL24, cao tốc Quảng Ngãi – Quảng Nam và Đà Nẵng – Ngọc Hồi, lộ trình đầu tư sau năm 2030.
Bộ GTVT đề nghị UBND hai tỉnh: Quảng Ngãi, Kon Tum chỉ đạo cơ quan liên quan phối hợp cập nhật quy hoạch tỉnh và các quy hoạch liên quan (du lịch, công nghiệp, đô thị, thương mại tại các cửa khẩu,…) trong quá trình rà soát, điều chỉnh quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 -2030, tầm nhìn đến năm 2050 để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Tư lệnh ngành hiện đang giao Cục Đường bộ Việt Nam rà soát, điều chỉnh quy hoạch mạng lưới đường bộ để phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; định hướng phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng, an ninh của 6 vùng kinh tế, một số địa phương theo các Nghị quyết của Bộ Chính trị.