Bưởi Phúc Trạch là loại quả ngon nổi tiếng, được trồng nhiều tại các xã Phúc Trạch, Hương Trạch, Hương Trà, Lộc Yên, Hương Thủy của huyện Hương Khê (Hà Tĩnh). Theo lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hương Khê, hiện toàn huyện có hơn 2.700ha trồng bưởi Phúc Trạch. Năm 2022 toàn huyện đạt sản lượng hơn 23.000 tấn quả, giá trị sản xuất trên 700 tỷ đồng.
Độc đáo nông dân “se duyên” cho hoa của cây đặc sản
Cây bưởi có tuổi đời khá dài, có thể khai thác từ 10 đến hơn 20 năm. Đây không chỉ là cây xóa đói giảm nghèo mà còn giúp nhiều hộ gia đình làm giàu.
Bưởi Phúc Trạch bắt đầu được thu hoạch từ tháng 10 cho đến tháng 12. Khoảng 2 tháng sau khi hái quả, cây bưởi bắt đầu ra hoa. Xuân sang, khi hoa bưởi bung nở chính thời điểm những người trồng thực hiện công đoạn rất quan trọng, quyết định đến năng suất, sản lượng quả vụ tới, đó chính là thụ phấn cho hoa.
“Việc thụ phấn chúng tôi gọi vui là xe duyên cho bưởi. Mùa hoa nở, vốn dĩ đã có ong bướm tìm đến, hỗ trợ cho việc này nhưng nếu chỉ vậy, kết quả không đều, không phải bông nào cũng được thụ phấn. Để bưởi có tỷ lệ đậu quả cao, chúng tôi phải tiếp tục thụ phấn lần 2, bổ sung”, ông Trần Văn Tài (65 tuổi, ở xã Phúc Trạch, huyện Hương Khê) nói.
Vườn bưởi của ông Tài có gần 100 gốc 4-5 tuổi. Từ sáng sớm, vợ chồng ông Tài đã có mặt tại vườn bưởi để tự tay “xe duyên” cho bưởi.
Cũng theo ông Tài, bưởi Phúc Trạch được chia thành 2 loại. Loại được nhân giống bằng cách chiết cành hoặc ghép mắt, thường gọi là bưởi đường. Loại được nhân giống bằng hạt được gọi là bưởi chua. Bưởi chua có sức sống tốt hơn nhưng chất lượng quả kém hơn nhiều so với cây chiết, ghép.
Để tăng khả năng đậu quả, cứ dịp cuối tháng 2, đầu tháng 3 dương lịch hàng năm, khi những vườn bưởi bung hoa trắng muốt, các nhà vườn trợ giúp bưởi vườn nhà bằng cách lấy phấn của cây bưởi chua quét lên nhụy hoa bưởi đường.
Thời gian của mùa thụ phấn bổ sung kéo dài từ 2 đến 3 tuần. Hoa của cây bưởi chua được chọn phải đều, cánh mịn, khi chấm thử vào lòng bàn tay, phấn hoa màu vàng phải rời ra.
Người dân có thể dùng hoa của cây bưởi chua quét trực tiếp lên nhụy hoa của cây bưởi đường. Với những cây cao, phải dùng một cây gậy dài chừng 1-1,5m, một đầu gậy buộc cọ mềm để thụ phấn cho hoa. Người dân rắc, bôi phấn hoa lên đầu cọ mềm, sau đó sẽ chấm nhẹ lên những bông hoa đã nở, tỉ mỉ từng bông một, từ bông này qua bông khác.
“Trước đây, việc thụ phấn cho bưởi phụ thuộc hoàn toàn vào các loại côn trùng như ong, bướm. Khoảng 5 năm trở lại đây, chúng tôi bắt đầu thụ phấn bổ sung, đánh giá chung, thấy tỷ lệ đậu quả tăng lên rất nhiều so với trước”, ông Tài thông tin.
Không phải thời điểm nào cũng có ong, bướm… đến thụ phấn cho hoa. Nhiều gia đình có vườn bưởi lớn, để kịp thời mùa vụ còn phải thuê thêm người làm với giá 200.000 đồng/ngày/người. Việc thụ phấn sẽ được lặp đi lặp lại nhiều lần để đảm bảo không bỏ sót, bưởi đậu quả nhiều hơn.
Ông Trần Văn Tài khoe những cây bưởi của gia đình nhờ được thụ phấn bổ sung nên quả đều, đẹp và đạt chất lượng.
Theo người dân nơi đây, để có quả bưởi ngon, đạt chất lượng phải trải qua nhiều công đoạn chăm sóc, như cắt tỉa quả còi cọc, bổ sung phân bón đúng thời điểm… Sau hơn 8 tháng, quả bưởi đạt trọng lượng 1,2-1,5kg/quả và bắt đầu được cắt bán.