Biên phòng – Các đại biểu Quốc hội cho rằng cần sớm rà soát toàn diện các chính sách hỗ trợ, ưu đãi đang được triển khai để tạm dừng hoặc sửa đổi, bổ sung đối với những chính sách chưa thực sự hiệu quả.
Lao động làm thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Ảnh minh họa: Vietnam+
Tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước sáng 31/5, các đại biểu Quốc hội cho rằng tình trạng lao động bị cắt giảm, mất việc làm hàng loạt sẽ kéo theo nhiều hệ luỵ xã hội, do đó Chính phủ cần phải nghiên cứu lại các gói hỗ trợ để triển khai hiệu quả hơn.
Rủi ro từ thất nghiệp gia tăng
Đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương băn khoăn đại dịch Covid-19, tình hình khủng hoảng kinh tế diễn biến phức tạp khiến thị trường lao động Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề, hàng trăm nghìn người bị mất việc, giảm giờ làm, đặc biệt là công nhân trong các khu công nghiệp.
“Mất việc làm được xem rủi ro lớn nhất với công nhân. Bởi khi đó, người lao động rất dễ bị tổn thương do mất đi nguồn thu nhập chính, mất đi cơ sở kinh tế cần thiết để ổn định cuộc sống cho bản thân và cho cả người phụ thuộc vào họ như trẻ em hay người già không còn sức lao động. Họ không còn khả năng chi trả cho các nhu cầu thiết yếu như chăm sóc sức khỏe, y tế, lương thực, thực phẩm…” đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung nói.
Khi rơi vào hoàn cảnh thất nghiệp, người lao động còn có nguy cơ đối mặt với những áp lực, thậm chí là khủng hoảng về tinh thần và có thể dẫn tới những hành động tiêu cực, ảnh hưởng không chỉ tới bản thân và gia đình họ mà còn kéo theo nhiều hệ lụy cho xã hội như bạo lực, bỏ học hay tệ nạn xã hội…
Đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung đưa ra vấn đề khi người lao động đột ngột bị mất việc làm, bị giảm giờ làm, bị cắt giảm các khoản phúc lợi hoặc mất đi tiền lương hàng tháng, nếu an sinh xã hội của người lao động không được bảo đảm tốt, không được bù đắp cho thu nhập bị giảm sút, trợ cấp thất nghiệp không đủ chi trả cho nhu cầu thiết yếu hằng ngày thì phản ứng của họ sẽ ra sao? Việc đình công có xảy ra hay không? Liệu rằng Chính phủ đã dự liệu những giải pháp kịp thời và dài hạn cho những rủi ro đó hay chưa?
Đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung nhấn mạnh tại thời điểm này người dân và doanh nghiệp đang rất cần những quyết sách thiết thực để duy trì và bảo đảm an sinh xã hội. Đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung gợi ý Chính phủ nghiên cứu xây dựng quỹ dự phòng an sinh xã hội dài hạn nhằm hỗ trợ người lao động mất việc làm, ứng phó khó khăn rủi ro đột ngột.
“Việc xây dựng quỹ dự phòng an sinh xã hội sẽ góp phần làm giảm gánh nặng cho quỹ an sinh xã hội truyền thống như quỹ bảo hiểm xã hội hay bảo hiểm y tế, từ đó đảm bảo quyền lợi của người lao động, góp phần củng cố an toàn, bền vững an sinh xã hội,” vị đại biểu đoàn Hải Dương nói.
Cũng quan tâm đến vấn đề lao động Việt Nam, đại biểu Tô Ái Vang, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng cho rằng trong nền kinh tế thị trường, tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm sẽ kéo theo tỷ lệ thất nghiệp tăng. Hiện nay, tình trạng thất nghiệp của người lao động và những tác động trực tiếp hay gián tiếp của thất nghiệp lên kinh tế xã hội tiếp tục đặt ra nhiều vấn đề quan tâm.
Vì thế, đại biểu Tô Ái Vang kiến nghị năm 2023 Chính phủ xác định là năm dữ liệu số Việt Nam nên các bộ, ngành liên quan cần sớm hoàn chỉnh dữ liệu thống kê về tình trạng thất nghiệp hiện nay thành ba loại chính: Thất nghiệp xảy ra khi có sự mất cân đối về mặt cơ cấu giữa cung và cầu lao động; thất nghiệp do tình trạng suy thoái về kinh tế và thất nghiệp xảy ra theo quy luật cung cầu trên thị trường đề từ đó ban hành những chính sách phù hợp.
Xem lại những gói hỗ trợ triển khai chậm
Đại biểu Trần Thị Vân, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh bày tỏ sự đồng thuận với giải pháp giảm thuế giá trị gia tăng 2% cho doanh nghiệp, gói hỗ trợ mua nhà ở xã hội cho công nhân lao động. Tuy nhiên, việc giải ngân các gói hỗ trợ còn giải ngân rất thấp nên cần đẩy nhanh tiến độ.
Hỗ trợ tiền thuê nhà trọ cho người lao động tại Cà Mau. Ảnh: TTXVN
Theo đại biểu Trần Thị Vân, năm 2022 có Nghị quyết 43 của Quốc hội, Nghị quyết 11 của Chính phủ với các cái gói hỗ trợ giảm lãi suất 2% cho doanh nghiệp vay xây nhà cho công nhân, 15.000 tỷ đồng cho công nhân vay mua nhà ở xã hội qua Ngân hàng Chính sách và mới đây nhất là gói 120.000 tỷ đồng.
Như vậy, chỉ trong vòng hơn 1 năm đã có 3 gói hỗ trợ dành cho người thụ hưởng chính là công nhân lao động. Điều này thể hiện sự quan tâm và trách nhiệm của Quốc hội, của Chính phủ đối với công nhân lao động trong cả nước. Tuy nhiên, hai gói hỗ trợ theo Nghị quyết 43 và Nghị quyết 11 thì hiện đang giải ngân rất thấp, gói giảm lãi suất 2% hiện mới giải ngân được gần 1% và 15.000 tỷ đồng được trên 34%.
Đại biểu Trần Thị Vân cho rằng năm 2023 Chính phủ lại ban hành triển khai gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng cho phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo chung cư cũ. Đối tượng và thời gian kết thúc của 3 gói tín dụng đang trùng lắp nhau và đều kết thúc vào cuối năm 2023.
“Vấn đề đặt ra đây là 2 gói tín dụng trước chúng ta còn chưa hấp thụ hết thì liệu gói 120.000 tỷ đồng có khả thi hay không? Trong khi Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở thì đang được sửa đổi và quy hoạch và chúng ta chưa phê duyệt xong,” đại biểu Trần Thị Vân băn khoăn.
Trước bất cập trên, đại biểu Trần Thị Vân đề nghị Chính phủ gộp 3 gói hỗ trợ thành 1 và đề xuất cho kéo dài đến hết năm 2025 thì mục tiêu xây dựng 1 triệu căn hộ mà Chính phủ đề ra mới có thể hoàn thành.
Đại biểu Ma Thị Thuý, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang cũng đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương quan tâm một số giải pháp, sớm rà soát toàn diện các chính sách hỗ trợ, ưu đãi đang được triển khai, xem chính sách nào hiệu quả, chính sách nào chưa thực sự hiệu quả để tạm dừng hoặc có biện pháp thay đổi kịp thời để bổ sung nguồn lực cho nền kinh tế.
Đại biểu Ma Thị Thúy cho rằng biện pháp nhanh nhất, hiệu quả nhất và doanh nghiệp dễ hấp thụ nhất trong lúc này chính là dùng công cụ tài khóa để hỗ trợ trực tiếp doanh nghiệp như giảm lãi suất ngân hàng, giảm tiền thuê đất, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; giảm, giãn, miễn lãi chậm nộp bảo hiểm xã hội…
Theo vietnamplus.vn