Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương dự và phát biểu kết luận hội thảo. Ảnh: Bích Nguyên
Việc tổ chức hội thảo nhằm triển khai thực hiện Kế hoạch số 03-KH/TW ngày 01/12/2021 của Bộ Chính trị thực hiện Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, đồng thời đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh dự, phát biểu đề dẫn Hội thảo.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương dự và phát biểu kết luận Hội thảo.
Dự Hội thảo có các đồng chí lãnh đạo ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội; các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương; một số trường đại học, học viện, cơ quan báo chí, xuất bản của Trung ương; chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý về lĩnh vực xây dựng Đảng, chính trị học, triết học…
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu đề dẫn hội thảo. Ảnh: Bích Nguyên
Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận, làm rõ cơ sở khoa học của việc xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng đối với cán bộ, đảng viên, trong đó cần lấy chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về chuẩn mực đạo đức người cách mạng là nền tảng tư tưởng, cơ sở thế giới quan và phương pháp luận để xây dựng.
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng khẳng định: Xây dựng Đảng về đạo đức và xây dựng đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên là vấn đề rất hệ trọng, một trong mười nhiệm vụ của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và là một trong những nội dung căn cốt trong tư tưởng Hồ Chí Minh.
Ngay từ khi tuyên truyền, vận động thành lập Đảng trong tác phẩm “Đường kách mệnh”, Chủ tịch Hồ Chí minh đã xác định, đạo đức cách mạng là nội dung cốt lõi đầu tiên trong những vấn đề căn bản của cách mạng Việt Nam.
Người nhiều lần nhấn mạnh, đạo đức là “gốc” của người cách mạng, người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân. Cán bộ đảng viên phải có trách nhiệm nêu gương đạo đức cách mạng, từ việc làm, lời nói cho đến cách ăn ở, phải làm sao cho dân tin, dân phục, dân yêu.
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng cho biết, thấm nhuần sâu sắc những chỉ dẫn có giá trị to lớn và quý báu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong hơn 93 năm lãnh đạo sự nghiệp cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn quan tâm, chú trọng xây dựng Đảng về đạo đức, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục; là yêu cầu quan trọng, cấp thiết trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, để Đảng ta thật trong sạch, vững mạnh, “là đạo đức, là văn minh”, là tổ chức của những người ưu tú, có bản lĩnh chính trị vững vàng; đủ năng lực và uy tín để lãnh đạo nhân dân, xứng đáng với trọng trách được nhân dân giao phó.
Hội thảo thu hút sự tham dự của đông đảo đại biểu là nhà khoa học, nhà lý luận, nhà quản lý. Ảnh: Bích Nguyên
Tại hội thảo, các đại biểu cũng phân tích, đánh giá thực trạng việc thực hiện các chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên hiện nay, chỉ rõ nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, trên cơ sở đó đề xuất các định hướng, giải pháp xây dựng và thực hiện chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên.
Các đại biểu đều có chung quan điểm chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới gồm những nội dụng cơ bản: Tận trung với Đảng, tân hiếu với dân; Bản lĩnh, kiên định, sáng tạo, tự cường; Tận tụy với việc, nhân nghĩa với người; Cần kiệm liêm chính, chí công vô tư; Tự trọng, danh dự, đoàn kết, kỷ cương; Trách nhiệm, nêu gương, tự soi, tự sửa; Tu dưỡng, học tập, phấn đấu suốt đời.
Các tham luận, ý kiến trao đổi tại Hội thảo cũng nhấn mạnh đến đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp giáo dục đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh và đấu tranh chống lại các biểu hiện lạc hậu, trì trệ, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống…
Việc xây dựng các chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên cần bảo đảm tính cách mạng, khoa học, phổ quát, toàn diện, cụ thể, ngắn gọn, tường minh, dễ nhớ, dễ hiểu, dễ học tập, làm theo, dễ kiểm tra, giám sát, trên cơ sở đó, đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành và tổ chức thực hiện trong toàn thể cán bộ, đảng viên.
Phát biểu kết luận hội thảo, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh: “Qua hội thảo, có thể khẳng định, tất cả các ý kiến và các báo cáo tham luận đều thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, trí tuệ và tâm huyết của các đồng chí đại biểu, các nhà khoa học.
Qua đó góp phần cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn tin cậy, tạo sự thống nhất và nâng cao nhận thức về xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng nhằm góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có tư tưởng chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức, lối sống trong sáng, gương mẫu, có tư duy, khát vọng đổi mới, có năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ; có tinh thần gương mẫu, tiên phong; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm”.
Bích Nguyên