Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Huổi Luông phối hợp với các lực lượng và nhân dân trên địa bàn tuần tra, bảo vệ biên giới. Ảnh: Phan Thành Nam
Xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh
Thiếu tá Lê Văn Dung, nhân viên Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Huổi Luông được đơn vị giới thiệu tăng cường xã từ năm 2009, trải qua nhiều vị trí công tác như Phó Bí thư Thường trực, Bí thư Đảng ủy xã Huổi Luông (huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu), Thiếu tá Lê Văn Dung luôn nỗ lực, cố gắng hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao. Với kinh nghiệm nhiều năm gắn bó với địa bàn, nên khi được tăng cường về cơ sở, Thiếu tá Lê Văn Dung đã cùng với cấp ủy xã xây dựng, ban hành các nghị quyết tập trung vào các giải pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao đời sống nhân dân.
Để bà con tin tưởng làm theo, Thiếu tá Lê Văn Dung cùng các cán bộ xã, cán bộ Đồn Biên phòng Huổi Luông đã tích cực tuyên truyền, vận động, tư vấn, hỗ trợ cho các gia đình về quy trình kỹ thuật, lựa chọn cây trồng, con giống phù hợp. Sau nhiều năm thực hiện, hầu hết các gia đình trong xã đều chuyển sang trồng những giống cây lương thực, cây ăn quả cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao, kết hợp với chăn nuôi gia súc, gia cầm. Từ đó, số hộ nghèo đã giảm đáng kể, thu nhập bình quân đầu người đạt 37,37 triệu đồng/năm, xã Huổi Luông đã về đích nông thôn mới vào năm 2021.
Cùng với thực hiện nhiệm vụ nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân trên địa bàn, Thiếu tá Lê Văn Dung đã cùng cấp ủy xã triển khai nhiều giải pháp nhằm củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị cơ sở. Tiêu biểu là xây dựng, ban hành nghị quyết phát triển đảng viên, xóa bỏ tình trạng “trắng” đảng viên ở các thôn, bản, trong đó, tập trung bồi dưỡng phát triển đội ngũ đảng viên đủ về số lượng, nâng cao về chất lượng.
Thiếu tá Nguyễn Hữu Kiểm, Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Đồn Biên phòng Huổi Luông cho biết: “Những việc làm thiết thực của Thiếu tá Lê Văn Dung trong công tác xây dựng Đảng, lãnh đạo địa phương phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới được cấp ủy, chính quyền cấp trên ghi nhận, đánh giá cao. Ngoài Thiếu tá Lê Văn Dung, Đảng ủy đơn vị đã phân công 11 đảng viên tham gia sinh hoạt tạm thời tại 11 chi bộ thôn, bản. Tham gia sinh hoạt, các đồng chí đảng viên của đơn vị đã tham mưu, giúp cấp ủy chi bộ các thôn, bản nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các chi bộ cơ sở”.
Tham gia phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo
Theo chân Đại úy Phan Thành Nam, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Huổi Luông đến thăm gia đình chị Hoàng Mỳ Xá (dân tộc Hà Nhì), là hộ trước đây có hoàn cảnh khó khăn tại bản Hồ Thầu, tôi cảm nhận được sự thay đổi rõ nét về kinh tế, đời sống của gia đình chị. Gặp chúng tôi, chị Xá phấn khởi cho biết: “Đầu năm 2022, gia đình tôi được nhận 5 con dê giống từ Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” do Đồn Biên phòng Huổi Luông phối hợp trao tặng. Ngoài việc tặng con giống, cán bộ, chiến sĩ đơn vị cũng giúp đỡ gia đình tôi làm chuồng trại, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc vật nuôi. Nhờ chăm sóc tốt, đến nay, đàn dê đã phát triển lên 9 con, gia đình tôi đã có điều kiện phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững”.
Đồn Biên phòng Huổi Luông tặng dê giống cho hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Ảnh: Phan Thành Nam
Theo Đại úy Phan Thành Nam, bên cạnh việc triển khai các mô hình kinh tế chăn nuôi gia súc (dê, bò, lợn), những năm qua, Đảng ủy, Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng Huổi Luông đã tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương lãnh đạo phát triển một số mô hình kinh tế trồng trọt, tiêu biểu là mô hình trồng chuối, quế, chanh leo, mắc ca, xoài. Cùng với đó, đơn vị tích cực vận động các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân hỗ trợ cây giống, con giống, vốn để giúp người dân phát triển sản xuất.
Đặc biệt, từ năm 2020 đến nay, sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương là chuối không bán được sang thị trường Trung Quốc, khiến cho cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng lớn, thu nhập của các hộ giảm mạnh. Để giải quyết khó khăn đó, đầu năm 2023, đơn vị và cấp ủy, chính quyền địa phương đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phong Thổ triển khai mô hình trồng chanh leo thương phẩm. Đến nay, trên địa bàn xã đã trồng thí điểm được 18ha chanh leo, dự kiến đến đầu năm 2024 sẽ thu hoạch vụ đầu và sản phẩm đầu ra sẽ được Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phong Thổ liên kết với các doanh nghiệp bao tiêu.
Ngoài ra, đơn vị cũng tổ chức nhiều chương trình, hoạt động, mô hình thiết thực như: Phối hợp trao tặng hàng ngàn suất quà cho hàng ngàn lượt hộ dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn vào các dịp lễ, Tết; vận động xây dựng nhà ăn, bể nước, sân chơi cho các trường học trên địa bàn trị giá gần 200 triệu đồng; tặng mô hình sinh kế cho 2 hội viên phụ nữ nghèo theo Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”; tổ chức giúp dân phát triển kinh tế được 30 ngày công, tham gia giúp đỡ 25 ngày công xây dựng nông thôn mới.
Phát huy sức mạnh nhân dân trong bảo vệ biên giới
Thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 9/1/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”, những năm qua, Đảng ủy, Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng Huổi Luông đã tham mưu, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương duy trì có hiệu quả hoạt động của 17 Tổ tự quản đường biên, cột mốc/157 hộ gia đình tham gia; 14 Tổ tự quản an ninh trật tự bản/98 hộ gia đình tham gia; phát động phong trào “Toàn dân tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới”, cùng với đó, triển khai cho 1.455 hộ ký cam kết tham gia phong trào.
Trong quá trình hoạt động, các Tổ tự quản đường biên, cột mốc luôn phối hợp chặt chẽ với Đồn Biên phòng Huổi Luông trong việc trao đổi thông tin và tổ chức tuần tra, kiểm tra hiện trạng đường biên, cột mốc; tổ chức phát quang thông tầm nhìn biên giới; phát quang dấu hiệu đường biên giới quốc gia và các công trình quốc phòng – an ninh trên khu vực biên giới; tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nghiêm Luật Biên giới quốc gia, các Hiệp định, Quy chế quản lý, bảo vệ biên giới đất liền Việt Nam – Trung Quốc…
Đồng thời, trong quá trình lao động, sản xuất tại khu vực biên giới, nhân dân cũng thường xuyên kiểm tra hiện trạng cột mốc và đoạn biên giới được giao bảo vệ, nếu phát hiện người lạ vào khu vực biên giới, bà con sẽ báo ngay với BĐBP và chính quyền địa phương để kịp thời xử lý. Bà con nhận thức đây vừa là vinh dự, vừa là trách nhiệm cao quý của người dân vùng biên. Bảo vệ đường biên, cột mốc là bảo vệ thôn, bản; biên giới có ổn định thì nhân dân mới yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế.
Thông qua hoạt động của các Tổ tự quản an ninh trật tự, người dân trên địa bàn luôn nêu cao tinh thần cảnh giác trước mọi âm mưu, hoạt động phá hoại cuộc sống bình yên trên khu vực biên giới của các đối tượng xấu, các thế lực thù địch. Từ thông tin mà nhân dân cung cấp đã giúp Đồn Biên phòng Huổi Luông giải quyết dứt điểm 11 vụ việc, vận động nhân dân thu hồi 9 khẩu súng tự chế, xử lý 5 quả mìn còn sót lại sau chiến tranh. Qua đó, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới do đơn vị phụ trách.
Trọng Thành