Như Thanh Niên đã đưa tin, tại SEA Games 31, Ban tổ chức Việt Nam đã thực hiện khoảng hơn 1.000 xét nghiệm với các VĐV và gửi mẫu thử doping sang phòng xét nghiệm tại Thái Lan. Đối tác đã trả lời, có tổng cộng 10 VĐV nhận kết quả dương tính với doping. Trong đó Việt Nam có 5 VĐV (đều thuộc đội tuyển điền kinh Việt Nam), Thái Lan có 2 VĐV, Myanmar có 2 VĐV và Indonesia có 1 VĐV.
Cơ quan phòng chống doping thế giới
5 VĐV điền kinh đều đạt thành tích xuất sắc tại SEA Games 31, trong đó 4 VĐV nữ giành huy chương vàng nội dung cá nhân và tiếp sức (có 1 VĐV nữ còn giành thêm 1 huy chương bạc); VĐV nam giành 1 huy chương bạc nội dung cá nhân, 1 huy chương bạc nội dung tiếp sức.
Vào giữa tháng 1 vừa qua, Hội đồng thể thao Đông Nam Á đã tổ chức phiên điều trần dành cho các VĐV, nhưng chỉ có 5 VĐV Việt Nam và 1 VĐV Thái Lan tham gia.
Nội dung mà cả 5 VĐV Việt Nam trình bày trước hội đồng đều giống nhau: tự ý mua thực phẩm chức năng được rao bán trên mạng để sử dụng trong thời điểm chuẩn bị cho SEA Games 31. Các VĐV đều không hay biết loại thực phẩm mà họ dùng đều chứa chất cấm trong thể thao.
Bình luận về sự cố nghiêm trọng này, Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Đặng Hà Việt nói: “Đây là cú sốc lớn. Thể thao Việt Nam không bao giờ có chủ trương dùng doping, luôn nói không với doping. Chúng tôi đã cố gắng kiểm soát tương đối chặt ở tất cả trung tâm thể thao quốc gia. Nhưng đáng tiếc là các VĐV đã tự bỏ tiền ra mua các sản phẩm về dùng với mục đích muốn hưng phấn hơn khi tập luyện chứ không phải để tăng thành tích. Trong khi thị trường thực phẩm chức năng tại Việt Nam vẫn bị buông lỏng, nhà nước chưa kiểm soát nổi. Có công ty sản xuất có đạo đức, có công ty không đạo đức khi đưa vào những chất mà khi VĐV sử dụng có nguy cơ dính doping rất cao”.
Hội đồng thể thao Đông Nam Á chưa có kết luận cuối cùng về vụ việc. Theo thông tin mới nhất, dự kiến vào ngày 14.3, Cơ quan phòng chống doping thế giới (WADA) sẽ có cuộc họp đột xuất với Ban tổ chức SEA Games 31, ngành thể thao Việt Nam để làm rõ hơn diễn tiến của sự cố. WADA sẽ nghe lại các bản tường trình của các VĐV cũng như ý kiến của phía Việt Nam xung quanh sự việc đáng tiếc này. WADA có thể sẽ đưa ra quan điểm để từ đó phía Việt Nam có cơ sở để xử lý vụ việc. Thể thao Việt Nam đã từng xảy ra sự cố doping nhưng đây là lần đầu tiên, WADA đề nghị làm việc với ngành thể thao Việt Nam, sau khi nhận được thông báo về kết quả dương tính với chất cấm của các VĐV Việt Nam.
Trước mắt, 5 VĐV điền kinh Việt Nam sẽ không có tên trong danh sách đội tuyển chuẩn bị cho SEA Games 32.