Anh Phạm Đình Ngãi lấy mật dừa để chế biến sản phẩm. Ảnh: Nguyễn Hoàng
Nâng tầm sản vật địa phương
Hiện nay, tỉnh Trà Vinh là địa phương có diện tích trồng dừa nhiều thứ 2 ở Việt Nam với trên 25.000ha, nhưng nông dân vẫn chưa thể làm giàu từ tài nguyên bản địa này. Vì vậy, với mong muốn đem đến giá trị cho cây dừa lẫn người nông dân tại Trà Vinh, anh Phạm Đình Ngãi, Giám đốc điều hành của Sokfarm đã cùng vợ là chị Thạch Thị Chal Thi đầu tư máy móc hiện đại để sản xuất các sản phẩm xuất khẩu từ cây dừa.
Theo đó, các sản phẩm mật hoa dừa, đường hoa dừa, mật hoa dừa lên men, nước tương mật hoa dừa…của anh Ngãi đang xuất khẩu đi Nhật Bản, Hà Lan và được thị trường đón nhận khá tốt. Đáng chú ý, việc lấy mật từ hoa dừa lại chính là nghề truyền thống của người Khmer đã bị thất truyền từ rất lâu, nay được anh Ngãi khôi phục và nâng tầm hơn.
Anh Phạm Đình Ngãi cho biết, mặc dù số lượng đơn hàng xuất chính ngạch sang Nhật Bản và Hà Lan chưa nhiều, nhưng mở ra cơ hội lớn để xuất sang các nước khác trên thế giới. Hiện tại, Sokfarm có 6 dòng sản phẩm là nước uống mật hoa dừa, mật hoa dừa cô đặc, đường hoa dừa, giấm mật hoa dừa, mật hoa dừa lên men và ca cao mật hoa dừa. Mỗi tháng công ty tiêu thụ nguyên liệu từ 15-20 tấn mật tươi để sản xuất ra 3-4 tấn sản phẩm.
Anh Phạm Đình Ngãi kể, để xuất sang Nhật Bản, Hà Lan là cả quá trình công phu, làm việc nghiêm túc nhiều tháng, đặc biệt về chất lượng sản phẩm để đạt tiêu chuẩn xuất đi thì đối tác đòi hỏi khắt khe. Chưa kể, họ còn yêu cầu nghiêm ngặt qua hàng trăm chỉ tiêu về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
Theo anh Phạm Đình Ngãi, Trà Vinh là một trong những địa phương có đông đồng bào Khmer sinh sống. Để giải quyết công ăn việc làm cho người dân ở đây, anh đã tuyển những nhân công là người dân tộc Khmer chiếm trên 90%. Giá trị cốt lõi của Sokfarm chính là xây dựng thương hiệu trên quê hương gắn với nghề truyền thống của người Khmer.
Tương tự, với mong muốn đem sản vật địa phương vươn ra biển lớn, chị Nguyễn Ngọc Hương đã sản xuất các sản phẩm bột rau má, bột tía tô, bột diếp cá, bột lá sen và bột chùm ngây đạt chuẩn OCOP 4 sao và xuất khẩu sang nhiều nước, từ đó đưa hình ảnh vùng trồng rau Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh vươn ra thế giới.
Chị Nguyễn Ngọc Hương cho biết, năm 2016, Công ty Thiên Nhiên Việt được thành lập, đó cũng là lúc chị tập trung toàn bộ để làm sản phẩm, từ kiểm soát nguyên liệu đầu vào, máy móc theo tiêu chuẩn của các thị trường lớn trên thế giới. Chị đầu tư vào một trang trại trồng rau khoảng 10.000m2 tại huyện Củ Chi, điểm đặc biệt là sử dụng toàn bộ chế phẩm sinh học để trồng và chăm sóc nhằm đảm bảo sức khỏe của người dùng.
“Thay vì mua rau có sẵn thì tự mình trồng luôn để kiểm soát được chất lượng. Tiếp đến phải tìm hiểu, nghiên cứu công nghệ chế biến rau tươi thành bột rau sấy lạnh. Máy móc cũng phải tự mày mò, bởi nhập từ nước ngoài thì rất đắt và không phù hợp với rau của Việt Nam. Tôi phải thử và sai nhiều lần, hơn 1 năm mới bắt đầu hoàn chỉnh công nghệ và ra được sản phẩm ưng ý.
Hiện, 5 sản phẩm của công ty là bột rau má không đường Orama, bột tía tô, bột diếp cá, bột lá sen và bột chùm ngây đã được UBND thành phố Hồ Chí Minh công nhận đạt chuẩn OCOP 4 sao trong đợt xét tuyển hồi tháng 3/2022. Riêng sản phẩm bột rau má có đường Orama đang được đề cử là sản phẩm OCOP 5 sao” – chị Nguyễn Ngọc Hương cho biết thêm.
Theo chị Hương, tất cả các sản phẩm này có mặt tại các kênh bán lẻ khắp cả nước, sản phẩm của công ty hiện đã xuất khẩu thành công sang Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ và nhiều nước châu Âu khác. Việc xuất khẩu thành công tới nhiều thị trường lớn chính là bảo chứng cho chất lượng của sản phẩm. Sắp tới, chị sẽ tiếp tục nghiên cứu, cải tiến hoạt động sản xuất cũng như nâng cao năng lực sản xuất để mở rộng phân phối, xuất khẩu tới nhiều thị trường khó tính khác để đưa sản vật địa phương vươn xa hơn.
“Doanh nông” đi lên từ tài nguyên bản địa
Hiện nay, Công ty Thiên Nhiên Việt và Công ty Sokfarm có một điểm chung thú vị là đều có dự án đoạt giải quán quân của Cuộc thi Dự án khởi nghiệp nông nghiệp vào năm 2019 và 2020. Đây là cuộc thi được tổ chức bởi Câu lạc bộ Sáng tạo khởi nghiệp (SKC) do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) sáng lập và vận hành.
Được thành lập từ năm 2013, đến nay, SKC đã tổ chức các chương trình như huấn luyện – đào tạo, hội thảo – diễn đàn – tọa đàm, xúc tiến thị trường, truyền thông và tổ chức Cuộc thi “Dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo từ tài nguyên bản địa”. Cho đến thời điểm hiện tại, cuộc thi đã thu hút gần 1.170 dự án và ý tưởng tham gia với khoảng 1.598 lượt thành viên tham dự qua 8 lần tổ chức.
Cây rau má tại huyện Củ Chi được doanh nghiệp Việt Nam sản xuất, đóng gói để xuất khẩu. Ảnh: Nguyễn Hoàng
Bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc BSA cho biết, SKC đã giúp sức, hỗ trợ, xúc tiến cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, các chủ cơ sở phát triển đi lên trong việc phát triển sản phẩm, dịch vụ, định hướng thị trường, chuẩn hóa bao bì sản phẩm, kế hoạch tài chính, kinh doanh, từng bước chinh phục các tiêu chuẩn trong và ngoài nước. Qua đó, đã hình thành nên một thế hệ những “doanh nông” gắn với nông nghiệp, nông thôn, khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên bản địa vốn là những sản vật của vùng, miền để sáng tạo nên những sản phẩm độc đáo.
Theo bà Vũ Kim Hạnh, trong những năm qua, BSA và SKC đã tổ chức cho các startup đi cùng chuyên gia, doanh nghiệp đến các địa phương, các nhà máy để học tập kinh nghiệm về phát triển sản phẩm, phát triển kinh doanh, xây dựng vùng nguyên liệu… Bên cạnh đó, SKC đã tổ chức cho gần 10.000 lượt doanh nghiệp khởi nghiệp tham gia các kỳ Hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao, các phiên chợ nông sản, phiên chợ khởi nghiệp và các sự kiện xúc tiến thương mại quốc tế để tìm kiếm thị trường, tìm hiểu xu hướng sản phẩm…
Từ sự hỗ trợ trên của SKC, nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp đã phát triển, lớn mạnh không ngừng, xây dựng được những tiêu chuẩn như: HACCP, ISO, FDA, OCOP… Đặc biệt, không ít doanh nghiệp khởi nghiệp đã đạt chứng nhận Hàng Việt Nam chất lượng cao từ năm 2020-2022 như: Bột rau má Quảng Thanh, mật dừa nước ông Sáu, mật hoa dừa Sokfarm, chùm ngây Vườn Nhà Mình, Đinh Gia Food, Hương Đồng Tháp… Trong đó, nhiều bạn trẻ khởi nghiệp đã xuất khẩu ổn định qua thị trường châu Âu, Mỹ, châu Á…
Anh Phạm Đình Ngãi cho biết, việc nhận được các tư vấn, hỗ trợ của các chuyên gia đã giúp cho tình yêu của anh với cây dừa không còn là “yêu dại khờ” mà trở nên có căn cứ, có lập luận chắc chắn hơn. Cụ thể, các chuyên gia đã giúp anh nhìn rõ hơn kế hoạch kinh doanh cũng như bài toán thị trường để có thể tự tin đi trên con đường mình đã chọn. Điều này cũng đồng nghĩa với việc tình yêu với cây dừa được nuôi dưỡng lớn hơn, lâu bền hơn để đưa các sản phẩm đi xa hơn, được nhiều người biết đến hơn để mang về hạnh phúc cho người trồng dừa ở Trà Vinh.
Nguyễn Hoàng