Thiên nhiên ưu đãi, nhiều danh thắng
Yên Thành là huyện đồng bằng bán sơn địa, cách thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An khoảng 50 km về phía Bắc, có tổng diện tích tự nhiên là 54.769 ha, gồm 38 xã và 1 thị trấn. Yên Thành từ lâu đã được biết đến là một vùng đất cổ. Từ thời Tiền Lê, thời Lý, nhiều cuộc di dân, khai hoang về miền đất này đã được đẩy mạnh, lập nên những hương ấp, xóm làng trù phú, đã hình thành nên những cánh đồng màu mỡ, phì nhiêu, là vựa lúa của vùng Bắc Trung Bộ mang đậm đặc trưng của văn minh lúa nước.
Mặc dù điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, nhưng vốn bản chất thông minh, mộc mạc, cần cù, chịu thương, chịu khó, có truyền thống yêu nước, cách mạng và giàu lòng mến khách nên người dân nơi đây luôn biết vươn lên trong cuộc sống, vượt qua rất nhiều khó khăn, thử thách để tạo dựng nên một đời sống vật chất, tinh thần phong phú, đa dạng, hình thành nên một bản sắc văn hóa riêng của vùng quê yên bình, lưu giữ những nét văn hóa truyền thống, tập tục văn hóa đặc sắc của người xưa.
Là vùng đất có hệ thống hang động, hồ đập, rừng nguyên sinh với thảm thực vật phong phú, hệ thống di tích đình, đền, chùa, miếu mạo và danh thắng hấp dẫn. Theo thống kê, toàn huyện có 522 di tích danh thắng, trong đó có trên 200 di tích đã được lập danh mục quản lý, đến nay đã có 24 di tích được công nhận là di tích quốc gia, 39 di tích xếp hạng cấp tỉnh. Nhiều di tích mang giá trị nghệ thuật kiến trúc độc đáo, có thể khai thác phục vụ phát triển du lịch cộng đồng.
Lễ rước truyền thống tại Di tích VHLS đền, chùa Gám xã Xuân Thành (huyện Yên Thành, Nghệ An)
Cùng với hệ thống các di tích văn hóa, lịch sử, Yên Thành có nhiều làng nghề thủ công truyền thống, lễ hội văn hóa lịch sử, lễ hội dân gian truyền thống và tín ngưỡng… các làn điệu dân ca, ví, giặm, chèo, tuồng, thơ ca dân gian… là nơi lưu giữ những kho tàng văn hoá dân tộc, có tính hấp dẫn khách du lịch đến tham quan nghiên cứu. Yên Thành có tài nguyên du lịch rất lớn cả về tài nguyên tự nhiên và nhân văn.
Nhận thức được lợi thế và tiềm năng du lịch đó, trong những năm qua, huyện đã chú trọng đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng du lịch để phục tốt cho nhu cầu phát triển du lịch như đầu tư hệ thống đường giao thông, nâng cấp các cơ sở lưu trú, thu hút đầu tư triển khai dự án khu du lịch sinh thái tâm linh Đền, Chùa Gám, thu hút nguồn vốn trùng tu, 2 tôn tạo, khôi phục các di tích…
Tuy nhiên, Yên Thành là huyện thuần nông, thu nhập bình quân thấp so với các vùng lân cận, những những tiềm năng lợi thế cũng như việc khai thác đang ở bước khởi đầu khiêm tốn nên phát triển du lịch ở Yên Thành vẫn đang ở dạng sơ khai và chưa tác động, một số khó khăn, hạn chế như: hệ thống cơ sở hạ tầng trên địa bàn huyện vẫn còn thiếu đồng bộ, hiệu quả đầu tư chưa cao, cơ sở vật chất còn lạc hậu, quy mô nhỏ và phân phối không hợp lý. Việc khai thác các tiềm năng để thành sản phẩm du lịch còn hạn chế. Dịch vụ ăn uống chưa đủ khả năng phục vụ cho lượng lớn khách du lịch; Dịch vụ vui chơi giải trí còn nghèo nàn, chủ yếu là sân cầu lông và sân bóng bàn, nghiệp vụ làm du lịch của nhân dân chưa theo kịp yêu cầu phát triển. Công tác quảng bá, xúc tiến đầu tư về du lịch chưa theo kịp tốc độ và xu hướng phát triển chung của xã hội. Đặc biệt, một số di tích đang bị xuống cấp, thậm chí đổ nát thành phế tích, nhiều nét văn hóa có nguy cơ mai một.
Một trong 6 trọng điểm du lịch của tỉnh Nghệ An
Du lịch Việt Nam đang có xu hướng phát triển với tốc độ cao cả về du lịch quốc tế và du lịch nội địa. Nhu cầu du lịch cộng đồng đang có xu hướng phát triển khá nhanh. Nhà nước có các chính sách hỗ trợ về cơ chế, về vốn, kỹ thuật… có nhiều giải pháp lồng ghép để phát triển kinh tế gắn với bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa để phát triển du lịch. Nhận thức của người dân về phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và di sản đang dần được nâng lên. Đặc biệt, Yên Thành được xác định là một trong 6 trọng điểm du lịch của tỉnh Nghệ An từ cuối năm 2015.
Yên Thành là vùng đất cổ, có bề dày về lịch sử, văn hoá. Vì vậy, việc tuyên truyền phổ biến giá trị đó đến người trẻ, nhất là các em học sinh nhỏ tuổi là điều cần thiết. Ảnh trên là những thiếu nhi xã Khánh Thành (huyện Yên Thành)
Do vậy, việc phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy giá trị di sản trên địa bàn huyện Yên Thành là hết sức cần thiết. Du lịch phát triển sẽ thu hút được các nhà đầu tư, thu hút khách du lịch đến tham quan các di tích, danh thắng, tạo việc làm và thu nhập cho người dân, tăng nguồn thu cho ngân sách huyện; cơ sở vật chất kỹ thuật sẽ được quan tâm đầu tư phát triển và cải thiện.
Ngược lại, việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa sẽ góp phần tích cực cho việc giữ gìn các giá trị văn hóa, đồng thời tạo điều kiện phát triển loại hình du lịch sinh thái, tâm linh gắn cộng đồng một cách hiệu quả. Để bảo tồn, phát huy được những tiềm năng, lợi thế về di sản văn hóa của huyện, gắn với phát triển du lịch, góp phần phát triển kinh tế xã hội, UBND huyện Yên Thành đã thực hiện Đề án phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trong những năm qua, cũng như có những định hướng trong những năm tiếp theo, và đạt được những kết quả nhất định.
Qua đó, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho mọi tầng lớp nhân dân về tầm quan trọng của phát triển du lịch và công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa. Tổ chức các hoạt động ngoại khóa, đi tìm địa chỉ đỏ, các cuộc thi viết, trắc nghiệm… tìm hiểu về danh nhân, các địa danh lịch sử như tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp đồng chí Phan Đăng Lưu nhân dịp kỷ niệm 120 năm ngày sinh đồng chí Phan Đăng Lưu; cuộc thi tìm hiểu Bác Hồ với quê hương Yên Thành nhân dịp kỷ niệm 60 năm Bác Hồ về thăm Vĩnh Thành đã thu hút đông đảo cán bộ Đảng viên học sinh, sinh viên tham gia và phân công các trường chịu trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ, làm đẹp khuôn viên của các di tích, khơi dậy nét đẹp văn hóa truyền thống của địa phương; Các trường học trên địa bàn huyện đã đưa Dân ca Ví, Giặm vào chương trình dạy của môn âm nhạc góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của nhân loại.
Tiếp tục duy trì hoạt động có hiệu quả của 05 Câu lạc bộ tuồng, 01 Câu lạc bộ chèo, 08 Câu lạc bộ dân ca Ví – Giặm. – Chỉ đạo tổ chức sưu tầm hiện vật bổ sung vào Bảo tàng huyện, kết quả: sưu tầm và bổ sung nhiều hiện vật như: 48 bản Mộc bản chữ nho; 10 quyển sách chữ nho; 2 cái Nồi đồng cổ; 01 Thùng Đạn 105 ly; 7 đĩa sứ cổ; 01 bộ cối giã gạo; 01 chiếc chum cổ dùng để đựng thóc …
Việc triển khai thực hiện Đề án đã góp phần làm chuyển biến nhận thức của người dân về phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, góp phần thúc đẩy ngành du lịch tiếp tục phát triển ổn định và trở thành kinh tế mũi nhọn, có tác dụng tích cực tới kinh tế – xã hội của huyện nhà. Tạo sự phong phú đa dạng và góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tiên tiến, đậm đà bản sắc của vùng quê giàu truyền thống hiếu học và cách mạng. Góp phần quan trọng trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị di sản văn hóa của dân tộc; Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, góp phần giáo dục truyền thống cho các thế hệ.