Kiếm 100 triệu đồng sau hai tháng khởi nghiệp
“20 triệu đồng vốn khởi nghiệp, 1.400 đơn hàng và 100 triệu đồng doanh thu sau hai tháng”, chị Nguyễn Ngọc Hoàng Minh (32 tuổi, ngụ tỉnh Bình Dương) nói với vẻ tự hào trong đoạn clip đăng tải trên mạng xã hội.
Chị Minh cho biết, đến nay chị vẫn không tin bản thân có thể làm được những điều ngỡ như không thể. Mỗi ngày, chị đều đặn tự mình lái xe máy đi nhập hàng, sau đó về livestream, nhận đơn, đóng gói và giao hàng. Khi được hỏi có cảm thấy tủi thân khi là phụ nữ, nhưng phải làm việc cực nhọc, chị Minh vui vẻ trả lời: “Tôi đã sớm chai sạn với điều đó”.
Nữ công nhân khởi nghiệp bán nón, thu hàng chục triệu đồng mỗi tháng (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Những ngày cuối tháng 10/2022, khi đang làm việc bình thường, chị Minh bất ngờ được nhân sự gọi lên đưa quyết định thôi việc. Cầm lá đơn trên tay, chị Minh khóc không thành tiếng vì quá sốc vì bản thân vẫn cống hiến từng ngày. Lúc đó, chị Minh lủi thủi đi xin việc ở khắp nơi nhưng không nơi nào nhận. Quá túng thiếu, chị nhận công việc tạp vụ với mức lương chỉ hơn 3 triệu đồng/tháng, thỉnh thoảng còn bị đuổi về vì đã… hết việc.
Trong suốt 1 tháng thất nghiệp, chị Minh quanh quẩn với câu hỏi nên làm gì tiếp theo. Chị nhận ra bản thân đã ngoài 30 tuổi, trình độ văn hóa chỉ dừng ở lớp 8, kinh nghiệm làm việc là công nhân nên không đủ tự tin đi xin việc nữa.
Trong một lần lướt mạng xã hội, chị Minh thấy thị trường bán trực tuyến đang phát triển, chị nảy ra ý tưởng khởi nghiệp và bắt tay vào làm. Ngay khi chia sẻ ý tưởng với gia đình, chị Minh bị phản đối kịch liệt vì vốn đã quen với chuyện làm công ăn lương.
“Ba mẹ cho rằng công việc này rất dễ ‘bạo phát, bạo tàn’, gia đình cũng chưa từng có ai kinh doanh cả. Nhưng, nghĩ lại nếu không làm cái này thì mình có thể làm gì khác nữa. Dù có thất bại, tôi cũng sẽ tiếp tục kinh doanh chứ không làm thuê nữa, 10 năm làm công nhân là quá đủ”, chị Minh nói.
Với số vốn chưa tới 20 triệu đồng, Minh mạnh dạn nhập hàng về bán (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Cuối tháng 11, chị Minh bắt đầu khởi nghiệp với số tiền chưa tới 20 triệu đồng. Vừa làm vừa học, chị tìm hiểu cách kinh doanh trên mạng xã hội từ những người đi trước. Chị bắt đầu đăng tải video về quá trình khởi nghiệp, nhận được sự chú ý và ủng hộ của nhiều người. Đặc biệt, chất giọng miền Tây ngọt ngào của Minh cũng được mọi người khá ấn tượng.
Có được những đơn hàng đầu tiên, chị Minh tích cực livestream và có cho mình hơn 1.400 đơn hàng, thu về 100 triệu đồng sau hai tháng khởi nghiệp. Trung bình, những tháng cận Tết, chị có thể kiếm được 50 triệu đồng/tháng, bán khoảng 90 cái nón/ngày. Sau Tết, doanh thu duy trì khoảng 26 triệu đồng/tháng.
“Nhớ lại khoảnh khắc bị đuổi việc, tôi hụt hẫng lắm. Nhưng giờ mới thấy nó là cơ hội để tôi bước sang trang khác, được học hỏi rất nhiều, có được nguồn thu gấp đôi mức lương công nhân. Nếu cứ tiếp tục làm công nhân, thì tôi cố gắng cách mấy cũng chỉ là công nhân thôi”, chị Minh bộc bạch.
Không dừng lại vì sợ bị thụt lùi
Một mình khởi nghiệp, chị Minh trải qua vô vàn khó khăn, nhưng chưa từng gục ngã. Nhiều lúc trong túi không còn đồng nào vì “vét” sạch mua hàng, đầu tư máy móc, chị vẫn mạnh dạn mượn bạn 12 triệu đồng để mua máy tính.
“Lúc đầu nghĩ đơn giản nhưng bắt tay làm thì mới thấy khó khăn. Chẳng hạn như việc lựa thùng đóng hàng, phải biết kích thước bao nhiêu, kiểu mẫu thế nào. Rồi còn gu thẩm mỹ của khách, đối tượng khách hàng mình nhắm tới là ai”, chị Minh cho hay.
Công việc nặng vốn nên tiền bán được hầu như được chị tiếp tục đầu tư. Livestream trước ánh đèn lâu, khiến chị cũng thấy đau đầu, mỏi mắt. Bên cạnh đó, chị cũng phải cố phớt lờ những dòng bình luận tiêu cực trên mạng xã hội.
“Lâu lâu bán ế cũng buồn lắm, nhưng không là gì so với lúc nhận lá đơn cho thôi việc”, chị Minh cười, nói.
Nhiều lúc phải làm mọi chuyện một mình, Minh không cảm thấy tủi thân vì đã tự lập từ năm 15 tuổi (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Bản thân hiền lành, thật thà nên chị Minh được chính những khách hàng động viên trong suốt quá trình khởi nghiệp. Chị Minh cũng lấy đó làm động lực để bước tiếp.
Rời quê nhà Đồng Tháp từ lúc 15 tuổi lên Bình Dương để làm công nhân, chị đã vốn quen với sự vất vả. “Nhiều lúc đi lấy hàng, làm mọi thứ một mình cũng thấy cô đơn. Nhưng giờ nhờ được gia đình động viên, tôi cũng vui vẻ hơn”.
Từ một ngày chỉ ngủ được 4, 5 tiếng, chị Minh biết sắp xếp công việc hiệu quả, dành thời gian cho gia đình nhiều hơn. Được mọi người góp ý, chị cũng thay đổi được cách nói chuyện, quần áo khi lên video. Hình ảnh sản phẩm cũng được nâng tầm chất lượng hơn.
Giờ đây, công việc không chỉ cho chị nguồn thu nhập ổn định, mà còn giúp đỡ được gia đình chị ở quê, cho chị lượng kiến thức mà chị chưa từng được học. Sắp tới, chị Minh sẽ tiếp tục phát triển thêm mặt hàng quần áo, mở rộng thị trường trên các nền tảng mạng xã hội khác.
“Thị trường hiện đang phát triển theo hướng 4.0 nên nếu tôi dừng lại thì sẽ bị thụt lùi ngay. Việc học hỏi sẽ không dừng lại và cũng không bao giờ là đủ”, chị Minh khẳng định.