Một tuần trở lại đây, Trung tâm chống độc – Bệnh viện Bạch Mai liên tục tiếp nhận những bệnh nhân là công nhân cùng làm tại một tổ sản xuất của Công ty TNHH HS Tech Vina với những dấu hiệu mờ mắt, mệt mỏi, nồng độ methanol trong máu cao.
Trong đó, công nhân 17 tuổi Triệu Văn Nhậy – em trai của anh Ton là trường hợp nguy kịch. Sau 4 ngày điều trị hồi sức giải độc, anh Nhậy đã mở được mắt, nhưng mất thị lực và tổn thương não. Anh Ton luôn túc trực bên giường bệnh, hỗ trợ và động viên tinh thần để em trai kiên cường vượt qua lúc khó khăn này.
Anh Triệu Văn Ton chăm sóc em trai bị ngộ độc khí methanol, tình trạng nguy kịch.
Đến giờ, anh Ton không thể nào quên được cuộc điện thoại ngày 24/2 vừa qua thông báo việc em trai lịm đi, khó thở, mệt mỏi và đang được cấp cứu tại bệnh viện. Bỏ công việc, anh Ton bắt xe khách từ huyện Hà Quảng (Cao Bằng) xuống Hà Nội với em.
Đến nơi, anh Ton sững người khi thấy em đã hôn mê, xung quanh gắn đầy máy móc hỗ trợ sự sống. Anh Ton nhắc lại, sau Tết Nguyên đán, Nhậy nói sẽ xuống Bắc Ninh tìm việc làm, kiếm tiền trang trải cuộc sống. Vậy mà chưa đến 1 tháng đi làm xa quê hương, nam công nhân trẻ đã gặp chuyện chẳng lành.
Ton gạt nước mắt kể, ngay từ nhỏ, cả hai anh em đã phải tự lực cánh sinh, đùm bọc, cùng nhau lớn lên. Mẹ bỏ đi, bố nghiện rượu, nên Nhậy chỉ học hết lớp 5. Ở tuổi bạn bè đang được ăn học, anh em Nhậy đã phải đi làm thuê, kiếm sống nuôi bản thân. Chuyến đi sau Tết, xuống Bắc Ninh làm công nhân của Nhậy giờ lành ít, dữ nhiều.
Anh Ton giờ là người thân duy nhất ở bên cậu công nhân trẻ lúc khó khăn này. Một tuần qua túc trực bên giường bệnh, anh giấu những mệt mỏi vào bên trong. Giờ đây anh chỉ mong có phép màu để em trai có thể bình phục như xưa.
“Hôm nay, em đã mở được mắt nhưng vẫn chưa tỉnh hẳn. Nhậy không nhận thức được sự tồn tại của tôi bên cạnh. Tôi cầu mong những ngày tới sức khỏe của em có tiến triển hơn” – anh Ton buồn bã, lén quẹt nước mắt.
Anh Nguyễn Tiến Tấn nhập viện điều trị biểu hiện bên ngoài không nặng nhưng nồng độ methanol trong máu đã tăng cao.
Trước đó, một bệnh nhân nữ 42 tuổi cũng được chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng hôn mê, tụt huyết áp, não tổn thương nặng không hồi phục, có dấu hiệu mất não. Gia đình đã xin về và bệnh nhân tử vong tại nhà. Còn một số công nhân khác cũng có dấu hiệu mờ mắt, mệt mỏi, đang được điều trị tích cực.
Trong số những công nhân đang được điều trị tại Trung tâm chống độc, có lẽ anh Nguyễn Tiến Tấn (27 tuổi, ở Bắc Ninh) là tỉnh táo nhất. Thu nhập mỗi tháng từ 8-10 triệu đồng là yếu tố giữ chân anh Tấn làm việc tại công ty này trong 5 năm qua.
Anh Tấn cho biết, thời gian qua, công ty đưa thiết bị, máy mới vào sản xuất, gia công linh kiện điện tử cho điện thoại di dộng, máy tính bảng… Ở khu vực sản xuất này có sử dụng cồn công nghiệp, được phun vào dao cắt, sản phẩm.
Đến ngày 28/2, trong quá trình làm việc, anh thấy trong người nôn nao khó tả. Trước đó cũng có lác đác vài công nhân trong xưởng nhập viện điều trị, nên anh Tấn cùng vợ tức bốc gọi taxi xuống Bệnh viện Bạch Mai kiểm tra sức khỏe.
Bác sĩ kết luận nồng độ methanol trong máu trên mức 100mg/dL, anh Tấn được chỉ định nhập viện điều trị. Đến nay, anh không còn thấy chóng mặt, nôn nao như trước. Song, bác sĩ điều trị cho rằng, anh Tấn là một trong những trường hợp bên ngoài hoàn toàn không có triệu chứng, nhưng nồng độ cồn methanol trong máu tăng đáng kể.
Qua sự việc này, Trung tâm chống độc nhận định, đây là vụ nhiễm độc methanol qua đường hô hấp, một phần qua da trong điều kiện sản xuất. Theo Ban quản lý các Khu công nghiệp Bắc Ninh, xưởng nơi xảy ra ngộ độc có 70 người, chia hai ca. Sau sự cố, công ty cho ngừng hoạt động tại xưởng. Đến 19h00 ngày 28/2, 86 lao động làm việc tại xưởng có người bị ngộ độc đã đến Bệnh viện đa khoa Bắc Ninh để khám sàng lọc và xét nghiệm.
Thanh Xuân