Diễn biến mới tại phiên xử phúc thẩm Nguyễn Thái Luyện và các đồng phạm trong vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Rửa tiền” liên quan đến Công ty địa ốc Alibaba, có một người tự xưng là bạn làm ăn của Luyện đề nghị thay bị can bồi thường thiệt hại cho các bị hại với số tiền hơn 2.400 tỉ đồng.
TAND TP.HCM tiếp tục tổ chức xét xử đơn kháng cáo của các bị cáo, bị hại và gần 100 người có liên quan đến vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Rửa tiền” tại Công ty Alibaba.
Xuất hiện cá nhân muốn thay Luyện bồi thường 2.400 tỉ đồng
VTC ghi nhận,tại phiên tòa ngày 9/5, HĐXX thông báo, trước ngày diễn ra phiên phúc thẩm, một người tên Lê Viết An (bạn làm ăn chung với Luyện) có đơn đề nghị thay vợ chồng Nguyễn Thái Luyện bồi thường thiệt hại cho các bị hại và nộp thay cho bị cáo Võ Thị Thanh Mai (vợ Luyện) 12 tỉ đồng để khắc phục hậu quả trong tội rửa tiền.
Bị cáo Nguyễn Thái Luyện tại phiên tòa phúc thẩm. Ảnh: Hải Duyên/VNExpress
Người này đưa ra điều kiện để thực hiện nghĩa vụ bồi thường thay vợ chồng Nguyễn Thái Luyện là được chuyển nhượng quyền sở hữu bất động sản của Luyện đang bị kê biên trong vụ án. Bị cáo Luyện cũng đã có văn bản đồng ý với các nội dung trên.
Được biết, sau phiên xử sơ thẩm, HĐXX buộc vợ chồng Luyện liên đới bồi thường toàn bộ số tiền hơn 2.400 tỉ đồng cho 4.500 bị hại có liên quan đến vụ án này bên cạnh chấp hành bản án tù giam cho các tội danh tương ứng.
Theo báo Pháp luật TP.HCM, Chủ toạ phiên toà cũng cho biết cơ quan cũng tiếp nhận đơn kháng cáo bản án sơ thẩm liên quan đến trách nhiệm bồi thường của các bị cáo trong vụ án.
Cụ thể, có 26 bị hại kháng cáo yêu cầu nhận tiền và lãi suất theo quy định; 24 bị hại yêu cầu nhận lại số tiền còn thiếu (toà cấp sơ thẩm tuyên số tiền thấp hơn số tiền yêu cầu) không yêu cầu lãi suất; 43 bị hại yêu cầu được nhận đất và hai người liên quan kháng cáo bản án sơ thẩm.
Bán đất trên dự án “ma” để chiếm đoạt tiền
Theo cáo trạng, bị cáo Nguyễn Thái Luyện chỉ đạo xuyên suốt toàn bộ quá trình hoạt động của Công ty CP Địa ốc Alibaba và 22 pháp nhân trực thuộc đứng tên chủ đầu tư của 58 “dự án ma”.
Để tạo lòng tin và thu hút khách hàng, Luyện đã đưa ra thủ đoạn bán hàng cam kết mua lại với giá cao hơn từ 30% sau 12 tháng hoặc 38% sau 15 tháng kể từ ngày nộp tiền; hoặc thuê lại với giá 2%/tháng kể từ ngày kí và thanh toán 95% giá trị hợp đồng.
Hầu hết khách hàng nhận chuyển nhượng đất dưới dạng nền thổ cư do Công ty Alibaba chào bán không nhận được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất dưới dạng thổ cư như cam kết, mà được công ty chuyển sang hình thức trả lãi hoặc thu mua trở lại theo các hợp đồng quyền chọn hoặc phụ lục hợp đồng kèm theo.
Toàn bộ dự án dân cư được tự vẽ trái phép mà Công ty Alibaba chuyển nhượng cho khách hàng không phải là đất thổ cư như nội dung thể hiện trong hợp đồng chuyển nhượng. Do đó, đây không được xem là hợp đồng dân sự hợp pháp để có thể thực hiện theo các hợp đồng quyền chọn hoặc phụ lục hợp đồng kèm theo. Cơ quan điều tra xác định Nguyễn Thái Luyện và đồng phạm đã lừa 4.500 người với số tiền chiếm đoạt gần 2.400 tỉ đồng.
Nguyễn Thái Luyện trong phiên tòa sơ thẩm
Khép lại phiên tòa sơ thẩm, TAND TP.HCM tuyên án chung thân đối với bị cáo Nguyễn Thái Luyện về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bị cáo Võ Thị Thanh Mai (vợ Luyện) bị tuyên 20 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và 12 năm tù về tội rửa tiền, tổng hình phạt 30 năm tù.
Bị cáo Nguyễn Thái Lực và Nguyễn Thái Lĩnh (2 em trai Luyện) bị tuyên phạt lần lượt 27 năm tù và 17 năm tù cho 2 tội danh lừa đảo và rửa tiền. Các bị cáo còn lại đều lãnh mức án từ 10 – 19 năm tù.