Vỡ mộng làm giàu từ lướt sóng bất động sản



Tết Nguyên đán đã cận kề, tuy nhiên khác với sự sôi động và những số tiền thưởng “khủng” của năm trước,… cuối năm nay do thị trường bất động sản trầm lắng, nhiều cá nhân và doanh nghiệp đang phải đối mặt với loạt khó khăn.


Nhà đầu tư vỡ mộng

Chỉ trong 1 – 2 tháng thời điểm đầu năm, có khá nhiều nhà đầu tư từng khoe nhân đôi tài khoản nhờ đầu cơ đất nền, thậm chí có nhà đầu tư còn khoe sở hữu bộ sưu tập hàng chục sổ đỏ (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất),… Tuy nhiên, cũng vì mải mê chạy theo trào lưu “đám đông”, không ít nhà đầu tư đã phải nếm “trái đắng” sau đó không lâu.

Còn nhớ, thời điểm tháng 5/2022, chị Loan (Long Biên, Hà Nội) từng tự tin chia sẻ, chị đang dùng tiền vay ngân hàng để săn mua đất nền. Bởi theo chị Loan, lợi nhuận thu về sau mỗi lần tranh thủ “lướt sóng” thành công, thì lãi ngân hàng “là chuyện nhỏ”, chị đã từng lướt sóng vài lần thành công ở thị trường này thời điểm 2019-2021.


Vỡ mộng làm giàu từ lướt sóng bất động sản - 1

Nhiều nhà đầu tư “mắc cạn” vì trót vay ngân hàng lướt sóng đất nền

Giờ thì chị Loan đã “ngấm” quá rồi. Trong tay chị đang sở hữu 3 “sổ đỏ”, trong khi khoản nợ ngân hàng hơn một tỷ sắp tới thời gian đáo hạn.

Cũng vì lo nợ, đầu tháng 10 vừa qua chị đã gửi môi giới thông tin 2 lô đất để nhờ rao bán, nhưng dù đã gửi 5-6 môi giới trong hơn 2 tháng qua, chị Loan vẫn chưa bán được.

Nếu tình hình không bán được, có thể chị sẽ phải rao bán lỗ vốn chấp nhận mất tiền lãi ngân hàng mấy tháng nay. Còn nếu để lâu chờ thêm chị cũng không biết tình hình thị trường sẽ như thế nào, bởi trong suy nghĩ của chị, chị chỉ tham gia lướt sóng, thu vốn nhanh chứ không có ý định để lâu vì không có vốn đầu tư dài hơi.

Câu chuyện của chị Loan cũng là cảnh ngộ của khá nhiều nhà đầu tư “tay ngang” thời điểm này. Mới đây, Báo cáo của Bộ Xây dựng tổng hợp tại các địa phương cho thấy giá nhà ở riêng lẻ, đất nền cho xây dựng nhà ở tại các dự án trong quý 2 và 3 năm nay đang có xu hướng chững lại ở hầu hết các địa phương khi các hoạt động đầu tư, kinh doanh, dịch vụ thuộc các ngành nghề, lĩnh vực khác được phục hồi, bình thường trở lại.

Những người sử dụng vốn vay và đòn bẩy để đầu tư đang gặp nhiều rắc rối. Khi thị trường sôi động, chỉ cần khoảng vài ngày đến một tuần là nhiều người có thể sang tay một giao dịch, kiếm lời 50 – 100 triệu đồng một cách dễ dàng. Tuy nhiên, hiện nay bức tranh đang có phần đảo ngược. Tại một số tỉnh, số người bán thậm chí đang nhiều hơn số người hỏi mua.

Đặc biệt, từ giữa cuối II/2022, thị trường bất động sản bắt đầu ghi nhận những dấu hiệu trầm lắng. Hàng loạt các chính sách thắt chặt về tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp cùng lãnh đạo một số doanh nghiệp vướng vào lao lý đã khiến tâm lý chung trên thị trường e ngại, mọi giao dịch bị trì hoãn, các dự án đang triển khai phải nhấn nút “tạm dừng”.

Tình trạng này không chỉ kéo dài một hai tháng mà đã diễn ra trong suốt nửa cuối năm 2022 và càng về sau thì “sức khoẻ” thị trường cũng như cộng đồng doanh nghiệp càng suy giảm.

Loạt DN BĐS phải “co cụm”

Theo khảo sát thực tế, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản ghi nhận lợi nhuận sụt giảm mạnh, thậm chí thua lỗ; một số cổ phiếu bất động sản “nằm sàn”, đặc biệt là rủi ro sụt giảm sâu thanh khoản, có thể bị mất thanh khoản, thể hiện qua việc một số doanh nghiệp đang phải thực hiện các biện pháp “đau đớn” để “tồn tại”.

Vỡ mộng làm giàu từ lướt sóng bất động sản - 2

Hàng loạt DN BĐS đang phải xoay sở vì đối diện những thách thức từ thị trường

Đơn cử như một số doanh nghiệp bất động sản đang phải thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh hoặc tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động. Thậm chí có doanh nghiệp giảm đến 50% lực lượng lao động tác động đến vấn đề an sinh xã hội, ảnh hưởng đến nhiều hộ gia đình; hoặc phải giảm lương tác động đến cuộc sống của nhiều người lao động.

Ngoài ra, do tắc nguồn vốn tín dụng, tắc nguồn vốn trái phiếu, tắc cả nguồn vốn huy động từ khách hàng, nên nhiều doanh nghiệp bất động sản “đói vốn”, phải vay vốn ngoài xã hội như tín dụng đen với lãi suất rất cao, đầy rủi ro; hay phải bán bớt tài sản, dự án hoặc bán sản phẩm bất động sản, nhà ở với chiết khấu sâu (thậm chí đến 40% giá hợp đồng). Điều này tuy tạo ra cơ hội cho khách hàng mua nhà với giá rẻ hơn nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro do là sản phẩm hình thành trong tương lai.

“Thị trường bất động sản đang rất khó khăn”

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho hay thị trường bất động sản đang rất khó khăn, sức mua và thanh khoản giảm mạnh, thiếu dòng tiền; thiếu nguồn cung nhà ở đi liền với cơ cấu sản phẩm nhà ở không hợp lý; giá nhà tăng liên tục vượt quá khả năng tài chính của đa số người dân nên khó tạo lập được nhà ở.

Vỡ mộng làm giàu từ lướt sóng bất động sản - 3

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, thị trường bất động sản đang rất khó khăn

“Vướng mắc pháp lý” của thị trường bất động sản hiện nay là vướng mắc lớn nhất, chiếm 70% khó khăn của các dự án bất động sản, nhà ở. Nếu không có giải pháp xử lý kịp thời, hiệu quả thì thị trường bất động sản có thể trượt vào suy thoái, khủng hoảng, tác động bất lợi đến mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, an sinh xã hội”, ông Châu nói.

Do thị trường bất động sản đang rất khó khăn, ông Châu cho biết một số doanh nghiệp bất động sản phải thực hiện các giải pháp “tự cứu mình” để “tồn tại” trước và chờ cơ hội đầu tư kinh doanh mới.

Cụ thể, nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh (dừng, đình hoãn hoạt động đầu tư, thi công xây dựng một số dự án, công trình; dừng triển khai các dự án mới; dừng phát hành cổ phiếu tăng vốn; dừng IPO, mua lại trái phiếu trước thời hạn); tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động (thậm chí có tập đoàn giảm đến trên dưới 50% lực lượng lao động) tác động đến vấn đề an sinh xã hội, tác động đến nhiều hộ gia đình.

Thị trường địa ốc năm 2023 sẽ có triển vọng!

Theo Hội Môi giới bất động sản (BĐS) Việt Nam, trước những chính sách hỗ trợ từ phía Chính phủ ở thời điểm cuối năm 2022, nhiều người cho rằng, thị trường địa ốc năm 2023 sẽ có triển vọng tự “vực dậy”. Đặc biệt, khi nhu cầu sở hữu BĐS vẫn rất lớn, nổi bật là nhu cầu thực, thì các doanh nghiệp vẫn còn cơ hội để tái cấu trúc sản phẩm, dự án.

TS Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam nhận định thị trường BĐS trong năm 2023 vẫn có những điểm sáng tích cực, sẽ hồi phục và không rơi vào khủng hoảng. Đến giữa năm 2023, thị trường sẽ ổn định và trở về quỹ đạo vốn có.

“Tôi đồng tình là thị trường BĐS hiện nay rất khó khăn, cộng đồng doanh nghiệp địa ốc đang vật lộn với nhiều thách thức và phải tìm mọi cách để tồn tại. Cũng có thể nói, giai đoạn này khá giống với giai đoạn khủng hoảng năm 2012. Tuy nhiên, không có nghĩa là thị trường BĐS hiện nay đang khủng hoảng”.

Theo ông Đính, năm 2012 nguồn hàng bị dư thừa trầm trọng nên được gọi là khủng hoảng thừa, còn hiện tại thị trường không hề thừa nguồn hàng mà thậm chí là thiếu nguồn hàng, khan hiếm nguồn hàng. Vì vậy, giai đoạn này chỉ được xem là giai đoạn suy giảm của thị trường BĐS, chỉ cần một thời gian ngắn sau là thị trường có thể tự vực dậy.

Nguồn: https://vietnamdaily.trithuccuocsong.vn/doi-song-24h/vo-mong-lam-giau-tu-luot-song-bat-dong-san-…

Cẩn trọng với chiêu bán nhà đất ngộp

Trên thị trường có nhiều thông tin doanh nghiệp rao bán dự án bất động sản giảm giá để thu hồi vốn, trả lãi vay, song trong đó không ít chiêu trò thu thập thông tin khách hàng,…