01/05/2023 10:11
(PLVN) – Năm 2022, Vĩnh Phúc xếp thứ 8/63 tỉnh, thành phố trong Bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Địa phương này đang trăn trở tìm giải pháp để Chỉ số PCI của tỉnh luôn nằm trong top 10 của cả nước và cơ cấu lại nền kinh tế gắn với mô hình tăng trưởng…
Tại Hội thảo khoa học “Nâng cao chỉ số chính sách hỗ trợ DN Vĩnh Phúc từ góc độ PCI và cơ cấu lại nền kinh tế gắn với mô hình tăng trưởng tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2021 – 2030” do UBND tỉnh, Sở KH&ĐT phối hợp cùng với Trường đại học Kinh tế quốc dân tổ chức hôm 26/4, ông Vũ Chí Giang – Phó Chủ tịch UBND cho biết, từ khi tái lập tỉnh, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Vĩnh Phúc luôn ở mức cao, trung bình đạt 13,4% giai đoạn 1997 – 2021.
Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP theo giá so sánh 2010) năm 2022 tăng 9,54% so với năm 2021, đây là mức tăng trưởng cao nhất từ năm 2014 đến nay, đứng thứ 5 vùng Đồng bằng Sông Hồng và cao hơn so với mức tăng bình quân chung cả nước;
Quy mô kinh tế năm 2022 theo giá hiện hành đạt 153,12 nghìn tỷ đồng, tăng 15,78 nghìn tỷ đồng, tương đương tăng 11,49% so với năm 2021, đứng thứ 6 Vùng Đồng Bằng Sông Hồng và đứng thứ 14 cả nước; Cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trong đó khu vực công nghiệp và xây dựng giữ vai trò đầu tàu.
Theo kết quả công bố của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, PCI năm 2022 của tỉnh Vĩnh Phúc đạt 68,91 điểm, xếp vị trí thứ 8 trên bảng xếp hạng 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Đáng chú ý, trong các chỉ số thành phần, chỉ số hỗ trợ DN của Vĩnh Phúc đã có sự vượt hạng đầy ấn tượng. Nếu như năm 2020, Vĩnh Phúc đứng thứ 59/63 tỉnh thành về hỗ trợ DN thì đến năm 2021 địa phương này đã vươn lên vị trí 24/63 tỉnh, thành; và năm 2022 tiếp tục tăng lên vị trí 4/63 tỉnh thành…
TS. Phí Vĩnh Tường – Quyền Viện trưởng Viện kinh tế và chính trị thế giới
Tại Hội thảo, các ý kiến đã tập trung phân tích nguyên nhân giúp Vĩnh Phúc cải thiện một cách ngoạn mục chỉ số này trong một thời gian ngắn.
Theo nhóm nghiên cứu, trong thời gian qua, hệ thống chính trị của tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ DN, tập trung chủ yếu nhóm giải pháp: hỗ trợ và nắm bắt tình hình của DN qua nhóm zalo, khảo sát nắm bắt thông tin trực tiếp tại DN; tổ chức các hội nghị đối thoại trực tiếp tháo gỡ khó khăn cho DN; Chương trình cà phê doanh nhân và hệ thống tiếp nhận phản ánh kiến nghị của DN thông qua đường dây nóng…
Tại Hội nghị. Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc cũng bày tỏ mong muốn nhận được các đề xuất giải pháp để Chỉ số PCI của Vĩnh Phúc luôn nằm trong top 10 của cả nước và cơ cấu lại nền kinh tế gắn với mô hình tăng trưởng tỉnh Vĩnh Phúc.
Theo TS. Phí Vĩnh Tường – Quyền Viện trưởng Viện kinh tế và chính trị thế giới, khi sử dụng PCI để đánh giá, phân tích mới chỉ được 1 vế là các DN hiện tại đang đầu tư ở tỉnh, Vĩnh Phúc cần nghiên cứu các chính sách để hỗ trợ cho các DN chuẩn bị, tìm hiểu đầu tư vào tại Vĩnh Phúc.
“Câu chuyện về điều hành chính sách để giúp cho DN phát triển cần có những chính sách hỗ trợ cho các DN, các DN mạnh lên, nhất là DN tư nhân, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập của người dân tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng, những người lao động đến làm việc tại Vĩnh Phúc nói chung…”- chuyên gia này đề xuất.
Bà Cao Thị Việt Hằng – Phó Tổng Giám đốc Công ty CP và phát triển nhà HDTC
Là DN đến từ TP Hồ Chí Minh, bà Cao Thị Việt Hằng – Phó Tổng Giám đốc Công ty CP và phát triển nhà HDTC chia sẻ, HDTC đến Vĩnh Phúc cách đây 4 năm, vào thời điểm dịch COVID-19, DN đã nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình của lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc, các Sở, ban, ngành..
“Chúng tôi mong muốn sự nhiệt tình hỗ trợ không chỉ ở tỉnh mà lan tỏa xuống cả cấp huyện, cấp xã; Mong muốn qua những buổi Hội thảo như này, chúng tôi nhìn thấy sự quyết tâm không chỉ nằm ở Lãnh đạo tỉnh, cấp tỉnh mà phải lan tỏa xuống tận cán bộ cấp xã, thậm chí tuyên truyền đến cả nhân dân về hiệu quả đầu tư mang lại…” DN này bày tỏ…
Kết luận Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND Tỉnh Vĩnh Phúc Vũ Chí Giang nhấn mạnh, Vĩnh Phúc rất coi trọng vai trò của DN trong sự phát triển của Tỉnh, cam kết UBND Tỉnh sẽ đồng hành cùng DN để tháo gỡ khó khăn.
Phó Chủ tịch giao Sở Công Thương chủ trì, Sở KH&ĐT phối hợp với các đơn vị liên quan: duy trì chỉ số hỗ trợ DN luôn ở Top 10 và thực hiện tốt nhiệm vụ được giao trong việc thực hiện Đề án cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021 – 2030.
Đồng thời bày tỏ mong muốn các chuyên gia, nhà khoa học của Trường Đại học Kinh tế quốc dân có những tham vấn, góp ý hơn nữa vào các vấn đề mang tính thực tiễn của Vĩnh Phúc trong thời gian tới./.