Báo cáo mới đây của các công ty nghiên cứu thị trường cùng chung nhận định thị trường bất động sản Việt Nam vẫn hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài.
Hai ngôi sao mới
Cushman & Wakefield vừa công bố báo cáo về triển vọng thị trường bất động sản Đông Nam Á năm 2023 với những nhận định khá lạc quan. Bất chấp lạm phát và lãi suất gia tăng, năm 2022 là một năm bội thu của thị trường bất động sản Đông Nam Á với tổng khối lượng đầu tư đạt 18,8 tỉ USD. Đây là mức đầu tư cao nhất trong vòng một thập kỷ qua.
Singapore tiếp tục là quốc gia thống trị nguồn vốn đầu tư khi các nhà đầu tư bắt đầu tìm kiếm nơi an toàn cho khoản đầu tư của họ. Quốc đảo này chiếm 83% khối lượng đầu tư ở Đông Nam Á.
Việt Nam và Indonesia cũng là hai ngôi sao mới với khối lượng đầu tư vào hai quốc gia này trong năm 2022 đã vượt qua mức trung bình 10 năm trước đó. Khối lượng đầu tư vào Philippines và Thái Lan vẫn giữ mức ổn định.
Trong khi đó, Malaysia ghi nhận khối lượng đầu tư có dấu hiệu giảm do ảnh hưởng của rủi ro chính trị. Nhưng thị trường này vẫn chứng minh được tiềm năng khi đón nhận nguồn vốn lớn thứ hai khu vực sau Singapore.
Trong bối cảnh kinh tế bất ổn, Cushman & Wakefield dự báo khối lượng đầu tư trong năm nay sẽ giảm so với 2022 do các nhà đầu tư tiếp tục có quan điểm thận trọng. Tuy nhiên, nền tảng kinh tế dài hạn của Đông Nam Á nhìn chung vẫn mạnh mẽ và khu vực này mang đến nhiều cơ hội đầu tư với vị thế là một khu vực đang phát triển nhanh chóng.
Năm 2022, nền kinh tế Việt Nam chứng kiến sự phục hồi với mức tăng trưởng GDP là 8%. Mặc dù triển vọng kinh tế toàn cầu 2023 suy giảm, Việt Nam vẫn được kỳ vọng sẽ duy trì tăng trưởng ổn định với dự báo GDP từ 5,9% đến 7,3%.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn là quốc gia chịu sự phụ thuộc vào hoạt động thương mại với các đối tác toàn cầu, cùng với áp lực lạm phát gia tăng và chính sách thắt chặt tiền tệ và tài khóa ở nhiều quốc gia khiến tâm lý nhà đầu tư vẫn khá thận trọng.
Nhà đầu tư thận trọng
Bà Trang Bùi, Tổng Giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam, cho biết hiện tượng khu vực hóa thương mại và đa dạng hóa chuỗi cung ứng tại Đông Nam Á gia tăng cũng sẽ thúc đẩy đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực hậu cần và công nghiệp, văn phòng và nhà ở.
“Khi chính sách hoàn thiện hơn, môi trường kinh doanh thuận lợi và hiệu quả hành chính được cải thiện sẽ giúp thúc đẩy sự trưởng thành và thể chế hóa của thị trường bất động sản Việt Nam”, bà Trang cho biết.
Còn ông David Jackson, Tổng Giám Đốc Colliers Việt Nam, kỳ vọng trong vài quý tới, thị trường sẽ chứng khiến các thương vụ đầu tư quy mô lớn.
“Thị trường bất động sản Việt Nam ghi nhận một vài tín hiệu tích cực trong ba tháng đầu năm 2023 khi tình hình lãi suất dần ổn định nhờ nỗ lực của Chính phủ. Điều này cải thiện tâm lý thị trường, đặc biệt với nhà đầu tư trong và ngoài nước có vốn mạnh tận dụng lúc “giao thời” này để đẩy nhanh quá trình thẩm định, đàm phán và giao dịch”, ông David Jackson nhận định.
Nhà đầu tư trong và ngoài nước có vốn mạnh tận dụng thời cơ để đẩy nhanh quá trình thẩm định, đàm phán và giao dịch.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài Bộ Kế hoạch & Đầu tư, cho rằng để thúc đẩy dòng vốn ngoại vào bất động sản cần giải pháp tổng thể.
Chẳng hạn như những giải pháp liên quan đến tín dụng. Bên cạnh đó cần có giải pháp tạo điều kiện để những người có nhu cầu thực sự tiếp cận được với những sản phẩm đúng nhu cầu.
Ngoài ra, cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định về pháp lý về thị trường bất động sản, đặc biệt là loại hình bất động sản mới như thành phố thông minh, bất động sản nghỉ dưỡng, bất động sản kết hợp với chăm sóc sức khỏe, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Đồng thời, cơ cấu lại thị trường bất động sản theo đúng nhu cầu thị trường, tránh tình trạng sản phẩm cần không đủ, sản phẩm không cần lại thừa và giá vẫn leo thang.
Ông Tuấn cũng đề cập đến việc tiếp tục tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh hấp dẫn, cạnh tranh, thông thoáng, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về chính sách để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư.
Về quy hoạch, cần nâng cao chất lượng để đảm bảo phân bố hợp lý, tương ứng với sự phát triển của cơ sở hạ tầng, tạo nền tảng cho sự phát triển của thị trường bất động sản. Tiếp đó là thu hút có chọn lọc, hướng đến các nhà đầu tư có năng lực tài chính tốt, có trách nhiệm đối với môi trường, xã hội trong quá trình đầu tư tại Việt Nam.
Đặc biệt, cần nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng. Thực hiện tốt việc cải cách thủ tục hành chính, đẩy nhanh quá trình cấp phép cũng như xử lý các vấn đề còn vướng mắc với các nhà đầu tư nước ngoaì.
“Thị trường có khó khăn và thách thức đan xen, tôi vẫn đánh giá có cơ hội trên thị trường bất động sản. Do vậy, cần sự thay đổi, điều chỉnh linh hoạt để tận dụng cơ hội”, ông Tuấn cho biết.