09/06/2023 09:43
(PLVN) – Theo tin từ Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới và các Tổ chức quốc tế khác tại Geneva, ngày 7/6, tại trụ sở Liên hợp quốc tại Geneva (Thụy Sỹ), Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng Phái đoàn, đã đại diện Chính phủ Việt Nam phát biểu tại Hội nghị Lao động quốc tế lần thứ 111, đề cao chính sách và thành tựu đáng khích lệ của Việt Nam về tăng cường hệ thống an sinh xã hội nhằm thúc đẩy phục hồi và phát triển bao trùm hậu COVID-19.
Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai nhấn mạnh, Việt Nam đánh giá cao Báo cáo của Tổng giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) ông Gilbert F. Houngbo về “Thúc đẩy công bằng xã hội” cũng như các nỗ lực và sáng kiến của ông thúc đẩy việc làm và an sinh xã hội hướng tới việc làm thỏa đáng và chuyển đổi công bằng nhằm thực hiện thành công các mục tiêu của Chương trình Nghị sự đến năm 2030 về Phát triển bền vững của Liên hợp quốc và theo đuổi sứ mệnh của ILO về thúc đẩy công bằng xã hội, việc làm thỏa đáng cho mọi người.
Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Geneva phát biểu tại Hội nghị Lao động quốc tế lần thứ 111, ngày 7/6/2023. Ảnh: Phái đoàn Việt Nam tại Geneva
Bên cạnh đó, Đại sứ nêu bật những thành tựu quan trọng của Việt Nam về bảo đảm an sinh xã hội thời kỳ hậu COVID-19 như tạo công ăn việc làm, giảm đáng kể số người thiếu việc làm, đặc biệt tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý I năm 2023 là 2,25%, giảm 0,07 điểm phần trăm so với cuối năm 2022.
Việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội được cải thiện đáng kể, đang thực hiện theo xu thế hội nhập quốc tế, với việc áp dụng chế độ thai sản không chỉ đối với lao động nữ mà cả cho lao động nam; chế độ hưu trí được sửa đổi để đảm bảo sự công bằng hơn cho người lao động làm việc trong các khu vực kinh tế và giữa nam và nữ.
Diện bao phủ bảo hiểm y tế tăng nhanh với trên 92% dân số có bảo hiểm y tế.Việc thực hiện chính sách trợ giúp xã hội từng bước được cải tiến, hiện trên 3 triệu người được hưởng trợ cấp tiền mặt hàng tháng bằng ngân sách nhà nước.
Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai cũng tái khẳng định cam kết của Việt Nam đối với những giá trị chung phổ quát của ILO, và tiếp tục đổi mới, hoàn thiện chính sách và pháp luật có liên quan, chung tay cùng với các quốc gia thành viên khác của ILO để đáp ứng những thách thức của tương lai việc làm, thúc đẩy công bằng xã hội.
Trước đó, ngày 5/6, Hội nghị Lao động quốc tế lần thứ 111 đã khai mạc với sự tham dự của đại diện ba bên gồm cácChính phủ, giới chủ và giới thợ của 187 nước thành viên. Đây là lần đầu tiên kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, Hội nghị Lao động quốc tế được tổ chức trở lại hoàn toàn theo hình thức trực tiếp.
Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai chào xã giao Tổng giám đốc ILO ông Gilbert F. Houngbo sau phiên khai mạc Hội nghị ngày 05/6. Ảnh: Phái đoàn Việt Nam tại Geneva.
Phát biểu khai mạc Hội nghị ngày 5/6, Tổng giám đốc ILO ông Gilbert F. Houngbo nhấn mạnh, thực tế hiện nay khoảng 4 tỷ người không có bảo trợ xã hội và 214 triệu lao động sống dưới mức nghèo khổ, rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ từng tạo việc làm đã bị phá sản; phụ nữ ở nhiều nơi chỉ được hưởng lương thấp hơn 20% so với các đồng nghiệp nam giới.
Tổng giám đốc ILO cũng nhấn mạnh, cộng đồng quốc tế cần chung tay đưa các nội dung về xã hội vào mọi chính sách ở các cấp độ quốc tế, khu vực và quốc giacùng với các hành động chống bất bình đẳng kinh tế.
Đồng thời, ông nêu rõ cần khởi động Liên minh vì công bằng xã hội toàn cầu nhằm huy động sự tham gia của các quốc gia, tổ chức quốc tế, doanh nghiệp, hiệp hội trong các nỗ lực này.
Liên minh vì công bằng xã hội toàn cầu hướng đến “cân bằng các cân nhắc về môi trường, kinh tế và xã hội trong thảo luận toàn cầu, trong đó bao gồm cải cách cấu trúc tài chính quốc tế” và “ủng hộ sự gắn kết chính sách và đầu tư vào bảo trợ xã hội và việc làm thỏa đáng.
Hội nghị Lao động quốc tế lần thứ 111 tiếp tục diễn ra đến ngày 16/6/2023, tập trung thảo luận các nội dung thiết lập tiêu chuẩn về học nghề chất lượng; xây dựng mục tiêu chiến lược cho bảo trợ xã hội (bảo trợ lao động); chuyển đổi công bằng hướng tới nền kinh tế – xã hội bền vững về môi trường cho tất cả mọi người, bao gồm xem xét các chính sách và công nghệ công nghiệp; xem xét sửa đổi 15 văn kiện quốc tế về lao động sau khi ILO đưa môi trường làm việc an toàn và lành mạnh vào khuôn khổ các nguyên tắc cơ bản và quyền tại nơi làm việc; đảm bảo công bằng giữa nam và nữ tại nơi làm việc.
Đặc biệt, Hội nghị thượng đỉnh thế giới việc làm năm 2023 với chủ đề “Công bằng xã hội cho mọi người” sẽ diễn ra từ ngày 14-15/6 trong khuôn khổ Hội nghị này, có sự tham dự của nhiều lãnh đạo cấp cao của các nước, cũng như các cơ quan chuyên môn của Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế, hiệp hội doanh nghiệp, người lao động…
Đoàn đại diện cho Chính phủ Việt Nam cùng với các đại diện của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Liên minh hợp tác xã Việt Nam và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục tham dự các chương trình của Hội nghị Lao động quốc tế năm 2023.