Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam bất ngờ cắt giảm lãi suất cho vay đối với các ngân hàng, nhấn mạnh sự cần thiết phải hỗ trợ nền kinh tế trong bối cảnh triển vọng toàn cầu ảm đạm và nhu cầu trong nước chậm lại.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong khi lạm phát được kiểm soát, nền kinh tế trong nước phải đối mặt với nhiều khó khăn. Ảnh: AFP
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã công bố cắt giảm tỷ lệ lãi suất xuống 3,5% từ mức 4,5%, có hiệu lực từ ngày 15/3/2023.
NHNN cũng giảm lãi suất cho vay qua đêm trên thị trường liên ngân hàng 100 điểm cơ bản xuống 6% và hạ trần lãi suất cho vay đối với các khoản vay ngắn hạn trong một số lĩnh vực từ 5,5% xuống 5%.
Trong khi đó, cơ quan quản lý giữ nguyên lãi suất tái cấp vốn chuẩn ở mức 6%.
Quyết định này một phần đảo ngược chính sách thắt chặt trong năm ngoái, sau khi dữ liệu cho thấy mức tăng giá tiêu dùng chậm lại còn 4,31% trong tháng 2, mức giảm đầu tiên trong 6 tháng. Việc cắt giảm lãi suất theo chỉ thị của Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi NHNN yêu cầu thực hiện các bước giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ các doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế toàn cầu không chắc chắn.
Chỉ số chứng khoán Vn-Index đóng cửa cao hơn 2% chốt phiên giao dịch ngày 15/3, tăng lần đầu tiên sau 4 ngày trong khi đồng nội tệ VND tăng 0,1% so với đồng USD.
NHNN, đã tăng lãi suất hai lần trong năm ngoái, cho biết trong khi lạm phát đang được kiểm soát, nền kinh tế phải đối mặt với nhiều khó khăn “đặc biệt là xuất khẩu bị chậm lại do nhu cầu thế giới thấp”.
“Một số chỉ số kinh tế cũng giảm so với cùng kỳ năm ngoái, chẳng hạn như sản xuất công nghiệp và giải ngân vốn FDI, khiến nhu cầu tín dụng từ các doanh nghiệp chậm lại”, NHNN cho biết, đồng thời nhận định tình trạng khủng hoảng thanh khoản trên thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp là đáng lo ngại.
Động thái này khiến NHNN trở thành ngân hàng đầu tiên xoay trục sang chính sách ôn hòa ở châu Á, ngay cả khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cân nhắc lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn để đánh bại lạm phát dai dẳng trong bối cảnh những thách thức mới do tình trạng hỗn loạn ngân hàng gây ra, theo Bloomberg.
“Việt Nam đang ưu tiên tăng trưởng hơn lạm phát khi cắt giảm lãi suất trước thời điểm Fed dự kiến tăng lãi suất vào tuần tới để giúp giảm bớt tình trạng khủng hoảng thanh khoản trong lĩnh vực bất động sản và nền kinh tế”, Trinh Nguyen, nhà kinh tế tại Natixis SA ở Hồng Kông, cho biết. Điều này sẽ gây áp lực lên đồng nội tệ vì giá tiêu dùng có thể sẽ tăng nhanh vào năm 2023, bà nói.