Viết “khúc ca hạnh phúc” nơi cuối trời biên cương

Biên phòng – Với 53 tuổi đời, 33 năm tuổi quân, Trung tá QNCN Lò Văn Phánh (nhân viên đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Mường Lèo, Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La) đã dành trọn cả đời binh nghiệp gắn bó với biên giới Mường Lèo – vùng đất xa xôi, khó khăn nhất của huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La. Với những việc làm thiết thực, người lính Biên phòng ấy đã cụ thể hóa câu châm ngôn “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”.


Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Mường Lèo tuần tra bảo vệ biên giới.

Nghĩa tình trên đỉnh núi

Nhắc đến Trung tá QNCN Lò Văn Phánh, người dân các bản vùng cao xã Mường Lèo ai ai cũng nghĩ ngay đến một người cán bộ Biên phòng hiền hậu với lối sống gần gũi và luôn hết mình vì nhân dân.

Sinh ra và lớn lên ở trong một gia đình nghèo ở huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La, 20 tuổi chàng thanh niên Lò Văn Phánh nhập ngũ vào lực lượng Bộ đội Biên phòng. Tuổi trẻ nhiệt huyết và luôn đồng cảm với người dân nghèo thế nên bất cứ công việc nào chỉ huy giao dù khó khăn, vất vả, anh cũng luôn nỗ lực hoàn thành một cách xuất sắc nhất. Với đặc thù công việc của người cán bộ làm công tác dân vận, anh thường xuyên xuống địa bàn nắm tình hình, tuyên truyền vận động nhân dân, nói sao cho dân nghe, dân hiểu, dân ủng hộ những việc Bộ đội Biên phòng làm. Trên địa bàn chủ yếu là dân tộc Mông, Khơ Mú và anh Phánh đã tự học tiếng của đồng bào, tìm hiểu phong tục tập quán, thực hiện 3 bám 4 cùng với bà con nhân dân. Thấy người cán bộ Biên phòng chịu khó, người dân các bản càng thấy thương và dần dần coi anh như người thân.

Kể về kỷ niệm ngày đầu ra trường về nhận công tác tại Đồn Biên phòng Mường Lèo, anh Phánh chia sẻ: “Ngày mới vào đơn vị tôi được chỉ huy giao lên Tổ công tác Phá Khoang nắm tình hình, vận động nhân dân không di dịch cư tự do. Tổ công tác nằm trên đường tuần tra biên giới, cách đơn vị hơn 60km, chỉ là con đường mòn một bên là núi cao, một bên là vực sâu thăm thẳm, phải đi bộ mất 2 ngày mới tới nơi. Sinh ra ở vùng cao nhưng quả thật nhìn những ngọn núi cao ngút, tôi cũng có chút e ngại. Tuy nhiên, đó chỉ là suy nghĩ thoáng qua thôi vì sau đó tôi quyết tâm lên đường…”. Bản xa, đường đi lại lúc ấy chỉ là con đường mòn, người Mông, người Khơ Mú nơi đây còn rất lạc hậu.

“Đến với bà con, chúng tôi phải cầm tay chỉ việc, từ những cái nhỏ nhất như làm chuồng để chăn nuôi gia súc, gia cầm tránh bị thú rừng ăn thịt, làm nhà vệ sinh, ăn chín uống sôi, sinh đẻ có kế hoạch… Tuyên truyền không dễ dàng bởi nhiều cái đã trở thành phong tục, tập quán, thế nhưng chúng tôi vẫn kiên trì rồi làm mẫu. Mưa dầm thấm lâu, rồi thấy sự thay đổi nên dần dần bà con cũng thay đổi và làm theo”- Trung tá QNCN Lò Văn Phánh nhớ lại.


Lớp học xóa mù chữ của thầy giáo Lò Văn Phánh tại bản Pá Khoang.

Khúc ca nơi biên cương

Theo Bộ luật Lao động, chỉ còn chưa đầy một năm nữa là Trung tá QNCN Lò Văn Phánh sẽ được nghỉ hưu, thế nhưng với người lính Biên phòng này “còn 1 ngày vẫn còn phải có trách nhiệm với đơn vị, với bà con”. Sau bữa cơm tối, uống vội chén trà nóng, Trung tá QNCN Lò Văn Phánh và Thiếu tá QNCN Hờ A Thành lại rời Tổ công tác Pá Khoang đi xuống Điểm trường Tiểu học của bản để dạy xóa mù chữ cho chị em phụ nữ. Lớp học đã duy trì được gần 3 tháng và 2 người lính Biên phòng cứ thế ngày làm Bộ đội Biên phòng, tối làm thầy giáo quân hàm xanh. Sau khi ổn định lớp học, Trung tá Lò Văn Phánh hướng dẫn các học viên đọc bài. Những âm thanh vang lên giữa màn đêm tĩnh lặng của núi rừng. Nhìn cách anh say sưa với bài giảng, ai cũng dễ dàng cảm nhận được sự nhiệt huyết của người thầy và sự khao khát đến cháy bỏng được học cái chữ của những học viên là phụ nữ người Mông vùng cao.

Để đến được lớp học vào buổi tối, những người phụ nữ Mông phải thức dậy sớm hơn, chuẩn bị bữa sáng, bữa trưa cho cả nhà lên nương. Mọi người phải tranh thủ thời gian hoàn thành công việc, có thế mới kịp vào lớp lúc 7 rưỡi tối. Chẳng ai đến muộn, càng không nghỉ học bởi không có lý do gì khi mà thầy giáo tối đứng lớp, ngày lại lên nương giúp bà con làm cỏ, thu hoạch lúa, ngô. Thầy giáo Phánh sinh ra ở bản nên làm nương chẳng kém ai. Tay làm nhưng miệng thầy không quên vận động bà con phải ăn ở hợp vệ sinh, ăn chín, uống sôi, nhất là đối với trẻ con… Cứ thế, ở nơi biên cương Tổ quốc, thầy giáo Phánh cần mẫn, không nề hà việc khó vì mong muốn sẽ phần nào giúp bà con thay đổi cuộc sống theo chiều hướng tốt hơn.

Nhắc đến gia đình Trung tá QNCN Lò Văn Phánh, mọi người càng nể hơn vì đây là gia đình mẫu mực, rất đáng học hỏi, noi theo. Vợ của Trung tá Lò Văn Phánh là cô gái quê gốc ở Hưng Yên lên Sơn La lập nghiệp và bén duyên với người lính Biên phòng. Đôi uyên ương đấy đã gắn cả tuổi xuân để bám trụ biên giới. Ngày đầu vào biên giới vô vàn những khó khăn, người vợ mang bầu đứa con trai đầu lòng được 6 tháng. Chỉ huy đơn vị cho mượn một căn nhà tạm ở cổng đồn, ngày ngày nuôi lợn, làm nương và thu mua nông sản của bà con.


Gia đình Trung tá QNCN Lò Văn Phánh.

Nói là lên biên giới cho vợ gần chồng, con gần bố thế nhưng vì là nhân viên vận động quần chúng nên thời gian của anh Phánh chủ yếu ở địa bàn. Thêm nữa, khoảng cách từ tổ công tác với đồn phải đi bộ cả ngày đường thế nên có khi cả tháng hai vợ chồng mới gặp nhau 1 lần. Thời gian cứ thế trôi đi, vợ chồng anh Phánh sinh đứa con trai đầu lòng rồi đứa thứ hai ra đời. Cuộc sống xa quê nhưng bù lại có đồng chí, đồng đội bên cạnh giúp đỡ thế nên khó khăn là vậy nhưng tiếng cười luôn đầy ắp trong căn nhà gỗ bé nhỏ…

Điều đáng nói, sinh ra và lớn lên ở miền biên viễn xa xôi, khó khăn, thiếu thốn đủ bề thế nhưng 2 con trai của Trung tá QNCN Lò Văn Phánh học rất giỏi. Đến nay, người con trai đầu đã tốt nghiệp Trường Sĩ quan Chính trị và hiện đang công tác ở 1 đơn vị thuộc Quân khu 2. Cậu con trai thứ hai cũng tốt nghiệp đại học và đang làm việc cho Tập đoàn FPT tại Hà Nội. Và, hạnh phúc đong đầy, vẹn tròn là hậu phương vững chắc để người lính Biên phòng càng yên tâm gắn bó.

Theo QĐND