Việc chất như núi, dân công sở “oằn mình” làm thêm giờ
Đôi khi, sự mệt mỏi, cảm xúc tiêu cực trong công việc ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống đời thường của những người lao động này. Vậy đây có phải công việc khiến chúng ta hạnh phúc; làm gì để cân đối giữa công việc và cuộc sống… là mối bận tâm của những người đi làm.
“Ế” vì quá bận rộn
19h30 bước chân về phòng trọ, chị Đ.T.T. (SN 1996, ở Hải Dương) quăng túi xách và đổ sụp xuống giường. Tay cầm điện thoại lướt mạng xã hội, xem các tin tức đã bỏ lỡ sau một ngày quay cuồng với công việc tại một ngân hàng thương mại ở Hà Nội.
Hôm nay cũng không khác biệt nhiều so với những ngày trong tuần, chị T. vẫn rời khỏi văn phòng khi trời đã tối mịt. Những bữa tối “cơm đường, cháo chợ” là chuyện thường thấy trong cuộc sống của nữ nhân viên ngân hàng.
Bữa cơm hiếm hoi do chính tay chị T. nấu sau khi rời khỏi văn phòng (Ảnh: NVCC).
22h, khi đã vừa ăn xong bữa tối vội vàng, T. cười mếu xệch: “Người ngoài nghĩ con gái ngân hàng đắt giá lắm. Nhưng mà cứ đi sớm về muộn như này chắc ế hết rồi”.
Nhiều năm làm nhân viên ngân hàng, bạn trẻ này đã quá quen cường độ công việc, giờ giấc làm việc kéo dài. Vẫn có quy định thời gian bắt đầu làm việc là 8h và kết thúc lúc 17h, song trên thực tế chị T. cũng như nhiều nhân viên ngân hàng khác thường xuyên phải làm thêm giờ, làm quá giờ. Xong việc mỗi ngày thì ngẩng đầu lên cũng đã 19-20h.
Hằng ngày, công việc của chị T. là giao dịch viên với doanh nghiệp, khách hàng. Khi đã hoàn thành phần việc này, chị lại quay vào xử lý những việc nội bộ như kiểm quỹ, kiểm tra các đầu mục công việc hằng ngày, giấy tờ, họp hành…
“Chính vì vậy, những công việc nội bộ này khi chưa hoàn tất trong giờ hành chính buộc chúng tôi phải ở lại xử lý ngoài giờ. Do công việc dàn trải, nên chúng tôi không thể gom hết trong giờ hành chính”, chị T. kể.
Vào những năm 2020, 2021, mỗi ngày chị T. có thể tiếp đến 40-50 khách hàng. Bản thân chị phải nắm rõ chuyên môn để giải đáp nhanh, tư vấn hiệu quả cho khách. Vì ngân hàng cũng tính hiệu suất làm việc thông qua thời gian chờ của khách hàng.
Động lực làm việc là tiền lương
May thay, những năm gần đây, ngân hàng đã đẩy mạnh chuyển đổi số. Giờ đây, cao điểm vào dịp Tết, chị mới phải tiếp 20-35 khách hàng mỗi ngày. “Lúc làm chuyên viên tư vấn, tôi nói nhiều đến mức khản cả tiếng. Cả ngày nói chuyện với khách hàng, tối về bản thân còn không muốn mở miệng nói gì vì đã quá mệt”, chị T. than thở.
Động lực để chị T. gắn bó với công việc nhiều áp lực hiện tại là mức thu nhập khá (Ảnh minh họa: Bloomberg).
Bằng tuổi chị T., bàn bè thường xuyên hẹn hò, đi uống cà phê vào buổi tối xả căng thẳng, mệt mỏi. Nhưng những cuộc hẹn, giao lưu đó trở nên quá xa xỉ với chị vào các ngày trong tuần.
Ngay cả việc nấu cơm ở phòng trọ với chị cũng rất hạn chế. “Hôm nào chán cơm ngoài hàng quá tôi lại cố gắng vào bếp nhưng nấu nướng xong, dù khá đơn giản, cũng đã là 21h. Lúc đó, muốn lên giường nghỉ ngơi cũng đã quá muộn”, nữ nhân viên ngân hàng chia sẻ.
Vì chưa lập gia đình, chị vẫn miệt mài theo đuổi đam mê. Dù được tính lương làm thêm giờ theo quy định, nhưng số giờ làm thực tế của chị gấp nhiều lần số đó.
Khó khăn là vậy, nhưng chị T. vẫn có những động lực để bền bỉ với công việc. Chị chia sẻ: “Ngoài lương, chúng tôi có một đợt thưởng cuối năm… Đó cũng là động lực để tôi cống hiến. Trước mắt, do còn độc thân nên tôi vẫn đáp ứng được yêu cầu khắt khe của công việc. Nếu không có biến cố nào xảy ra, tôi vẫn cố gắng gắn bó với công việc này”.
Để chuông điện thoại 24/24h để sẵn sàng nhận lệnh
Chỗ ngồi rộng khoảng vài mét vuông nhưng xung quanh anh Phạm Vũ Sơn (46 tuổi, công chức văn hóa xã hội của UBND phường Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) là những tầng, tủ chất đầy tài liệu.
Một người phụ trách mảng văn – xã, song số lượng đầu việc mà anh Sơn đảm nhận phải liệt kê đủ mười ngón tay. Quản lý các loại hình kinh doanh dịch vụ văn hóa như karaoke, biểu diễn; hoạt động di tích; gia đình văn hóa; ngành nghề lưu trú, khách sạn; hoạt động bưu chính viễn thông; tổ chức thể dục thể thao toàn phường; công tác an toàn thực phẩm; điều tra phổ cập giáo dục… anh Sơn đều phải bao quát, quản lý.
Anh Phạm Vũ Sơn là công chức văn hóa xã hội của UBND phường Yên Hòa.
Nghe danh mục việc đã đủ “váng đầu”. May là công tác trong lĩnh vực này lâu năm, nắm khá chắc các đầu việc song mỗi ngày, anh Sơn cũng như bơi trong núi công việc như vậy.
Bên cạnh hoạt động thống kê, báo cáo, anh còn phải đi kiểm tra thực tế, nhận thông tin phản ánh về các vấn đề dưới địa bàn. Điện thoại của công chức văn hóa xã hội này luôn để chuông 24/24h, nhận nhiệm vụ bất cứ lúc nào.
Anh Sơn nhớ lại, trước tết Nguyên đán vừa qua, các quán karaoke trên địa bàn thành phố phải rà soát lại, đảm bảo quy định về phòng cháy chữa cháy. Lúc đó, vẫn có cơ sở có dấu hiệu hoạt động trên phố Nguyễn Khang. Cơ quan chức năng đã phát hiện cơ sở có biểu hiện hoạt động ngoài giờ.
Lúc đó khoảng 23h30, đã lên giường ngủ, chuông điện thoại reo, anh Sơn bật dậy nhận nhiệm vụ xuống cơ sở để thực hiện công tác liên quan, phối hợp cùng cơ quan công an.
“Theo nguyên tắc ngoài giờ hành chính, công chức viên chức xong việc sẽ được “thoát ly”, rảnh tay nhưng thực sự chúng tôi vẫn phải mang việc về nhà, tâm thế luôn phải sẵn sàng lao vào công việc”, anh Sơn chia sẻ.
Đi đâu, anh Sơn cũng luôn mang theo bên mình một chiếc cặp to bự. Bên trong đầy đủ các giấy tờ, tài liệu liên quan đến quy định pháp luật về các lĩnh vực được theo dõi. Nam công chức có thâm niên giải thích, bộ não con người không phải máy móc để lưu nhớ được tất cả. Nên giấy tờ cần thiết anh mang theo bên mình để sử dụng khi cần.
Để đáp ứng khối lượng công việc khổng lồ, anh Sơn phải thường xuyên làm việc ngoài giờ, mang cả giấy tờ về nhà để xử lý.
Thứ Bảy là ngày nghỉ của công chức hầu hết các cuối tuần, anh Sơn vẫn cần mẫn trong phòng làm việc, chủ động xử lý việc tồn đọng, vì quan điểm “làm hết việc chứ không hết giờ”.
Giải quyết công việc tại công sở chưa xong, anh còn mang theo những áp lực về nhà. Anh Sơn kể: “Nhiều khi con cái còn thắc mắc, sao mặt bố cứng đơ thế. Bởi việc chưa giải quyết xong, trong đầu tôi quẩn quanh suy nghĩ nên mới như vậy”.
Anh cũng được vợ, con động viên trút bỏ nỗi niềm, gác lại công việc trước khi về nhà, cuối tuần vui vẻ, đưa gia đình đi chơi. Nhưng thực tế sau một tuần làm việc mệt nhoài, anh Sơn chỉ mong có đôi chút rảnh rang nằm dài ở nhà, không muốn đi đâu nữa. Thậm chí, ngày Chủ nhật cũng thành một hội chứng ám ảnh vì thấy rõ hôm nay, thứ Hai, lại là chuỗi công việc đằng đẵng đang chờ.
Mỗi tháng nhận về khoản lương chằn chặn chỉ 6,2 triệu đồng song anh Sơn vẫn miệt mài, nỗ lực đeo đuổi. Trước đây công việc ít hơn, khi đô thị hóa, tổ dân phố rộng hơn, nhiều chung cư buộc người công chức cơ sở như anh thêm rất nhiều công việc phát sinh cần quản lý.
Động lực để anh gắn bó công việc lâu đến vậy là được sự quan tâm lãnh đạo phường, khó khăn ở đâu được các bộ phận khác hỗ trợ. Ngoài ra chính cách chỉ đạo không mệnh lệnh nên anh Sơn giải tỏa bớt căng thẳng của công việc.
Căng thẳng là sát thủ giết chết động lực
Dựa trên kết quả khảo sát gần 60.000 người lao động Việt Nam năm 2022, bà Thanh Nguyễn – Giám đốc điều hành và Truyền cảm hứng Hạnh phúc Anphabe cho biết, có tới 42% người lao động đang trong trạng thái mệt mỏi, chán nản với tần suất stress (căng thẳng) từ thường xuyên tới rất thường xuyên.
Có nhiều lý do dẫn đến căng thẳng, trong đó có nguyên nhân gây stress nhiều nhất với người đi làm tập trung vào các nhóm yếu tố như áp lực tài chính cá nhân, gia đình; lương thưởng thấp; công việc nhiều, deadline gấp gáp; công ty làm thứ 7 hoặc thường xuyên làm ngoài giờ…
Theo bà Thanh Nguyễn, trong bối cảnh 2023 với nhiều thách thức và khó khăn hơn khi người mất việc, bị sa thải nhiều, các doanh nghiệp tập trung vào việc gia tăng hiệu suất làm việc, tối ưu hóa chi phí. Điều này tác động không nhỏ đến tâm lý người đi làm. Dự báo mức stress của người làm công ăn lương sẽ chưa thể giảm xuống.
Bà Thanh Nguyễn – Giám đốc điều hành và Truyền cảm hứng Hạnh phúc Anphabe (Ảnh: NVCC).
Bên cạnh đó, khi khảo sát kỳ vọng về môi trường làm việc lý tưởng của người đi làm, Anphabe nhận thấy tiêu chí phúc lợi tốt, chăm sóc sức khỏe, đời sống nhân viên tốt, tư duy, hành xử chuyên nghiệp… được người lao động quan tâm.
Ở góc độ đơn vị nghiên cứu và tư vấn về môi trường làm việc, bà Thanh Nguyễn cho rằng: “Chúng tôi nhận thấy stress chính là “sát thủ vô hình” giết chết động lực cũng như sự gắn kết của người đi làm với doanh nghiệp. Vì tần suất stress càng cao, nỗ lực tự nguyện cống hiến cho công việc và cam kết gắn bó với công ty càng suy giảm”.
Do đó, ở khía cạnh tổ chức, công ty nên tập trung xây dựng chính sách an sinh toàn diện cho người đi làm như: chăm lo sức khỏe thể chất, sức khỏe cảm xúc, sức khỏe tinh thần…
Trong xu thế kinh doanh thay đổi như vũ bão, ngày càng có nhiều yêu cầu mới trong công việc, bà Thanh Nguyễn cho rằng, bản thân người đi làm cũng nên chủ động củng cố, nâng cao năng lực của mình để tránh tình trạng căng thẳng vì khối lượng công việc cao trong khi năng lực bị giới hạn.
“Bản thân mỗi người đi làm cần chủ động trau dồi các kỹ năng mới thông qua nhiều hình thức đa dạng như tự học, học từ đồng nghiệp, sếp… và năng lực học tập suốt đời sẽ là một chìa khóa quan trọng giúp người đi làm mở khóa khó khăn, chủ động công việc của mình”, Giám đốc điều hành và Truyền cảm hứng Hạnh phúc Anphabe chia sẻ.
Nội dung: Lê Hoa
Ảnh: NVCC, Bloomberg
27/03/2023