Lương hưu tối thiểu thấp để đảm bảo đúng nguyên tắc đóng – hưởng, khuyến khích lao động tham gia thời gian dài, mức đóng cao, quỹ bảo hiểm xã hội an toàn, theo chuyên gia.
Theo quy định hiện nay, mức lương hưu thấp nhất với người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bằng lương cơ sở. Hiện, mức này là 1,49 triệu đồng mỗi tháng và sẽ tăng lên 1,8 triệu đồng vào ngày 1/7 (thời điểm điều chỉnh lương cơ sở). Những người hưởng lương hưu thấp hơn sẽ được nâng lên cho bằng mức tối thiểu. Tuy nhiên số tiền này sau điều chỉnh vẫn thấp hơn thu nhập bình quân mỗi tháng của người được xác định nghèo ở thành phố (hai triệu đồng) và cao hơn nông thôn (1,5 triệu đồng).
Công nhân công ty Pou Yuen, quận Bình Tân sau giờ làm, năm 2021. Ảnh: Quỳnh Trần
Tại các cuộc lấy ý kiến góp ý dự thảo sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội được tổ chức tại TP HCM, đại diện các nhà máy, công đoàn cơ sở mong muốn nâng sàn lương hưu. Lý do ở các thành phố lớn, khoản trợ cấp hưu trí 2-3 triệu đồng khiến người già gặp nhiều khó khăn. Mức sàn lương hưu cần căn cứ vào lương tối thiểu vùng ở thời điểm nhận lương, ví dụ ở TP HCM, lương tối thiểu áp dụng là 4,68 triệu đồng. Điều này giúp lao động an tâm vì được đảm khoản thu nhập khi về hưu, hạn chế rút bảo hiểm xã hội một lần.
Bà Phạm Thị Hồng Yến, Chủ tịch công đoàn Công ty TNHH Intel Products Việt Nam ở Khu công nghệ cao (TP Thủ Đức), cho rằng pháp luật quy định rõ lương tối thiểu là mức thấp nhất được trả cho người làm công việc giản đơn trong điều kiện bình thường. Việc này để bảo đảm mức sống tối thiểu của họ và gia đình, phù hợp điều kiện phát triển kinh tế – xã hội. Thế nhưng, hiện có người khi về hưu nhận tiền thấp hơn mức lương tối thiểu vùng.
“Đây là một trong những lý do khó giữ chân người lao động gắn bó hệ thống bảo hiểm xã hội. Do vậy khi đề xuất khi sửa Luật bảo hiểm xã hội, cần tính toán sàn lương phải bằng lương tối thiểu vùng để lao động an tâm ở lại lưới an sinh”, bà Yến nói.
Ông Nguyễn Đăng Tiến, nguyên Phó giám đốc BHXH TP HCM, cho biết mức lương hưu tối thiểu hiện nay chỉ có tác dụng với trường hợp đặc thù, thời gian đóng bảo hiểm ngắn, mức đóng thấp. Ví dụ như giáo viên mầm non dạy hợp đồng ở một số địa phương giai đoạn trước năm 1999, khi về hưu mỗi tháng lương chỉ được vài trăm nghìn đồng. Nhóm này cần được nâng lên bằng mức lương cơ sở để đảm bảo về hưu thu nhập không dưới mức nghèo.
Tuy nhiên với người lao động tham gia bảo hiểm xã hội theo lương tối thiểu vùng thì sàn hưu trí không có tác dụng. Lý do lương tối thiểu theo vùng thường cao gấp 2-3 lần lương cơ sở. Tỷ lệ lương tháng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất của doanh nghiệp và người lao động là 22% nhưng tỷ lệ hưởng thấp nhất đã là 45%, gấp đôi mức đóng vào.
Ví dụ, mức lương làm căn cứ đóng bảo hiểm của người lao động theo tối thiểu vùng là 4,68 triệu đồng. Hàng tháng, cả người lao động và doanh nghiệp chỉ đóng gần 1,1 triệu đồng vào quỹ. Mức hưởng 45%, lương hưu sẽ hơn 2,1 triệu đồng. Mức này cao hơn lương cơ sở 1,49 triệu đồng đương nhiên không được bù.
“Cao hơn sàn nhưng không sống được”, ông Tiến nói và cho biết người lao động muốn nâng sàn để được bù đắp thêm một phần là nhu cầu chính đáng nhưng như vậy sẽ phá vỡ nguyên tắc đóng – hưởng của chính sách, gây mất cân đối quỹ.
GS.TS Giang Thanh Long, giảng viên cao cấp trường Đại học Kinh tế Quốc dân, cho rằng có hai số liệu quan trọng để tính mức hưởng lương hưu gồm số thời gian đóng góp vào quỹ để quy ra tỷ lệ hưởng. Người đóng đủ 20 năm được hưởng 45% và tăng dần đến 75% nếu đóng 30-35 năm. Chính sách luôn khuyến khích đóng dài để được hưởng mức cao. Yếu tố thứ hai tiền lương làm cơ sở đóng. Mức đóng càng sát với thu nhập thì lương bình quân hưởng càng cao.
Theo ông Long, người lao động muốn thiết lập mức lương hưu tối thiểu đảm bảo sống được, vậy phải quay lại các yếu tố cấu thành nên nó. Ví dụ nếu muốn sàn hưu trí 4,68 triệu đồng bằng lương tối thiểu áp dụng ở TP HCM như hiện nay, quy định cần bắt buộc mức lương tham gia bảo hiểm không được thấp hơn 10,4 triệu đồng mỗi tháng và thời gian đóng ít nhất 20 năm, tỷ lệ hưởng 45%.
“Nếu quy định mức sàn lương hưu cao mà không kèm các điều kiện sẽ gây nhiều hệ lụy”, ông Long nói. Nguy cơ lớn nhất là người lao động và doanh nghiệp sẽ kìm mức đóng càng thấp càng tốt vì “kiểu gì cũng được bù”. Lao động sẽ liên tục nhận trợ cấp một lần bởi không cần tích lũy thời gian đóng dài để tiến đến mức hưởng tối đa. Khi phải bù quá lớn, quỹ bảo hiểm xã hội sẽ mất cân đối, ngân sách cũng không gánh nổi.
Người dân rút Bảo hiểm Xã hội tại Bảo hiểm xã hội TP Thủ Đức vào tháng 12/2022. Ảnh: Thanh Tùng
GS Long nói ngân sách nhà nước chỉ hỗ trợ nhóm yếu thế hoặc chịu rủi ro ở những giai đoạn chuyển giao. Ví dụ, những người vì đặc thù công việc, hoàn cảnh đóng thời gian ngắn, mức đóng thấp nên trợ cấp hưu trí không cao, kém xa các chuẩn sống theo tính toán của quốc tế. Định kỳ lương hưu được điều chỉnh tăng dựa theo chỉ số giá tiêu dùng, tăng trưởng kinh tế.
Theo chuyên gia, chính sách hưu trí được thiết lập trên nguyên tắc đóng – hưởng là khuyến khích lao động tham gia dài, mức đóng cao để hưởng lương hưu tốt nhất. Việc này không chỉ giữ an toàn cho quỹ mà còn đảm bảo công bằng giữa những người tham gia. Kinh nghiệm các nước cho thấy, sàn lương hưu không nên quá cao. Đơn cử như Thái Lan, lương hưu tối thiểu chỉ bằng hưu trí xã hội được trả từ ngân sách, hiện nay là 800 baht (gần 550.000 đồng). Những người nhận lương hưu thấp hơn mức này sẽ được nâng lên cho bằng, cao hơn thì thôi.
Ông Nguyễn Đăng Tiến cho rằng không thể nâng mức lương hưu tối thiểu lên cao nhưng chính sách cần điều chỉnh để lương hưu của người lao động không ở mức quá thấp. Một yếu tố kỹ thuật có thể thực hiện là cần tính lại hệ số trượt giá bảo hiểm xã hội. Theo lý thuyết, hệ số này giúp tạo ra sự cân bằng về giá trị tiền tệ ở thời điểm hưởng lương hưu với lúc đóng vào. Hệ số được tính trên cơ sở chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm do Tổng cục Thống kê công bố.
Theo nguyên lãnh đạo Bảo hiểm xã hội TP HCM, lương hưu tính theo nguyên tắc đóng – hưởng là đúng nhưng cần xem xét mức bù trượt giá đã phù hợp chưa để chiều chỉnh hợp lý. Ví dụ, một người về hưu năm 2023, có lương đóng bảo hiểm xã hội năm 1996 là 200.000 đồng. Hệ số trượt giá được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tính cho năm này là 4,09. Như vậy, tiền lương được xác định để hưởng lương hưu là 818.000 đồng (200.000 đồng x 4,09).
“Sau 27 năm, mức điều chỉnh như vậy thực sự khó đảm bảo được cuộc sống hiện tại. Do đó, nhà nước cần tính lại cho phù hợp”, ông Tiến đề xuất.
Lê Tuyết