Sau 16 phiên tăng điểm liên tiếp (kể từ mức giá 73.900 đồng phiên giao dịch ngày 24/4/2023), thị giá cổ phiếu VEF của Công ty Cổ phần Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam, một công ty con của Tập đoàn Vingroup, đạt 144.000 đồng/cổ phiếu chốt phiên ngày 19/5/2023, tương ứng tăng gần 95% sau chưa đầy 1 tháng.
Phối cảnh Dự án Trung tâm hội chợ triển lãm quốc gia mới.
Đà tăng không ngừng nghỉ của cổ phiếu VEF kéo dài từ phiên 24/4/2023 cho đến phiên 19/5/2023. Từ mức giá 73.900 đồng ở thời điểm một tháng trước, đến nay, mã cổ phiếu này đã đạt mức giá 144.000 đồng/cổ phiếu sau 16 phiên liền tăng giá.
Như vậy, cổ phiếu VEF tăng tới 70.100 đồng, tương ứng tăng 95% sau chưa đầy một tháng giao dịch.
Sang phiên 22/5, cổ phiếu của Công ty Cổ phần Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam đã chấm dứt chuỗi ngày tăng giá liên tiếp, giảm điểm về ngưỡng 140.000 đồng/cổ phiếu.
Diễn biến khởi sắc của cổ phiếu VEF diễn ra trước thềm họp đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2023 dự kiến diễn ra vào ngày 25/5 tới. Theo đó, Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam đã có tờ trình xin ý kiến cổ đông về kế hoạch phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu nhằm tăng vốn điều lệ.
Cụ thể, công ty muốn chào bán gần 853 triệu cổ phiếu với tỷ lệ phát hành là 1:5,12 tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu VEF có quyền mua thêm 5,12 cổ phiếu phát hành mới. Đáng chú ý, cổ phiếu phát hành cho bên có quyền mua không bị hạn chế chuyển nhượng.
Nếu phát hành thành công, quy mô vốn điều lệ của Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam dự kiến tăng gấp hơn 6 lần, từ hơn 1.666 tỷ đồng lên hơn 10.196 tỷ đồng.
Giá phát hành dự kiến 10.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng số tiền thu về gần 8.530 tỷ đồng. Công ty cho biết sẽ dành 1.467 tỷ đồng để triển khai thực hiện dự án Trung tâm hội chợ triển lãm quốc gia, gần 6.976 tỷ đồng đầu tư xây dựng khu đô thị mới tại huyện Đông Anh, Hà Nội và gần 87 tỷ đồng còn lại dùng để bổ sung vào nguồn vốn lưu động.
Kế hoạch tăng vốn này từng được Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam trình lên trong năm 2021 và năm 2022 nhưng chưa thể thực hiện được.
Về kế hoạch sử dụng nguồn vốn thu về, VEF sẽ dùng 1.467 tỷ đồng để bổ sung vốn thực hiện dự án Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc Gia (Hà Nội); gần 6.976 tỷ đồng để thực hiện dự án Khu đô thị mới tại huyện Đông Anh (Hà Nội) và 87 tỷ đồng để bổ sung vốn lưu động.
Năm 2022, lợi nhuận sau thuế của VEF đạt 319,6 tỷ đồng, tăng gấp 1,6 lần kế hoạch đề ra chủ yếu nhờ vào các hoạt động đầu tư tài chính hiệu quả đã mang lại nguồn doanh thu tài chính lớn trong năm.
Tổng tài sản của công ty tại thời điểm 31/12/2022 là 8.697,9 tỷ đồng, chỉ tăng nhẹ so với thời điểm 31/12/2021 với mức 55,3 tỷ đồng.
Năm 2023, công ty tiếp tục triển khai đồng thời các Dự án “Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia” và “Dự án Khu đô thị mới Đông Anh” tại huyện Đông Anh, Hà Nội (Vinhomes Cổ Loa); Dự án “Tổ hợp Trung tâm Thương mại Dịch vụ” tại 148 Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội và Dự án “Khu Chức năng Đô thị Nam Đại lộ Thăng Long” tại Mễ Trì, Hà Nội, trong khi các hoạt động hội chợ triển lãm vẫn tạm thời được tổ chức thuê tại địa điểm khác.