Tết là dịp bạn trẻ mong ngóng về quê, ăn bữa cơm sum vầy – Ảnh: YẾN TRINH
Ngồi trước cửa phòng trọ ở phường Linh Đông, TP Thủ Đức (TP.HCM), Dương Thảo (25 tuổi) kiểm tra lại đồ đạc đã dọn gọn gàng từ ngày hôm trước, đợi chồng đến để ra bến xe về quê ăn Tết. Thảo chia sẻ: “Trước đây tôi làm công ty may, nhưng thiếu hàng nên cũng không ổn định. Hiện tôi đang có thai 8 tháng nên định về quê nghỉ thai sản, sau đó sẽ tùy tình hình rồi tính tiếp có xuống TP.HCM lại hay không”.
Về quê sinh con rồi tính tiếp
Theo Thảo, cô đã quen cuộc sống ở thành phố, tuy “có lúc vui lúc buồn” nhưng điều kiện sống tiện lợi, đi đâu cũng nhanh chóng. Nên nếu về quê luôn, cô cũng cảm thấy buồn.
Quê ở Kon Tum, Thảo cho biết những năm trước, Tết cô cũng thường về quê vì mỗi năm chỉ về một lần dịp này. Năm nay cô về quê chồng tại Đắk Lắk, do thai đã lớn nên sẽ ở lại để sinh con đầu lòng. Bên cạnh đó, cô cũng chuẩn bị tinh thần và đồ đạc cần thiết cho việc sinh con.
“Ngày Tết ở quê vui lắm. Nhà tôi năm nào cũng gói bánh chưng, mua bánh mứt, sắm sửa đồ Tết. Lẽ ra tôi sẽ ghé nhà ngoại chơi mấy hôm nhưng bác sĩ nói thai lớn, có dấu hiệu chuyển dạ sớm, không nên di chuyển nhiều”, cô nói.
Thảo đã ở TP.HCM được bốn năm, trước đó cô làm công nhân ở nhà máy Samsung ngoài Thái Nguyên hai năm. Vì nghĩ rằng ở Thái Nguyên xa xôi nên cô vào TP.HCM làm công ty may đến nay.
Nhìn căn phòng mình gắn bó mấy năm giờ trống trơn, Thảo thở dài, nhưng nghĩ đến cảnh đón Tết bên người thân, cô thấy nhẹ lòng.
Sẽ chở mẹ đi chợ Tết
Vài ngày nữa, Thành Vũ (27 tuổi, ngụ Bình Dương, làm việc tại quận 1, TP.HCM) sẽ về quê ở Long An đón Tết cùng gia đình. Do khoảng cách gần nên anh sẽ đi xe máy về như mọi năm. “Ngày 21 tháng chạp công ty tôi tổ chức tiệc cuối năm, sau đó tôi đi làm một ngày nữa rồi xin làm ở nhà từ tuần tới”, Vũ nói.
Và do ngày đi làm đầu tiên sau Tết rơi vào thứ sáu, Vũ cho biết mình sẽ xin làm ở nhà để nối vào hai ngày nghỉ cuối tuần. Anh kể, gia đình mình đón Tết cũng đơn giản: “Nhà tôi có hai anh em. Anh trai tôi đã có gia đình nên ngày 30 Tết ăn cơm tất niên ở nhà xong là anh chị tôi về nhà riêng. Do gia đình ít người nên cũng không tổ chức ăn uống gì nhiều”.
Theo “lịch” được anh dự tính, ngày 29 tháng chạp anh sẽ chở mẹ đi chợ Tết. “Nhà tôi thường mua bông, dưa hấu, gà, thịt heo về kho, mua cải làm dưa muối”, anh nói.
Điều thú vị nhất ngày Tết, theo anh Vũ, là nhìn người thân chuẩn bị đón Tết, mỗi người một công việc. Đối với anh, Tết thật sự diễn ra vào những ngày giáp Tết vì sau giao thừa đến hết sáng mùng 1 là không khí Tết đã vơi đi, “cảm thấy không còn Tết nữa”.
Tranh thủ kiếm tiền ngày Tết
Là một tài xế công nghệ, Trung Thành (26 tuổi, ngụ quận Tân Phú) Tết này dự định không về quê. Quê ở Cần Thơ, Thành cho biết trong năm mình đã về vài lần nên Tết này sẽ ở lại thành phố.
Thành chia sẻ: “Tôi mới chạy xe công nghệ gần một năm nay, nghe nói Tết tiền cước phí sẽ tăng và khách cũng có nhiều nhu cầu hơn. Tôi cũng muốn xem thử Tết trên thành phố ra sao”.
Ở trọ một mình và tập trung đi làm nên Thành dự định ngày Tết cũng sẽ không sắm sửa gì, chỉ mua một ít bánh mứt. “Ngày Tết chắc sẽ nhiều cuốc xe, có khi về tới phòng là lăn ra ngủ rồi”, anh nói.
Những ngày này, khi chạy xe chở khách, Thành cho biết không khí Tết đã tràn ngập phố phường, nhất là khu vực trung tâm và những khu chợ. Mỗi ngày Thành bắt đầu công việc từ sáng sớm đến tối và không chạy khuya để đảm bảo sức khỏe.
Tết này anh Trung Thành sẽ ở lại TP.HCM, chạy xe công nghệ – Ảnh: YẾN TRINH
Còn với anh Tý Anh (27 tuổi, ngụ huyện Hóc Môn), Tết này anh sẽ ở TP.HCM hết ngày mùng 2, sau đó mùng 3 về quê nội tại Cà Mau chơi.
“Năm nào tôi cũng sắp xếp đưa vợ con về quê chơi, không khí dưới đó mát mẻ. Nhà nội tôi có vườn trồng xoài, ổi, sát bên là con rạch. Nội rất thương con cháu, ngày Tết thường nấu nhiều món, có cua hấp, tôm hấp… là những món con tôi rất khoái”, anh kể.
Là lao động tự do, Tý Anh cho biết Tết này thu nhập của hai vợ chồng eo hẹp hơn, nhưng vẫn thu xếp về quê vì mỗi năm chỉ về 1-2 lần. “Vợ tôi sẽ sắm cho hai đứa nhỏ quần áo mới, dép mới để mặc Tết cho đẹp”, anh vui vẻ nói.
Người không về Tết sẽ gọi điện cho gia đình
Không về Tết nhưng Trung Thành cho biết anh sẽ gọi điện cho gia đình để cả nhà yên tâm. Đã quen tự lập từ nhỏ, không ở gần ba mẹ, anh cho biết chuyện không về Tết cũng không ảnh hưởng nhiều đến tinh thần của anh.
Ráng làm kiếm thêm để về quê ăn Tết
Gần nửa đêm một ngày đầu năm 2023, đồng hồ chuẩn bị điểm sang ngày mới. Chị Liễu dừng xe đạp bên quán ăn trên đường Hoàng Sa (quận Bình Thạnh, TP.HCM), nở nụ cười mời khách mua xoài lắc, bánh tráng trộn…