Vô số lần thất bại
Mô hình nuôi chồn hương hay còn gọi là cầy hương, cầy xạ, chồn mướp của anh Phạm Văn Tuấn (phường Trà Nóc, quận Bình Thủy, Cần Thơ) đã giúp gia đình anh thu lợi nhuận trên 1 tỷ đồng/năm.
Trải qua nhiều lần thất bại, anh Tuấn có thu nhập nhiều người mơ ước nhờ chồn hương
Trại chồn hương của anh Tuấn ở đường Nguyễn Chí Thanh có diện tích hơn 100m2, chia làm 3 khu nuôi nhốt cá thể chồn giống, chồn sinh sản và chồn thương phẩm.
Tùy giai đoạn phát triển, anh Tuấn sẽ nhốt chồn trong lồng theo tỷ lệ 1-2 hoặc nhiều con. Để có quy mô sản xuất bài bản như hiện tại, người đàn ông này từng có thời gian “phá sản” khi chưa am hiểu tập tính loài chồn.
Độc đáo mô hình cho chồn hương nghe nhạc để giảm stress, hiệu quả bạc tỷ (Clip: Bảo Kỳ).
Anh Tuấn kể, ngày trước anh làm việc tại một tờ báo ở Cần Thơ, không lâu sau anh chuyển sang làm cán bộ quản lý ở trường Đại học Kiến trúc TPHCM (cơ sở Cần Thơ). Thời gian còn “làm công ăn lương” anh Tuấn đã có đam mê với nghề chăn nuôi. Từ chim trĩ, gà đông tảo, gà quý phi hay bồ câu, giống nào lạ lạ anh đều đem về nuôi nhưng không thành công.
“Nuôi ít thì không sao, cứ hễ tăng đàn lên vài trăm con là lại nhiễm bệnh, hao hụt rất nhiều. Nuôi hết con này tới con kia đều thất bại nên khi nghe tôi nói đầu tư làm chồn hương, cha mẹ tôi phản đối lắm”, anh Tuấn chia sẻ.
Trại chồn hương của anh Tuấn đang nuôi 200 con
Dù gia đình không đồng ý nhưng anh Tuấn vẫn quyết tâm theo đuổi đam mê đến cùng. 8 năm trước, anh lên Bình Dương mua 3 con chồn gồm 2 cái 1 đực. Do lựa chồn hậu bị, ít lâu sau chồn sinh sản, bán được giá cao, anh rất phấn khởi.
“Thấy chồn có giá, tôi liều mình bỏ thêm mấy trăm triệu đồng nhập thêm 50 con cái hậu bị và chồn đực để phối giống. Nhưng do nuôi số lượng nhiều nên chồn nhiễm bệnh tiêu chảy chết rất nhiều, 60 con chồn hương chỉ sống sót vài con. Dù lỗ sạch vốn nhưng tôi quyết tâm vực dậy đến cùng, phải đi lên từ con chồn”, chủ trại chồn chia sẻ.
Món ăn khoái khẩu của chồn hương là trái cây chín ngọt
Thời gian đó anh Tuấn không ngừng tìm kiếm các loại thuốc chữa bệnh tiêu chảy. May mắn đã mỉm cười khi anh tìm ra công thức đặc trị. Từ năm thứ 4, anh Tuấn tăng đàn chồn hương, Rút kinh nghiệm từ lần trước, đợt này anh Tuấn bố trí cho chồn hương ở trong các lồng riêng. Đồng thời, lúc này anh Tuấn cũng đã nghỉ việc ở trường học, tập trung chăn nuôi.
Cho nghe nhạc giúp chồn giảm stress
Chồn hương là động vật hoang dã khi nuôi nhốt trong chuồng khiến chúng bị căng thẳng. Đặc biệt, lúc mang thai hoặc sau sinh, nếu bị ồn ào hoặc có người làm phiền, chúng sẽ tha con giấu đi, làm chồn con bị thương.
Chồn hương anh Tuấn nuôi có nguồn gốc thuần Việt. Con cái nặng 3,5-3,8kg; con đực khoảng 5-5,5kg nhưng không nên nuôi quá lớn vì ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, phối giống…
“Khắc phục nhược điểm này, tôi mở nhạc cho chồn nghe. Âm thanh này sẽ hạn chế chồn hương bị giật mình. Nếu có người lạ chúng cũng không sợ. Phương pháp này tôi áp dụng hơn 1 năm qua và thấy đạt hiệu quả”, anh nông dân tiết lộ.
Hiện anh Tuấn đang nuôi hơn 200 con chồn hương, trong đó đàn chồn sinh sản có 55 con cái và 10 con đực. Chồn cái có thể sinh 2-3 lứa/năm, mỗi lứa khoảng 2-6 con. Chồn con được 2 tháng tuổi thì tách mẹ, nuôi nhốt trong chuồng riêng.
“Cơ sở chúng tôi cung cấp chồn ở nhiều lứa tuổi. Chồn giống từ 8-10 triệu đồng/cặp; loại 5 tháng tuổi và chồn hậu bị có giá 11-20 triệu đồng/con; chồn đực phối giống từ 25-30 triệu đồng/con. Khách hàng có cả trong và ngoài tỉnh đến mua hàng, không đủ cung cấp”, anh Tuấn cho hay.
Để tiện chăm sóc chồn hương, anh Tuấn lắp hệ thống uống nước tự động, bật-tắt bằng điện thoại di động
Gần 10 năm gắn bó với con chồn hương, anh Tuấn nhận xét, miền Tây rất thích hợp để nuôi loài vật này vì đó là loài ưa trái cây chín như chuối, xoài, mít nên chi phí chăn nuôi khá tiết kiệm. Ban ngày anh Tuấn cho chồn ăn trái cây, tối đến cho ăn cá trê hoặc gà, tiền thức ăn mỗi ngày chỉ tốn 3.000-4.000 đồng/con.
Chia sẻ về dự định sắp tới, anh Tuấn cho biết mong muốn mở quán cà phê chồn, anh sẽ kết hợp với bà con trồng cà phê ở Đắk Lắk, tạo ra những hạt cà phê chồn chất lượng.