Thí sinh nghe tư vấn chọn ngành và cách đặt nguyện vọng xét tuyển tại Chương trình tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp ở Thanh Hóa ngày 19-2 – Ảnh: MAI THƯƠNG
Chọn ngành học thế nào phù hợp với tố chất, sở thích để có thể vượt qua trở ngại trong học tập và làm nghề? Nhiều thí sinh băn khoăn khi đến tham dự các chương trình tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp do báo Tuổi Trẻ phối hợp các đơn vị tổ chức.
Theo các thầy cô tư vấn, nhiều ngành học đặc thù có những yêu cầu đặc biệt. Chỉ khi hiểu rõ thì các bạn mới có thể chọn ngành học yêu thích.
Học ngành y: Yêu cầu “3T”
* Học ngành y cần có tố chất gì để có thể trở thành bác sĩ giỏi ạ? Em được biết có nhiều sinh viên học trường y phải bỏ dở giữa chừng, liệu có phải yêu cầu đào tạo quá khó không?
– TS Nguyễn Đình Tùng (Phòng Quản lý đào tạo đại học, Trường ĐH Y Hà Nội):
Không có ngành học nào không vất vả mà trở thành người giỏi được. Nhưng ngành y có những đỏi hỏi khắt khe hơn vì liên quan tới sức khỏe con người. Thời gian học tập để trở thành một bác sĩ dài hơn so với nhiều ngành học khác và còn phải tiếp tục tự học, học nâng cao trình độ trong quá trình làm nghề.
Nói một cách ngắn gọn, để trở thành bác sĩ cần có “3T”, gồm “Trí, Tâm và Tay”. Trong đó trí tuệ xếp thứ nhất. Vì đã chọn học nghề y thì phải giỏi. Không giỏi không học được và không học được tốt thì không thể làm nghề tốt. Người theo nghề này cũng rất cần nhiều tâm huyết, trách nhiệm, lòng trắc ẩn. Và cuối cùng cần có những kỹ năng để khám, chữa bệnh thể hiện qua bàn tay.
Khi lựa chọn ngành y, các em cần hình dung được những khó khăn sẽ phải vượt qua trong khi học tập và khi ra nghề. Nếu không có sự đam mê, yêu thích công việc chăm sóc, chữa trị bệnh cho mọi người thì không thể đủ bản lĩnh, ý chí vượt lên môi trường khó khăn để thành công.
Say nghề sẽ hết say sóng
* Em sợ nước và dễ bị say sóng, liệu có thể học các ngành của Trường đại học Hàng hải không?
– PGS.TS Phạm Văn Thuần (trưởng phòng đào tạo Trường đại học Hàng hải Việt Nam):
Trường đại học Hàng hải Việt Nam chỉ có 2 ngành là điều khiển tàu biển và khai thác máy tàu biển là có yêu cầu bắt buộc sinh viên phải biết bơi. Sinh viên được rèn luyện nhiều bài tập để làm quen với sóng nước. Còn 45 ngành khác thì không yêu cầu vì sinh viên học tập và ra nghề không nhất thiết phải làm việc ở môi trường nước.
Sợ nước và say sóng thì đúng là sẽ khó khăn khi muốn học điều khiển tàu biển và khai thác máy tàu biển. Các em có thể lựa chọn các nghề khác liên quan tới hàng hải làm việc ở trên đất liền hoặc lựa chọn hai ngành sẽ làm việc ở môi trường biển nhưng phải tập luyện. Nếu các em quyết tâm và có sự say nghề thì sẽ hết say sóng. Khi đó các em sẽ thấy nghề đi biển có nhiều sự thú vị.
Chọn ngành sư phạm không lo thất nghiệp nữa
* Em muốn học sư phạm nhưng nghe nói nhiều sinh viên sư phạm ra trường không có việc làm. Liệu có trường sư phạm nào hiện nay đảm bảo cho sinh viên ra trường có việc làm 100% không? Nếu sinh viên sư phạm muốn học sau đại học thì có được hưởng các chế độ ưu đãi như học đại học không?
– TS Nguyễn Mạnh Hùng, Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT):
Trong nhiều năm qua, sinh viên học sư phạm hệ đại học không phải đóng học phí và được hưởng mức tiền sinh hoạt phí là 3,63 triệu đồng/người. Người được hưởng chế độ ưu đãi này phải cam kết sẽ làm việc trong ngành giáo dục.
Tuy nhiên, ở bậc sau đại học, sinh viên sư phạm không được hưởng chế độ này nữa.
Hiện nay theo số liệu thống kê của Bộ GD-ĐT, cả nước vẫn còn thiếu nhiều giáo viên các cấp học. Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương có nhiều giải pháp để khắc phục, trong đó thúc đẩy việc giao biên chế, cải thiện cơ chế tuyển dụng giáo viên…
Ngoài việc tiếp nhận sinh viên tốt nghiệp sư phạm, các địa phương có thể thực hiện việc “đặt hàng” trường sư phạm để đào tạo giáo viên. Với cách thức này, sinh viên ra trường sẽ được tiếp nhận về các địa phương đã “đặt hàng” với trường sư phạm.
Giáo viên mầm non, tiếng Anh bậc tiểu học, giáo viên các môn học mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đang còn thiếu nhiều, nếu các em theo học những ngành này cơ hội việc làm sẽ cao.
Tuy nhiên, với nghề sư phạm nếu học giỏi, vững nghề thì không lo thất nghiệp.
Chọn ngành, chọn nghề phải có ‘chiến thuật’
Đến tham dự chương trình tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp, nhiều học sinh cho biết chưa biết chọn ngành nghề tương lai, phân vân giữa nhiều phương thức xét tuyển, thậm chí rối loạn thông tin tư vấn trên mạng…