Trong thời đại ngày nay, yêu nước phải gắn với yêu Đảng, yêu Chủ nghĩa xã hội (bài 3)

Biên phòng – Lòng yêu nước luôn thường trực trong mỗi con dân đất Việt, nhất là mỗi khi Tổ quốc bị lâm nguy trước họa xâm lược của ngoại bang thì tinh thần ấy lại trỗi dậy, đoàn kết muôn người như một quyết tâm bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

Bài 3: Làm gì để yêu nước gắn với yêu Đảng, yêu Chủ nghĩa xã hội

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”[1]. Nhưng trong thời đại ngày nay, với lòng yêu nước chung chung thì không thể giành được thắng lợi, mà yêu nước phải gắn với yêu Đảng, yêu CNXH như hai phần trên đã đề cập. Vậy làm thế nào để tinh thần yêu nước của nhân dân ta trong thời đại ngày nay được gắn với yêu Đảng, yêu CNXH? Để thực hiện được điều đó cần tiến hành tổng thể nhiều nội dung, biện pháp.


Niềm tin của nhân dân đối với Đảng được củng cố, tăng cường, tạo nền tảng vững chắc đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững trong những năm tới. Trong ảnh: Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kiểm tra hiện trạng Mốc quốc giới tại tuyến biên giới Tây Nam: Ảnh: TTXVN

Trước hết, Đảng phải không ngừng tự xây dựng, tự chỉnh đốn để thật sự trong sạch, vững mạnh, “là đạo đức là văn minh”, được các tầng lớp nhân dân yêu mến, quý trọng, mãi mãi gọi là Đảng ta. Muốn vậy, Đảng cần giữ vững nền tảng tư tưởng của mình là chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Vì ngày nay các thế lực có thâm thù với Đảng ta không ngừng bôi đen, xuyên tạc, bác bỏ chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh hòng làm cho Đảng ta mất phương hướng, mất vai trò lãnh đạo. Để lý luận nền tảng tư tưởng của Đảng mãi mãi xanh tươi cần không ngừng kế thừa, phát triển lý luận ấy trong điều kiện mới. Vì thế, các nhà macxit, nhất là những nhà lý luận macxit phải trả lời các câu hỏicái gì lý luận chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trước đây đúng và ngày nay vẫn giữa nguyên giá trị? Cái gì đúng với thời các ông nhưng ngày nay do điều kiện thay đổi nên không còn phù hợp? Cái gì không đúng hoặc cần được bổ sung, phát triển? Có như vậy mới làm cho lý luận của các ông mang hơi thở của thời đại, làm nền tảng vững chắc cho Đảng ta.

Cùng với đó, tiếp tục thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với việc không ngừng học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh một cách thực sự, thực chất và hiệu quả. Tiếp tục xây dựng các tổ chức đảng thật sự trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Đẩy mạnh thực hiện công cuộc phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực đi vào chiều sâu, tạo sự đồng thuận trong xã hội,… Thông qua đó, củng cố niềm tin của các tầng lớp trong xã hội với Đảng, tạo được sự yêu mến, quý trọng của nhân dân đối với Đảng. Từ đó, nhân dân mới ra sức bảo vệ Đảng, bảo vệ sự nghiệp đổi mới đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Thứ hai, mỗi bước tiến của xã hội mới là một bước nâng cao đời sống của nhân dân. Nhân dân chỉ nhận rõ giá trị của xã hội mới khi mỗi sự phát triển của xã hội là đời sống vật chất, tinh thần của các tầng lớp nhân dân được cải thiện và nâng lên. Do vậy, mọi hoạt động của các cấp chính quyền từ Trung ương đến các địa phương đều hướng vào phục vụ nhân dân, vì nhân dân. Đồng thời tích cực xóa bỏ tình trạng bất bình đẳng trong xã hội, rút ngắn khoảng cách giàu nghèo, phải “khiến cho thôn cùng xóm vắng không có một tiếng hờn giận oán sầu” như Nguyễn Trãi đã nói. Có như vậy mới củng cố được “thế trận lòng dân”, làm cho người dân không chỉ yêu mến mà còn quyết tâm bảo vệ và ra sức xây dựng xã hội mới XHCN.

Thứ ba, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân về Đảng Cộng sản và về CNXH.Cùng với việc Đảng tự xây dựng, chỉnh đốn để thật sự trong sạch, vững mạnh và việc xây dựng xã hội mới phải thể hiện rõ tính ưu việt để các tầng lớp nhân dân tự nhận thấy mà tin yêu, quý trọng. Bởi “Hữu xạ tự nhiên hương”. Nhưng ngày nay, với sự chống phá quyết liệt của những kẻ cơ hội, của các thế lực thù địch, họ ra sức xuyên tạc, bôi nhọ về Đảng về chế độ XHCN mà nhân dân ta đang xây dựng dưới sự lãnh đạo của Đảng, thì việc tăng cường tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân về Đảng Cộng sản về CNXH là việc làm rất cần thiết. Trong tuyên truyền về Đảng về CNXH không tô hồng cũng không bôi đen, mà nói đúng sự thật, thực chất, nhằm tạo niềm tin của các tầng lớp nhân dân. Đồng thời, đấu tranh, phê phán với các tư tưởng, quan điểm sai trái, thù địch hòng hạ thấp uy tín của Đảng và bôi đen xã hội ta hiện nay.



BĐBP thường xuyên làm tốt công tác giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Trong ảnh: Cán bộ Phòng Chính trị, BĐBP Cao Bằng giới thiệu lịch sử, truyền thống BĐBP Cao Bằng cho chiến sĩ mới. Ảnh: Nông Tuấn

Thứ tư, mấu chốt là xây dựng con người, xây dựng đội ngũ cán bộ của Đảng, Nhà nước thật sự liêm chính, “vừa hồng vừa chuyên”. Đây là vấn đề căn cốt, gốc của mọi vấn đề. Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến vấn đề cán bộ và công tác cán bộ, Người nói: “Cán bộ là gốc của mọi công việc”; “Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”, để có cán bộ tốt, thì công tác cán bộ có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Công tác cán bộ là một nhiệm vụ then chốt của các cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị. Công tác cán bộ bao gồm nhiều khâu: lựa chọn, đào tạo, huấn luyện, đánh giá, sử dụng và chính sách cán bộ. Đó là các khâu liên hoàn, nếu làm không tốt bất cứ một khâu nào, đều ảnh hưởng đến chất lượng cán bộ và thành quả cách mạng. Do đó, ngày nay vẫn tiếp tục trả lời cho được những vấn đề mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt ra như: “Cần phải biết huấn luyện cán bộ” như thế nào? “Cần phải biết dạy cán bộ” ra sao? “Cần phải biết lựa chọn cán bộ” hay “Cần phải có chính sách cán bộ” sao cho đúng đắn, phù hợp…, để tạo ra đội ngũ cán bộ “vừa hồng vừa chuyên” ngang tầm nhiệm vụ xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc XHCN.

Như vậy, trong thời đại ngày nay, yêu nước phải gắn với yêu Đảng, yêu CNXH, không có yêu nước chung chung, như một số người trương ra hòng lòe bịp, lợi dụng lòng “yêu nước” nhằm mục đích xấu, thực chất là tạo ra các véc-tơ lực ngược chiều nếu không nói là “Chọc gậy bánh xe” cản trở sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Và để yêu nước gắn với yêu Đảng, yêu CNXH cần tiến hành đồng bộ nhiều nội dung, giải pháp, gắn xây dựng với chống quan điểm sai trái, thù địch; gắn chống quan điểm sai trái, thù địch với xây dựng Đảng, xây dựng CNXH.

Trần Đức – Đinh Hà Thu – Vũ Thị Trang

—————————————————-

[1]. Hồ Chí Minh -Toàn tập, Tập 7, Nxb CTQG, H.2011, tr. 38.