Biên phòng – Đã tròn 25 năm tôi rời quân ngũ. Cứ ngỡ sẽ chẳng bao giờ được trở lại doanh trại, chẳng bao giờ nhớ đến điều lệnh, đến “mười lời thề danh dự”, “mười một chế độ trong ngày”, chẳng bao giờ được quay lại cái thời “ăn cơm tập thể, nằm giường cá nhân” nữa. Xa lắm rồi một thời áo lính! Thế rồi, mới đây thôi, vào một ngày đẹp trời, họa sĩ Lê Chương, Chủ tịch Hội Liên hiệp Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Sơn La gọi đến: “Bác ơi, mai mình đi Sông Mã nhé. Đến thăm các đồn Biên phòng của tuyến biên giới Sông Mã, Sốp Cộp, “làm lính Biên phòng” mấy hôm xem sao, bác ạ”. Thế là tôi đồng ý. Vội vàng sửa soạn ba lô và háo hức lên đường…
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu Chiềng Khương giúp nhân dân trên địa bàn chăn nuôi gia súc, phát triển kinh tế. Ảnh: Quàng Hùng
Theo “nhiệm vụ” được giao, tôi cùng nhà văn Mai Văn Lành, nhạc sĩ Lò Thanh Yến được phân công đến với Đồn Biên phòng cửa khẩu Chiềng Khương, BĐBP Sơn La, “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với cán bộ, chiến sĩ Biên phòng trong một tuần. Hôm khai mạc trại, Đại tá Vũ Đức Tú, Phó Chính ủy BĐBP tỉnh phát biểu: “Mong rằng những ngày sống cùng với anh em bộ đội tại các đồn Biên phòng sẽ là những trải nghiệm bổ ích với các văn nghệ sĩ tỉnh nhà…”.
Với tôi, một người lính có gần 20 năm trong quân ngũ, từng trải qua khá nhiều môi trường công tác trong quân đội, thì đây là cơ hội rất quý để tôi được “trở về”. “Trở về” với con đường mà tôi đã chọn khi chập chững bước vào đời; “trở về” với những kỷ niệm không thể nào quên của một thời gian khổ, hy sinh khi chiến đấu trên đất bạn; “trở về” với đồng đội tôi, với những tình cảm thiêng liêng mà chỉ có những ai đã từng trải qua mới hiểu. Đó là tình cảm của những người lính dành cho nhau trong cuộc sống cũng như trong chiến đấu.
Cảm nhận đầu tiên của tôi khi đặt chân đến Đồn Biên phòng cửa khẩu Chiềng Khương là sự thân thiện và những tình cảm ấm áp của cán bộ, chiến sĩ của đồn dành cho những cựu binh. Những cái bắt tay thật chặt, những nụ cười rạng rỡ. Sự chu đáo, tận tình của các đồng chí lãnh đạo đồn cũng như của anh em chiến sĩ làm cho chúng tôi vô cùng cảm động.
Doanh trại của đồn khang trang, sạch sẽ và hội đủ các yếu tố: “sáng, xanh, sạch, đẹp”. Giữa khoảng sân lớn thảm bê tông vuông vức là những dãy nhà làm việc và nhà ở của cán bộ, chiến sĩ. Những hàng cây, những bồn hoa rực rỡ sắc màu được trồng ngăn nắp, khoa học xen giữa những lối đi được lát gạch trước sân, tạo nên một cảm giác yên bình, thơ mộng. Cảnh quan đó giống như một công viên nhỏ giữa lòng phố thị, đúng với tiêu chí “đẹp như bệnh viện, sạch như công viên”. Một môi trường sống rất tốt mà những người lính Biên phòng nơi đây đã dày công tạo dựng.
Đồn Biên phòng cửa khẩu Chiềng Khương án ngữ tại một địa bàn hết sức lý tưởng. Lưng dựa vào núi, mặt ngoảnh ra dòng sông Mã uốn lượn phía xa. Theo thuyết “phong thủy” thì đây là thế đất “thuận cung”. Thế đất này là nơi có quý nhân phù trợ, nơi hội tụ vượng khí, có phong thủy rất tốt. Dưới góc nhìn quân sự, thì đồn có thế mạnh trong tác chiến phòng ngự và có ưu thế khi triển khai các mũi phản công trong trường hợp bị địch xâm nhập. Từ các vị trí trong đồn có thể quan sát bằng mắt thường cả một vùng rộng lớn khắp địa bàn hai bên biên giới.
Cách đồn không xa là cặp cửa khẩu quốc gia Chiềng Khương – Bản Đán. Những ngôi nhà của trạm Biên phòng cửa khẩu lấp ló trong tầm mắt của các chiến sĩ Biên phòng. Đường phân định biên giới quốc gia chủ yếu đi theo lòng sông và đường phân thủy của các dãy núi cao bên phải của đồn. Dưới ánh nắng chiều, dòng sông Mã uốn lượn như một dải lụa mềm chảy bên những vườn nhãn xum xuê và những đồng lúa chín vàng của nhân dân hai bên biên giới đang giữa mùa thu hoạch. Một khung cảnh yên bình như bao vùng quê thân thương của những người lính biên thùy.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết: Đồn Biên phòng cửa khẩu Chiềng Khương là đồn Biên phòng được thành lập sớm nhất (23/9/1959) và có bề dày truyền thống nhất trong hệ thống các đồn Biên phòng của tỉnh. Trải qua 63 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành, Đồn Biên phòng cửa khẩu Chiềng Khương luôn là một trong những lá cờ đầu của BĐBP tỉnh. Hiện nay, đồn được giao nhiệm vụ quản lý 2 xã là Chiềng Khương và Mường Sai (huyện Sông Mã), với diện tích 14.710ha, 34 bản và cộng đồng dân cư, với 17.512 người, thuộc 5 dân tộc: Thái, Kinh, Mông, Khơ Mú, Xinh Mun cùng sinh sống; có một cửa khẩu quốc gia và gần 27km đường biên, 14 cột mốc giới.
Khu vực quản lý của đồn có địa hình rất phức tạp, núi non trùng điệp, nhiều núi cao, vực thẳm; nhiều đường mòn, lối mở sang bên kia biên giới; nhiều điểm dân cư sống sát đường biên… nên địa bàn quản lý của đồn là nơi mà bọn tội phạm – nhất là tội phạm ma túy, các loại tội phạm về an ninh quốc gia – thường xuyên hoạt động.
Phát huy truyền thống của một đơn vị Anh hùng, những năm qua, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ của đồn đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, đoàn kết chặt chẽ, lập nhiều chiến công xuất sắc, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, bảo vệ vững chắc chủ quyền và an ninh chính trị trên địa bàn biên giới, tham gia tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, kề vai sát cánh cùng cấp ủy Đảng, chính quyền và đồng bào các dân tộc bảo vệ vững chắc chủ quyền, lãnh thổ quốc gia và góp phần củng cố vững chắc tình đoàn kết, hữu nghị đặc biệt Việt Nam – Lào. Nhiều tập thể, cá nhân là cán bộ, chiến sĩ của đồn được Đảng, Nhà nước và Quân đội tặng nhiều phần thưởng cao quý. Đồn Biên phòng cửa khẩu Chiềng Khương được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân ngày 30/11/1973.
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu Chiềng Khương cấy lúa giúp dân. Ảnh: Quàng Hùng
Những ngày ở đây, tôi như được sống lại những tháng năm tuổi trẻ. Các chế độ trong ngày được duy trì nghiêm túc, từ lúc báo thức cho đến khi kết thúc một ngày làm việc, mọi người tuyệt đối tuân thủ hiệu lệnh. Tác phong nhanh, mạnh, dứt khoát, rành mạch của các chiến sĩ của đồn cho tôi được trở lại những tháng năm khi còn học tại trường sĩ quan. Nhất nhất mọi việc làm đều tuân thủ điều lệnh và mệnh lệnh của người chỉ huy.
Làm việc với chúng tôi, Trung tá Mùa Láo Thắng, Chính trị viên phó của đồn cho biết: Mọi hoạt động của đồn trong giai đoạn này đều hướng về kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống của BĐBP Sơn La (3/1/1963 – 3/1/2023). Cả đơn vị hoạt động theo điều lệnh, các chuyên án phòng chống ma túy, chống địch xâm nhập được triển khai và thực hiện hiệu quả, công tác nắm địa bàn và công tác dân vận tiếp tục được thực hiện. Mặc dù tình hình dịch bệnh Covid-19 đã lắng xuống, nhưng các chốt Biên phòng vẫn duy trì nghiêm quân số cũng như chế độ làm việc, góp phần quản lý tốt mọi biến động trên địa bàn.
Trước hôm chia tay trở về thành phố, chúng tôi được Ban Chỉ huy đồn bố trí lên thăm một chốt Biên phòng, cùng ăn với anh em một bữa cơm thân mật trong ngôi nhà 2 gian, được dựng bằng khung tiền chế sát ven đường tuần tra biên giới. Trong đêm tối, con đường lên chốt ngược dốc dài 7km, quanh co, không một bóng người khiến tôi thấy rờn rợn. Trời đã vào Đông mà ở đây không hề có điện, không có nước… Vậy mà suốt mấy năm qua, những người lính Biên phòng nơi đây vẫn kiên cường bám trụ. Họ đã chịu đựng những khó khăn, vất vả một cách hết sức tự nhiên và đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Khi chúng tôi từ chốt trở về, dưới trời đêm đen thẫm, cả một dải đèn đường và phố sá sáng rực khắp khu vực Chiềng Khương. Cuộc sống vẫn nhộn nhịp khắp nơi… Và tôi hiểu, không phải trong chiến tranh, người lính mới phải chịu đựng gian khổ, hy sinh, mà ngay trong những năm tháng hòa bình, những người lính Biên phòng vẫn phải căng mình chiến đấu. Họ đang hi sinh cả tuổi thanh xuân của mình để giữ cho đất nước mãi mãi bình yên và hạnh phúc.
Những ngày sống ở Đồn Biên phòng cửa khẩu Chiềng Khương đã cho tôi được “trở về” đúng nghĩa. Tôi đã được trở về với vòng tay ân tình của những người lính và đồng đội thân yêu như những tháng ngày đang còn trong quân ngũ.
Nguyễn Vũ Điền