(Dân sinh) – Trong năm 2023, các cấp chính quyền TP.HCM triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền về an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) tới người lao động (NLĐ), người sử dụng lao động trên địa bàn nhằm nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật về ATVSLĐ, từ đó hạn chế tối đa tai nạn lao động (TNLĐ) và bệnh nghề nghiệp (BNN).
TNLĐ tại TP.HCM cao nhất cả nước
Bộ LĐ-TB&XH vừa có thông báo tình hình TNLĐ năm 2022. Theo đó, trong năm qua cả nước xảy ra 7.718 vụ TNLĐ tăng 1.214 vụ so với năm 2021 làm 7.923 người bị nạn (tăng 1.265 người so với năm 2021).
Số vụ TNLĐ chết người là 720 vụ (giảm 29 vụ). Số người chết vì TNLĐ là 754 người, giảm 32 người. Số người bị thương nặng là 1.747 người, tăng 162 người.
Đáng chú ý, trong danh sách TNLĐ ở các tỉnh, TP thì TP.HCM là địa bàn dẫn đầu nhiều chỉ số trong các thống kê về TNLĐ. Cụ thể, năm 2022, trên địa bàn TP.HCM xảy ra 803 vụ TNLĐ với 832 người bị nạn, chỉ thấp hơn Đồng Nai (1655 vụ, 1671 người bị nạn). Tuy nhiên, số vụ TNLĐ chết người trên địa bàn TP lại cao nhất cả nước (83 vụ) và số người chết vì TNLĐ cũng dẫn đầu (86 người).
Đoàn Thanh tra Sở LĐ-TB&XH TP.HCM đến thăm, tặng quà gia đình công nhân mất vì tai nạn lao động.
Anh Nguyễn Trường Sỹ, nhân viên bảo vệ Công ty TNHH Dịch vụ bảo vệ Long Hải (bị thương tật 58% do máy cuốn) cho biết, khi gặp tai nạn, bản thân rất đau buồn và luôn nghỉ mình là gánh nặng cho gia đình, xã hội. Nhưng anh được gia đình, người thân quan tâm, đơn vị và tổ chức chia sẻ, động viên đã giúp anh vượt qua mặc cảm, khó khăn để tiếp tục lao động và sống vui, sống có ích. “Tàn nhưng không phế” là phương châm của anh Nguyễn Trường Sỹ đã chia sẻ. Chính vì thế, hàng ngày, anh vẫn luôn cố gắng nỗ lực trong lao động, cùng đồng nghiệp hoàn thành tốt nhiệm vụ; đồng thời luôn ý thức trách nhiệm cùng gia đình xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Qua số liệu thống kế của năm 2022 cho thấy trên địa bàn TP.HCM lĩnh vực, ngành xảy ra TNLĐ làm chết người chủ yếu tập trung vào lĩnh vực xây dựng công trình nhà ở riêng lẻ. Nguyên nhân, hầu hết các doanh nghiệp thi công không có cơ cấu tổ chức chặt chẽ hoặc không có năng lực thi công công trình, thầu chính giao khoán cho thầu phụ hoặc cai thầu để thi công các công trình xây dựng nhà ở riêng lẻ, thuê mướn NLĐ tự do không có hợp đồng lao động, không được trang bị kiến thức ATVSLĐ cũng như các trang bị, phương tiện bảo hộ lao động.
Bên cạnh đó, người sử dụng lao động thường không xây dựng và ban hành quy trình trong quá trình vận hành máy móc thiết bị và quy trình biện pháp làm việc an toàn, chưa huấn luyện hoặc huấn luyện chưa đầy đủ về ATVSLĐ cho NLĐ, thiếu kiểm tra, giám sát về ATVSLĐ, không cung cấp đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân cho NLĐ và năng lực nhà thầu còn hạn chế.
Nỗ lực kéo giảm TNLĐ, BNN
Nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành công tác ATVSLĐ tại các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn, thời gian qua Sở LĐ-TB&XH TP.HCM đã đẩy mạnh thực hiện công tác kiểm tra tại các đơn vị, doanh nghiệp, đặc biệt là những lĩnh vực nhạy cảm dễ xảy ra tai nạn lao động, cháy nổ như những công trình xây dựng hay lĩnh vực cơ khí, kho bãi,…
Bên cạnh đó, Sở đã có chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp chặt chẽ với các địa phương tổ chức, triển khai sâu rộng công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt pháp luật về ANVSLĐ, BNN đến NLĐ và người sử dụng lao động.
Nội dung thông tin, tuyên truyền luôn phải đổi mới theo hướng làm thay đổi cách nghĩ, cách làm của doanh nghiệp và người lao động; kể cả người có quan hệ lao động và người nằm ngoài quan hệ lao động đối với công tác ATVSLĐ.
Một công trình xây dựng nhà phố liền kề trên địa bàn quận 12, TP.HCM không đảm bảo ATVSLĐ.
Song song với các hoạt động trên, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM đã tham mưu UBND TP có chỉ đạo và huy động sự đồng thuận, chung tay của các cấp, ngành và các tổ chức chức chính trị – xã hội và quần chúng nhân dân trên địa bàn trong công tác ATVSLĐ; Thúc đẩy và đề cao vai trò bảo đảm quyền, trách nhiệm của tổ chức Công đoàn, MTTQ Việt Nam TP và các tổ chức xã hội khác trong việc thực hiện ATVSLĐ.
Bên cạnh đó, Sở đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ, nhân viên làm công tác ATVSLĐ trong các doanh nghiệp; đặc biệt là cán bộ quản lý về lao động của các cơ quan quản lý nhà nước ở TP Thủ Đức và các quận, huyện để họ kịp thời hướng dẫn NLĐ trong các doanh nghiệp ở địa phương về công tác ATVSLĐ.
“Thời gian tới, TP.HCM tiếp tục tăng cường tổ chức thanh tra, kiểm tra công tác ATVSLĐ đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh các ngành nghề tiềm ẩn gây ra sự cố kỹ thuật, mất an toàn, vệ sinh lao động; tiềm ẩn xảy ra tai nạn lao động nghiệm trọng, đặc biệt là các công trình đang thi công xây dựng tiền ẩn tai nạn lao động. Kiên quyết đình chỉ thi công nếu không đảm bảo an toàn cho người lao động, xử lý các hành vi, vi phạm quy định pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động theo Công điện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Trường hợp vi phạm, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật” Lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH nhấn mạnh.
TP.HCM xử lý nghiêm các công trình xây dựng vi phạm ATLĐ
Ông Trương Công Nam, Phó chánh thanh tra Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, Sở Xây dựng quản lý các công trình cao tầng. Với mức độ xây dựng quy mô lớn, Chính phủ cũng như Bộ Xây dựng đã ban hành nhiều tiêu chuẩn, quy chuẩn để làm sao quá trình thi công xây dựng đảm bảo an toàn. Vấn đề là các đơn vị, từ chủ đầu tư cho đến các nhà thầu có thực hiện đúng hay không.
Đại diện Sở Xây Dựng nhận định, các hoạt động xây dựng trên địa bàn TP có thể nói là lớn nhất cả nước. Lực lượng thanh tra trực thuộc Sở đã phối hợp với UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức kiểm tra, kiểm soát rất nghiêm ngặt, từ khi công trình khởi công cho đến khi nghiệm thu bàn giao, đưa vào sử dụng.
“Trong quá trình thi công xây dựng, các nhà thầu, chủ đầu tư không chấp hành các quy định về an toàn lao động thì lực lượng thanh tra xây dựng của chúng tôi cũng như là UBND các quận, huyện cương quyết xử lý nghiêm. Chỉ có vậy mới hạn chế được tình trạng vi phạm”, ông Nam nhấn mạnh.