Các “công ty ma” luôn chủ động tìm đến người lao động
Chia sẻ bên hành lang Quốc hội tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung ngày 6/6, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cho biết, số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài tăng rất nhanh trong những năm qua.
Tuy nhiên, số người bị lừa đi xuất khẩu lao động dưới nhiều hình thức cũng khá nhiều, gây rất nhiều hậu quả nghiêm trọng.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương. (Ảnh: TRUNG HƯNG)
Trước đó, trong phiên chất vấn, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, phần đông lao động bị lừa qua các “công ty ma” không được cấp phép tổ chức đưa lao động đi xuất khẩu lao động. Theo đó, người lao động bị lừa đi không đúng ngành nghề, có cả lừa cả đầu đi và đầu đến.
Thời gian qua Bộ cũng xử phạt nhiều, trong năm 2022, Bộ đã thanh tra, xử phạt 62 doanh nghiệp và 4 doanh nghiệp thu hồi giấy phép.
Trao đổi bên lề kỳ họp, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, Bộ trưởng mới chỉ trả lời được đối với những trung tâm đưa người đi xuất khẩu lao động có uy tín thì không có lừa đảo, trong khi, các “công ty ma” lại luôn chủ động tìm đến người lao động.
Tỷ lệ thất nghiệp của Việt Nam vẫn thấp so mặt bằng chung thế giới
Theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội thừa nhận có thực trạng người lao động bị lừa đi xuất khẩu lao động.
Bộ trưởng cũng nêu dẫn chứng, đối với những trung tâm đưa người đi lao động xuất khẩu được cấp phép thì việc lừa đảo xảy ra rất ít, phần lớn việc lừa đảo diễn ra tại các trung tâm hoạt động chui của những “công ty ma”.
Tuy nhiên, đại biểu tỉnh Hải Dương cho rằng Bộ trưởng chưa giải thích được cần phải làm như thế nào để ngăn chặn tình trạng này.
“Trách nhiệm thuộc về nhiều bộ, ngành nhưng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội có trách nhiệm chính trong việc này”, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nhấn mạnh.
Đẩy mạnh tuyên truyền thông tin chính thống đến người lao động
Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương đánh giá, người lao động thường thiếu thông tin, hoặc là đối tượng người nghèo, ở vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn… nên tiếp cận thông tin về thị trường vô cùng khó khăn.
“Vậy cần phải làm thế nào để họ biết được công ty do Nhà nước thành lập, công ty có tư cách pháp nhân và uy tín đưa người đi xuất khẩu lao động? Người lao động tìm đến những công ty uy tín này qua kênh truyền thông nào? Trong khi các “công ty ma” lại luôn chủ động tìm đến người lao động?”, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nêu băn khoăn.
Từ đó, nữ đại biểu nêu kiến nghị, trách nhiệm của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cần phải tăng cường, đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân để nắm bắt được thông tin chính thống, qua đó tránh tình trạng bị lừa khi trên thực tế, các thông tin “ma” thường luôn chủ động tìm đến những người lao động thiếu thông tin.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, khi thực hiện minh bạch thông tin, minh bạch thị trường lao động thì khi đó sẽ hạn chế được tình trạng này.
“Theo tôi, những trung tâm có uy tín thì chắc chắn sẽ rất ít xảy ra tình trạng lừa đảo. Nhưng làm thế nào để ngăn chặn, bảo vệ được quyền lợi người lao động đây mới là việc cử tri trông chờ vào Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội đưa ra giải pháp”, đại biểu nhấn mạnh.
Đại biểu Hồ Thị Minh – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị trao đổi với phóng viên bên lề Kỳ họp thứ 5. (Ảnh: TRUNG HƯNG)
Chung quan điểm, đại biểu Hồ Thị Minh – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị cũng cho rằng, về các trường hợp lao động bị lừa, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung có trả lời nếu người lao động đi theo các kênh chính thống của Bộ giới thiệu và qua các Sở, ban, ngành ở các địa phương thì hầu như bảo đảm an toàn và đem lại hiệu quả.
Tuy nhiên, đại biểu nêu rõ vẫn còn các công ty nằm ngoài sự quản lý của Nhà nước, thành lập các công ty tư nhân và chính ở đây nảy sinh vấn đề khi có sự dối trá, lừa đảo trong lĩnh vực này.
“Người lao động thường có quan niệm trong các công ty nhà nước thì các quy trình khắt khe, chặt chẽ hơn, còn những công ty bên ngoài có thể linh hoạt, thủ tục ngắn gọn hơn cho nên tâm lý người dân thường thích nhanh, gọn lẹ, dẫn đến tình trạng trong thời gian vừa qua, vẫn có nhiều trường hợp lao động bị lừa, đặc biệt là lao động người đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh hết sức khó khăn”, đại biểu Hồ Thị Minh nêu thực trạng.
Trong khi người lao động phải vay mượn số tiền lớn để đi xuất khẩu lao động và phải trả bằng mồ hôi, nước mắt của họ ở bên nước bạn, thế nhưng vẫn có trường hợp bị lừa và để đòi lại được khoản tiền này thực sự là một điều vô vọng. Đây là một điều rất đáng tiếc, đại biểu cho biết.
Do đó, đại biểu Hồ Thị Minh bày tỏ kỳ vọng sau phiên chất vấn này, ngành lao động sẽ rà soát tổng thể để công khai các kênh của ngành rộng rãi đến các địa phương, có thể về đến tận các thôn, bản, xã, phường, thị trấn…, qua đó giúp người lao động đi xuất khẩu ở nước ngoài sẽ nắm được thông tin một cách chính thống nhất, bảo đảm an toàn và chất lượng, đem lại hiệu quả cho công tác xuất khẩu lao động hiện nay.