Những ngày này, dưới chân cầu Cửa Đại thuộc địa phận huyện Duy Xuyên, Quảng Nam, hàng chục ghe tàu chở ốc gạo (ốc ruốc) nối đuôi nhau tấp nập cập bến để đổ hàng cho thương lái.
Ngư dân cào ốc gạo dong ghe đi từ 2-3 giờ sáng, đến trưa mới cập bờ (Ảnh: Ngô Linh).
Hối hả bê từng bao “lộc trời” vào bờ, ông Lê Viết Bài (60 tuổi, phường Cẩm Nam, TP Hội An) cho biết, ốc gạo thường sinh sản từ khoảng cuối tháng 10 năm trước, đến đầu tháng 2 năm sau mới đạt kích cỡ đánh bắt. Từ 3h sáng, vợ chồng ông đưa ghe đi cào ốc, đến trưa thì cập bờ.
Theo ông Bài, nghề cào ốc chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, nhìn con nước để biết con ốc xuất hiện ở đâu và thời điểm nào cào phù hợp. Ngoài chiếc ghe gắn máy công suất nhỏ thì ngư cụ hành nghề rất đơn giản, chỉ gồm 2 cái cào và ít thực phẩm dùng trong ngày.
Cảnh tấp nập mua bán dưới chân cầu Cửa Đại (Ảnh: Ngô Linh).
Mỗi buổi cào ốc, vợ chồng ông mang về được khoảng 15 bao, ngày nhiều thì 20 bao. Mỗi bao ốc 50kg, thương lái thu mua với giá 80.000-100.000 đồng, tùy kích cỡ. Sau khi trừ chi phí xăng dầu, ăn uống, đá ướp, vợ chồng ông thu được gần 1 triệu đồng/ngày.
“Không muốn nhờ vả con cháu nên chúng tôi cố gắng bươn chải. Nhưng không phải ngày nào cũng đi, mạnh khỏe mới dám ra khơi, ngày nào thấy mệt mệt trong người thì nghỉ. Lộc trời cho nên bà con mừng lắm”, ông Bài nói.
Ngư dân được mùa ốc gạo, kiếm tiền triệu mỗi chuyến (Video: Ngô Linh)
Đôi mắt thâm quầng vì mất ngủ sau 5 ngày “cắm chốt” trên biển, ông Trần Tuấn (51 tuổi, ở TP Tam Kỳ) cho hay, ông cùng người hàng xóm rủ nhau mang ghe công suất nhỏ ra khơi cào ốc gạo. Năm nay, ốc gạo xuất hiện không nhiều bằng năm ngoái nhưng giá thành cao nên ngư dân tranh thủ mùa ốc nổi, chạy ghe cào ốc kiếm thêm thu nhập.
Cũng theo ông Tuấn, mỗi ngày cào ốc gạo, chiếc ghe tiêu tốn 50 lít dầu và hơn 300 nghìn đồng tiền lương thực, thực phẩm dự trữ. Mỗi ghe 2-3 người thay nhau làm việc. Cào ốc đòi hỏi tính kiên trì, không phải lúc nào cũng có nên khi gặp “lộc biển”, ngư dân phải ráo riết gom, trần mình phơi nắng hàng giờ đồng hồ.
Mỗi bao ốc 50kg được thu mua giá với 80.000-100.000 đồng tùy kích cỡ ốc (Ảnh: Ngô Linh).
“Mỗi ngày chúng tôi cào được khoảng 100 bao ốc, sau khi trừ chi phí mỗi người thu được khoảng 2-3 triệu đồng/ngày. Ốc cào về trải qua một số công đoạn sàng lọc, loại ốc to nhất dùng để nấu bán, loại nhỏ cung ứng số lượng lớn cho các thương lái để làm thức ăn cho tôm hùm”, ông Tuấn nói thêm.
Theo kinh nghiệm của ngư dân, ốc gạo sinh sống ở dưới lớp cát mỏng, khi cào trên ghe phải dùng lực tay rất nhiều, khi nào thấy nặng thì xử lý cho sạch cát rồi vớt lên. Thời điểm trời nắng nhẹ, nước biển ấm là lúc cào ốc dễ dàng nhất.
Ngư dân thường đánh bắt cách bờ chừng 2-3 hải lý. Ốc gạo sau khi khai thác chủ yếu bán cho các thương lái ở Phú Yên, Khánh Hòa, Đà Nẵng làm thức ăn nuôi tôm hùm.
Ốc lớn thì dùng nấu bán, ốc nhỏ bán cho các trại nuôi tôm hùm (Ảnh: Ngô Linh).
Những bao ốc được ướp đá lạnh để vận chuyển đi xa (Ảnh: Ngô Linh).