Trái chủ toàn cầu khó đòi 735 tỷ USD từ các nhà phát triển Trung Quốc

Các chủ nợ toàn cầu đang chuẩn bị cho một trận chiến kéo dài để thu hồi tiền từ nhà phát triển bất động sản Trung Quốc. Cuộc khủng hoảng bất động sản đang tiếp tục làm chao đảo thị trường trái phiếu nước ngoài trị giá 735 tỷ USD của quốc gia này trong năm thứ ba liên tiếp.

https://static1.businesstimes.com.sg/s3fs-public/styles/card_image_large_3x2/public/articles/2023/03/29/bt20230329property_1.jpg?itok=3kU-3zbk

Những người nắm giữ trái phiếu bằng đồng đô la đang tìm mọi cách để lấy lại tiền từ các nhà phát triển Trung Quốc. Tuy nhiên, nỗ lực của họ bị ngăn cản bởi quá trình tái cấu trúc nợ và kiện tụng kéo dài. Một số người đã yêu cầu các cơ quan quản lý nhà nước phải vào cuộc. Nhiều người khác thậm chí đã đệ đơn kiến nghị đóng cửa các doanh nghiệp bất động sản. Đây được coi là một hành động pháp lý đầy rủi ro và có thể phản tác dụng khi kích hoạt các vụ bán tháo trái phiếu với mức giá thấp hơn.

Bất chấp các thay đổi chính sách đang dần tỏ ra có hiệu quả, việc đề xuất tái cơ cấu nợ của “chúa Chổm” China Evergrande được thông qua vào tuần trước đang khiến các nhà đầu tư quan ngại rằng họ phải đợi rất nhiều năm mới có thể lấy lại tiền. Theo đó, nhà phát triển mắc nợ nhiều nhất Trung Quốc đã đề nghị hoán đổi trái phiếu cũ bằng lô trái phiếu mới với thời gian đáo hạn lên tới 12 năm. Công ty tài chính Nomura Holdings nhận định đề xuất trên, mặc dù có thể làm tiền đề cho những nhà phát triển khác, đang đặt ra một “tiêu chuẩn thấp” cho quá trình tái cơ cấu nợ của toàn ngành bất động sản Trung Quốc.

Cuộc chiến đòi lại tiền của các chủ nợ không chỉ làm nổi bật những thách thức mà các nhà đầu tư nước ngoài phải đối mặt tại thị trường tín dụng lớn thứ hai thế giới, mà còn cho thấy Bắc Kinh không có khả năng chấm dứt cuộc khủng hoảng đã đánh gục một số nhà phát triển lớn nhất bao gồm cả Evergrande. Theo Goldman Sachs Group, bất chấp hàng loạt biện pháp gần đây của chính phủ nhằm hỗ trợ lĩnh vực bất động sản, việc siết chặt thanh khoản kéo dài sẽ khiến nợ quá hạn tăng cao trong thời gian tới.

Theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp, các khoản nợ trái phiếu quá hạn ở nước ngoài của doanh nghiệp Trung Quốc đạt mức kỷ lục 46,5 tỷ USD vào năm 2022. Các công ty xây dựng đã vỡ nợ đối với hơn 140 trái phiếu vào năm ngoái, đồng thời không thanh toán được khoản nợ trái phiếu trị giá 50 tỷ USD cả ở trong nước và nước ngoài. Phần lớn các công ty này đã bị loại khỏi thị trường tín dụng.

Charles Chang, Giám đốc cấp cao tập đoàn S&P Global Ratings, cho biết: “Tình trạng vỡ nợ hàng loạt chưa từng có tiền lệ ở Trung Quốc suốt nhiều năm qua. Vì vậy thật khó để sử dụng các tiêu chuẩn trong quá khứ đối với trường hợp này”.

Trái phiếu đô la có lợi tức cao của Trung Quốc, chủ yếu là từ các nhà phát triển, đang trên đà tiến tới mức lỗ hàng tháng lớn nhất kể từ tháng 10 năm ngoái. Một phần nguyên nhân là do kinh tế khó phục hồi nhanh chóng. Hầu hết các trái phiếu của tập đoàn Evergrande đều có mệnh giá dưới 10 cent ngay cả sau kế hoạch cải tổ của chính phủ và doanh nghiệp, chứng tỏ xu hướng tăng giá khó xảy ra.

Mặc dù cuộc chiến thu hồi nợ không chỉ diễn ra với giới đầu tư vào Trung Quốc, nhưng quá trình tái cấu trúc toàn ngành, gánh nặng nợ khổng lồ cũng như sự phức tạp về pháp lý xuyên biên giới sẽ khiến con đường phục hồi của ngành bất động sản Trung Quốc rất dài và chông gai.

Evergrande đã khiến các chủ nợ ở nước ngoài lo lắng trong nhiều tháng trước khi trình bày kế hoạch tái cơ cấu nợ. Một đề xuất của tập đoàn này là thanh toán lãi cho các trái phiếu mới trong vòng 30 tháng đầu tiên, đồng nghĩa với việc Evergrande sẽ gánh khoản nợ lớn hơn.

Một số chuyên gia cho rằng kế hoạch của gã khổng lồ bất động sản có thể đưa ra lộ trình cho các nhà phát triển đang gặp khó khăn khác như Kaisa Group Holdings, Shimao Group Holdings và Sunac China Holdings.

Sunac đang xem xét thay thế các trái phiếu không có bảo đảm bằng khoản nợ mới đáo hạn sau 2 đến 9 năm, trong khi Tập đoàn Logan đang xem xét thời hạn 7 năm.

Jenny Zeng, Giám đốc đầu tư mảng thu nhập cố định tại châu Á của công ty Allianz Global Investors, cho biết: “Vẫn còn những trở ngại trong quá trình thực hiện tái cơ cấu nợ do quy mô và sự phức tạp trong cấu trúc vốn của hầu hết các nhà phát triển đã vỡ nợ. Đặc trưng của đầu tư xuyên biên giới cũng khiến mọi việc khó khăn hơn”.

Không giống như các nhà đầu tư nước ngoài, các chủ nợ trong nước gặp nhiều may mắn hơn. Các nhà phát triển đã cố gắng thực hiện nghĩa vụ thanh toán trong nước với thời gian ngắn hơn. Chẳng hạn, Evergrande đã thanh toán cho các trái chủ tại Trung Quốc suốt nhiều tháng kể từ khi bị vỡ nợ trái phiếu ở nước ngoài vào cuối năm 2021.

Hết kiên nhẫn

Một số chủ nợ ở nước ngoài đang hết kiên nhẫn.

Đầu tháng này, cố vấn pháp lý cho một nhóm trái chủ bằng đồng đô la của Tập đoàn Jinke Properties đã gửi một lá thư tới các cơ quan chức năng, nhờ họ giúp đỡ “giám sát việc trả nợ nước ngoài” sau khi không nhận được phản hồi từ công ty này. Bức thư được gửi tới Sở giao dịch chứng khoán Thâm Quyến, nơi Jinke được niêm yết, cơ quan tài chính và chi nhánh địa phương của cơ quan quản lý chứng khoán tại thành phố Trùng Khánh, nơi nhà phát triển này đặt trụ sở.

Sau đó, nhiều trái chủ thậm chí đã sử dụng các biện pháp mạnh tay hơn. Phổ biến nhất là nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản với các công ty bất động sản đang mắc nợ. Chủ nợ lớn và nhỏ đều có thể tiếp cận biện pháp này với các khoản nợ từ 10.000 đô la Hồng Kông (1.273 USD) tại tòa án ở Hồng Kông.

Những vụ kiện như trên, bắt đầu xuất hiện vào cuối năm ngoái, thường được sử dụng như một đòn bẩy để buộc các bên đi vay phải ngồi vào bàn đàm phán. Nhưng rủi ro chính của biện pháp này là việc bán thanh lý trái phiếu, có thể khiến chủ nợ thiệt hại nặng hơn. Vào tháng 10 năm 2022, một tòa án ở Hồng Kông đã ban hành lệnh giải thể một chi nhánh của Tập đoàn Yango theo các đơn kiện của trái chủ.

Hồng Kông đã trở thành một chiến trường pháp lý quan trọng đối với các chủ nợ toàn cầu đang tìm cách thu hồi tiền, vì thành phố này trước đây đóng vai trò là cửa ngõ để các tổ chức phát hành Trung Quốc tiếp cận thị trường nước ngoài. Các nhà phát triển đại lục phải đối mặt với các đơn kiện ở Hồng Kông bao gồm Evergrande và các đơn vị trực thuộc các tập đoàn Logan và Fantasia Holdings Group.

Mắc kẹt trong kiện tụng

Các đơn khởi kiện đòi mở thủ tục phá sản đã giúp một số ít chủ nợ đạt được thỏa hiệp, bao gồm trường hợp của Evergrande. Nhưng phần lớn trái chủ hiện đang mòn mỏi chờ đợi các phiên tòa. Quá trình kiện tụng đang tạo ra những rắc rối mới và làm chậm việc dàn xếp trả nợ giữa hai bên.

Yeung Man đã đệ đơn kiện Tập đoàn Quốc tế Jiayuan và đang đàm phán với công ty này để đạt được thỏa thuận trả nợ. Nhưng các chủ nợ khác đã yêu cầu cùng tham gia cuộc đàm phán này. Vì vậy, thẩm phán buộc Jiayuan phải vạch ra kế hoạch trả nợ cho toàn bộ chủ nợ. Kết quả là, Yeun mất đi cơ hội được trả nợ sớm.

Các nhà chức trách Trung Quốc đã công bố một loạt biện pháp nhằm nới lỏng thanh khoản trong lĩnh vực bất động sản, bao gồm giảm lãi suất thế chấp khi mua những ngôi nhà đầu tiên và bảo lãnh ớc đối với trái phiếu bằng đồng Nhân dân tệ của một số nhà xây dựng.

Các bước đi này đã khiến các trái chủ bằng đồng USD phản ứng gay gắt kể từ tháng 11/2022 đến tháng 01/2023, nhưng lại chưa thể giúp tăng giá nhà và giảm cuộc khủng hoảng tiền mặt trong lĩnh vực bất động sản.

Goldman dự đoán tỷ lệ vỡ nợ của các công ty bất động sản phát hành trái phiếu lợi suất cao của Trung Quốc sẽ chỉ giảm xuống 28% trong năm nay từ mức trên 40% vào năm 2022, do việc hỗ trợ thanh khoản của chính phủ có thể chỉ “hướng đến các nhà phát triển tốt hơn một cách không cân xứng”.

Tuy nhiên, chuyên gia Zeng của Allianz cho biết: “Chu kỳ vỡ nợ tín dụng thực sự đầu tiên mà Trung Quốc đang trải qua sẽ mang lại bức tranh rõ ràng hơn về quá trình tái cơ cấu và phục hồi của toàn ngành. Đồng thời, mở đường cho sự phát triển lành mạnh hơn của thị trường bất động sản Trung Quốc”.