TP.HCM sẽ có chính sách để phát triển nhà lưu trú công nhân

(Dân sinh) – Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi khẳng định: “TP.HCM đang tập trung và sẽ có chính sách đất đai, tín dụng để phát triển nhà lưu trú công nhân, hỗ trợ các nhà trọ, tăng khả năng tiếp cận với người lao động với giá cả phù hợp. TP sẽ tập trung hình thành nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân ở gần khu công nghiệp”.

Chiều ngày 6/5, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV TP.HCM phối hợp Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP.HCM tổ chức buổi tiếp xúc cử tri công nhân lao động đang làm việc trên địa bàn Quận 7 và Khu chế xuất Tân Thuận góp ý dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) và Luật Nhà ở (sửa đổi). Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, Trưởng Đoàn ĐBQH thành phố chủ trì buổi tiếp xúc.

Góp ý về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), đa số các đại biểu cho rằng, đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà lưu trú công nhân, cần quy định đối tượng công nhân, người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp đều được tiếp cận với chính sách hỗ trợ.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi trao quà cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn. (Ảnh: Thành uỷ TP.HCM).

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi trao quà cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn. (Ảnh: Thành uỷ TP.HCM).


Cử tri Nguyễn Văn Mỹ, Công ty Juki cho rằng, khi lập, phê duyệt quy hoạch đô thị, quy hoạch chi tiết xây dựng, quy hoạch phát triển khu công nghiệp, yêu cầu bắt buộc UBND cấp tỉnh căn cứ vào chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương trong từng thời kỳ phải bố trí quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội.

Đối với quy định đối tượng thụ hưởng chính sách nhà lưu trú công nhân, cử tri Nguyễn Văn Mỹ cho rằng cần bổ sung đối tượng công nhân ngoài khu công nghiệp.

Cử tri Nguyễn Tấn Thông, Công ty TNHH Mitel Việt Nam đề nghị bổ sung thêm đối tượng công nhân làm việc ngoài khu công nghiệp được hưởng chính sách nhà lưu trú cho công nhân.

Ngoài ra, cần xác định giá cho thuê nhà lưu trú công nhân phải phù hợp với thu nhập và mức sống của người lao động, giá thuê như lưu trú cho công nhân phải thấp hơn so với mặt bằng chung thuê nhà ở bên ngoài, không nên giao cho nhà đầu tư xác định giá, phải có sự can thiệp hỗ trợ thêm của nhà nước.

Cử tri Phan Thị Hồng Phượng, Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích Quận 7 góp ý tại buổi tiếp xúc.

Cử tri Phan Thị Hồng Phượng, Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích Quận 7 góp ý tại buổi tiếp xúc.


Tại buổi tiếp xúc, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến góp ý của công nhân lao động; đồng thời, sẽ tổng hợp và báo cáo đầy đủ đến Quốc hội. 

Trao đổi với cử tri, ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh, thời gian qua, TP đã nỗ lực đồng hành cùng doanh nghiệp, người lao động khi nguồn thu nhập bị ảnh hưởng. Trong thời gian tới, TP.HCM sẽ tiếp tục các hình thức hỗ trợ trực tiếp bằng tiền, hiện vật đối với những đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều.

Chủ tịch UBND TP yêu cầu Sở LĐ-TB&XH TP phối hợp LĐLĐ TP nghiên cứu, đề xuất chính sách này, nhất là công nhân ngừng việc, giảm thu nhập. Bên cạnh đó, ngành Công thương cùng các doanh nghiệp phối hợp LĐLĐ TP.HCM để tổ chức các chương trình phiên chợ công nhân, mang hàng bình ổn giá tới tay người lao động với giá chấp nhận được. 

 “TP.HCM đang tập trung và sẽ có chính sách đất đai, tín dụng để phát triển nhà lưu trú công nhân, hỗ trợ các nhà trọ, tăng khả năng tiếp cận với người lao động với giá cả phù hợp. TP sẽ tập trung hình thành nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân ở gần khu công nghiệp”, ông Phan Văn Mãi khẳng định.

Trao đổi về gói tín dụng 120 nghìn tỷ, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết đã làm việc với Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại để thúc giục công khai điều kiện, quy trình tiếp cận nhưng còn nhiều điểm vướng mắc.

Chủ tịch UBND TP.HCM cũng nêu thực trạng, nhiều công nhân trong một số trường hợp cần vài chục triệu để lo việc nhà hoặc việc đột xuất không thể vay được ai nên đã phải vay tín dụng đen. Do đó, UBND TP.HCM đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước thành phố nghiên cứu các chính sách thấu chi cho công nhân, người lao động.