TP.HCM đặt mục tiêu hằng năm giảm 4% tần suất tai nạn lao động chết người

(Dân sinh) – UBND TP.HCM đặt mục tiêu từ đây đến năm 2025, hằng năm giảm 4% tần suất tai nạn lao động chết người, và tăng thêm 5% số người lao động được khám bệnh nghề nghiệp.

UBND TP.HCM vừa ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện chương trình về an toàn, vệ sinh lao động giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn TP.HCM. 

Mục tiêu của chương trình là chăm lo cải thiện điều kiện làm việc; phòng ngừa tai nạn lao động (TNLĐ) và bệnh nghề nghiệp (BNN), chăm sóc sức khỏe người lao động; bảo đảm an toàn tính mạng cho người lao động, tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức, góp phần vào sự phát triển bền vững của TP. 

UBND TP cũng xác định mục tiêu đến năm 2025. Cụ thể như: Trung bình hằng năm, giảm 4% tần suất TNLĐ chết người; Trung bình hằng năm, tăng thêm 5% số người lao động được khám BNN; 5% số cơ sở được quan trắc môi trường lao động. 

Một công trình xây dựng trên địa bàn TP.HCM không đảm bảo ATLĐ.

Một công trình xây dựng trên địa bàn TP.HCM không đảm bảo ATLĐ.


Đồng thời, trên 90% số người làm công tác quản lý, chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động quận, huyện, TP Thủ Đức và trong các Ban Quản lý Khu công nghiệp, Khu chế xuất, Khu công nghệ cao, Khu nông nghiệp công nghệ cao được tập huấn nâng cao năng lực về an toàn, vệ sinh lao động; Trên 80% số người lao động làm các nghề, công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động được huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động; 90% số người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động được huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động. 

Bên cạnh đó, trên 90% số người làm công tác y tế cơ sở được huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động; Trên 80% các làng nghề, hợp tác xã có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được tiếp cận thông tin phù hợp về an toàn, vệ sinh lao động. 

Ngoài ra, 100% người bị TNLĐ, BNN được hưởng chế độ bồi thường, trợ cấp theo quy định của pháp luật; 100% số vụ TNLĐ chết người được khai báo, điều tra, xử lý theo quy định pháp luật. 

UBND TP cũng xác định nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp thực hiện cụ thể như: Hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật và nâng cao năng lực thanh tra, kiểm tra, giám sát, cung cấp dịch vụ công về an toàn, vệ sinh lao động. 

Đồng thời, tham gia góp ý, rà soát và đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật An toàn, vệ sinh lao động; các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia an toàn, vệ sinh lao động; tiêu chuẩn chẩn đoán, giám định BNN và hướng dẫn điều trị các BNN…

Bên cạnh đó, xây dựng, hoàn thiện và đầu tư, nâng cấp trang thiết bị, cơ sở vật chất và nhân lực cho các hệ thống thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác an toàn, vệ sinh lao động; quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa đặc thù an toàn lao động; quan trắc môi trường lao động; chuẩn đoán, giám định, điều trị và phục hồi chức năng cho người bị TNLĐ, BNN.

Năm 2022, trên địa bàn TP.HCM xảy ra 803 vụ TNLĐ với 832 người bị nạn, chỉ thấp hơn Đồng Nai (1655 vụ, 1671 người bị nạn). Tuy nhiên, số vụ TNLĐ chết người trên địa bàn TP lại cao nhất cả nước (83 vụ) và số người chết vì TNLĐ cũng dẫn đầu (86 người). 

Qua số liệu thống kế của năm 2022 cho thấy trên địa bàn TP.HCM lĩnh vực, ngành xảy ra TNLĐ làm chết người chủ yếu tập trung vào lĩnh vực xây dựng công trình nhà ở riêng lẻ. Nguyên nhân, hầu hết các doanh nghiệp thi công không có cơ cấu tổ chức chặt chẽ hoặc không có năng lực thi công công trình, thầu chính giao khoán cho thầu phụ hoặc cai thầu để thi công các công trình xây dựng nhà ở riêng lẻ, thuê mướn NLĐ tự do không có hợp đồng lao động, không được trang bị kiến thức ATVSLĐ cũng như các trang bị, phương tiện bảo hộ lao động.