Cùng tổng hợp tất cả những ngày lễ âm lịch quan trọng ở Việt Nam trong năm Quý Mão 2023 như Tết Nguyên đán, Giỗ tổ Hùng Vương, lễ Thất Tịch…
Bạn có biết bên cạnh những ngày lễ Dương lịch, Việt Nam còn sở hữu rất nhiều ngày lễ, Tết âm lịch mang đậm ý nghĩa văn hóa dân tộc, rất đáng được tôn vinh và gìn giữ! Cùng Bách hóa XANH khám phá ngay trong bài viết sau nhé!
1 Tổng hợp tất cả các ngày lễ âm lịch ở Việt Nam năm 2023
Tham khảo thêm: Lịch nghỉ lễ 2023 đầy đủ nhất.
2 Các ngày lễ âm lịch ở Việt Nam tháng 1
Tết Nguyên Đán 1/1
Tết Nguyên Đán là kỳ nghỉ lễ lớn và kéo dài nhất mỗi năm của nước ta. Đây không chỉ là dịp lễ lớn giúp mọi người mọi nhà có thời gian trở về bên nhau, đoàn viên đón năm mới mà còn là dịp lễ mang đậm dấu ấn truyền thống lâu đời, thể hiện rõ nét văn hóa – lịch sử của đất nước, con người Việt Nam.
Tết Nguyên Đán nhằm ngày 1 tháng 1 âm lịch hằng năm. Năm 2023, người dân được nghỉ Tết 7 ngày từ ngày 29 tháng Chạp năm Nhâm Dần đến hết ngày mùng 5 tháng Giêng năm Quý Mão (tức thứ Sáu ngày 20/1/2023 đến hết thứ Năm ngày 26/1/2023)
Tham khảo thêm: Tết Nguyên Đán là gì? Ý nghĩa và nguồn gốc Tết Nguyên Đán
Vía Thần tài 10/1
Tương truyền rằng ngày mùng 10 tháng 1 âm lịch là thời gian Thần tài trở thiên đình sau khoảng thời gian rơi xuống trần gian và bị mất đi trí nhớ. Khoảng thời gian ông mất trí nhớ khi ở nhân gian những ai đối xử tốt với ông đã được ông ban cho nhiều may mắn, tiền tài, giúp họ ăn nên làm ra, sự nghiệp phát đạt.
Chính vì thế người hạ giới đã chọn ngày mùng 10 Tết hàng năm làm ngày thờ cúng ông. Vào ngày này người dân thường đi mua vàng, trang sức, cá lóc nướng,.. để cúng ông Thần tài cầu xin tài lộc, may mắn trong kinh doanh. Ngày vía Thần tài nhằm ngày mùng 10 tháng 1 âm lịch năm Quý Mão tức 31/01/2023 dương lịch.
Tham khảo thêm: Ngày vía Thần Tài 2023 là ngày nào? Nên mua gì ngày vía Thần Tài?
Tết Nguyên Tiêu 15/1
Tết Nguyên Tiêu là lễ đêm rằm đầu tiên trong năm mới, là ngày lễ rất quan trọng với những Phật tử. Người Phật tử thường dâng mâm cỗ vào dịp rằm tháng Giêng để cầu phúc một năm bình an cũng như bày tỏ lòng thành kính dành cho Đức Phật.
Tết Nguyên Tiêu hay rằm tháng Giêng/lễ Thượng Nguyên nhằm ngày 15 tháng 1 âm lịch năm Quý Mão, tức 05/02/2023 dương lịch.
Tham khảo thêm: Tết Nguyên tiêu là Tết gì? Ý nghĩa ngày lễ Tết Nguyên tiêu
3Các ngày lễ âm lịch ở Việt Nam tháng 3
Tết Hàn thực 3/3
Tết Hàn thực là dịp để người trong gia đình bày tỏ lòng tôn kính, tưởng nhớ đến ông bà tổ tiên bằng cách dùng các loại bánh lạnh như bánh trôi, bánh chay. (“Hàn thực” dịch sát nghĩa là “thức ăn lạnh”)
Tết Hàn thực nhằm ngày 3 tháng 3 âm lịch năm Quý Mão, tức 22/04/2023 theo lịch dương.
Tham khảo thêm: Tết hàn thực là gì? Ý nghĩa của tết hàn thực trong văn hoá của người Việt
Giỗ Tổ Hùng Vương 10/3
Một trong những ngày lễ âm lịch quan trọng không thể thiếu trong danh sách này chính là lễ Giỗ Tổ Hùng Vương vào mùng 10 tháng 3 âm lịch hằng năm, nhằm ngày 29/04 năm 2023.
Giỗ Tổ Hùng Vương là dịp để nhắc nhớ người dân nước Việt khắc sâu lịch sử ngàn đời của dân tộc, ghi nhớ cội nguồn, từ đó giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa thiêng liêng được cha ông gây dựng ngàn đời qua.
Tham khảo thêm: Giỗ tổ Hùng Vương: Nguồn gốc, ý nghĩa ngày hội Quốc giỗ
4 Các ngày lễ âm lịch ở Việt Nam tháng 4
Lễ Phật đản 15/4
Lễ Phật Đản là dịp kỷ niệm ngày Đản sinh của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Việt Nam là một quốc gia có phần lớn người dân theo tín ngưỡng tôn giáo Phật giáo, ngày lễ Phật đản 15 tháng 4 là một ngày lễ âm lịch mang ý nghĩa văn hóa cực kỳ quan trọng đối với các Phật tử.
Lễ Phật Đản nhằm ngày 15 tháng 4 âm lịch hằng năm, nhằm ngày 02/06 năm 2023. Vào dịp ngày các tịnh xá, chùa chiền ở nước ta thường tổ chức lễ dâng hoa, tắm Phật, các buổi thuyết pháp dành cho Phật tử để tưởng nhớ Đức Phật cũng như truyền bá Phật pháp đến muôn người.
5 Các ngày lễ âm lịch ở Việt Nam tháng 5
Tết Đoan Ngọ 5/5
Tết Đoan Ngọ hay Tết Đoan Dương nhằm ngày 5 tháng 5 âm lịch hằng năm, tức ngày 22/06 năm 2023. Tết Đoan Ngọ còn sở hữu một tên gọi khác là “Tết diệt sâu bọ”, vào ngày này người dân người dâng cúng các loại hoa quả, bánh tro, chè trôi nước với quan niệm ăn những món này sẽ giúp mùa màng bội thu, diệt trừ mọi loài côn trùng, sâu bọ.
Tham khảo thêm: Tết Đoan Ngọ là gì? Tết Đoan Ngọ 2022 ngày nào? Nguồn gốc và ý nghĩa
6 Các ngày lễ âm lịch ở Việt Nam tháng 7
Lễ Thất tịch 7/7
Thất tịch được xem là ngày lễ tình yêu của phương Đông, gắn liền với câu chuyện tình cảm động của chàng Ngưu Lang và nàng Chức Nữ, hay “Ông Ngâu Bà Ngâu” theo dân gian Việt Nam. Lễ Thất tịch diễn ra vào ngày 7 tháng 7 âm lịch hằng năm, nhằm ngày 22/08 năm 2023.
Tham khảo thêm: Lễ Thất Tịch ăn chè đậu đỏ – FA thoát ế, có đôi có cặp bên nhau trọn kiếp
Lễ Vu Lan 15/7
Vu Lan là ngày lễ quan trọng nhất đối với Phật giáo, nhất là Phật giáo Bắc Tông. Đây là dịp con cái bày tỏ lòng hiếu kinh dành cho bậc sinh thành, dưỡng dục mình. Nhiều ngôi chùa tổ chức lễ cài hoa hồng lên áo để nhắc nhớ con cái ghi sâu công ơn cha mẹ cũng như tạo cơ hội cho những người con có dịp bày tỏ bằng lời nói hay hành động thể hiện tình cảm của mình dành cho bậc sinh thành.
Lễ Vu Lan diễn ra vào ngày 15 tháng 7 âm lịch hằng năm, nhằm ngày 30/08 năm 2023, bên cạnh lễ cài hoa lên áo, người Phật tử thường ăn chay, cúng chùa hay thả đèn hoa đăng cầu phúc vào ngày này.
7 Các ngày lễ âm lịch ở Việt Nam tháng 8
Tết Trung thu 15/8
Tết Trung thu hay Tết thiếu nhi là ngày tết cổ truyền dân tộc của Việt Nam ta. Đây là dịp các bạn nhỏ được vui chơi rước đèn, ăn cổ, tham gia ca múa cùng bạn bè và gia đình. Tết Trung thu diễn ra vào rằm tháng 8 hằng năm, tức 29/09 năm 2023.
8 Các ngày lễ âm lịch ở Việt Nam tháng 9
Tết Cửu Trùng 9/9
“Cửu Trùng” tức sự lặp lại của hai con số 9. Trong văn hóa dân gian, số 9 đại diện cho sự trường thọ, là ngày lễ dành cho các bậc cao tuổi. Theo thời gian, ngày Tết Cửu Trùng đang dần mờ nhạt đi giữ dòng lịch sử dân tộc, rất ít người trẻ ngày nay biết về ngày lễ này. Tết Cửu Trùng diễn ra vào 9 tháng 9 âm lịch hằng năm, tức 29/09 dương lịch năm 2023.
9Các ngày lễ âm lịch ở Việt Nam tháng 10
Tết Thường Tân 10/10
Lễ mừng mùa gặt lúa của người nông dân được gọi là Tết Thường Tân, là dịp người nông dân tưởng nhớ đến tiên nông đã ban cho sự được mùa, no ấm. Tết Thường Tân diễn ra vào ngày 10 tháng 10 âm lịch, rơi vào ngày 22 /11 theo lịch dương năm 2023.
Tham khảo thêm: Tết Thường Tân là gì? Các hoạt động và ý nghĩa của ngày Tết Thường Tân
Tết Hạ Nguyên 15/10
Tết Hạ Nguyên là một dịp lễ khá cổ xưa, dân gian tương truyền rằng ngày rằm tháng 10 âm lịch hằng năm, các vị thần trên thiên đình sẽ xuống dân gian thăm thú và xem xét những việc thiện ác rồi về trời bẩm báo lại Ngọc Hoàng.
Người dân thường mua quà bánh biếu ông bà, cha mẹ, dâng mâm cơm lên tổ tiên vào dịp này để bày tỏ lòng biết ơn công đức sinh thành, dưỡng dục. Tết Hạ Nguyên nhằm ngày 15 tháng 10 âm lịch, tức 27/11 năm 2023 theo lịch dương.
Tham khảo thêm: Tết Hạ Nguyên là gì? Nguồn gốc và ý nghĩa của tết Hạ Nguyên
9 Các ngày lễ âm lịch ở Việt Nam tháng 12
Tết ông Công ông Táo 23/12
Là ngày lễ truyền thống gắn liền với dịp Tết Nguyên Đán mỗi năm, Tết ông Công ông Táo nhằm ngày 23 tháng Chạp hằng năm là dịp người dân tiễn ông Công ông Táo về trời bằng cách thả cá chép, bày mâm cúng bánh in với hy vọng các ông trình báo những điều tốt đẹp đến thiên đình, cầu cho gia đình ấm no, hạnh phúc.
Tham khảo thêm: Tết ông Công ông Táo là gì? Nghi thức cúng ông Công ông Táo đầy đủ nhất.
Hy vọng bài viết trên đã cung cấp đến bạn thông tin cụ thể nhất về những ngày lễ âm lịch ở Việt Nam trong năm 2023. Đừng quên theo dõi Bách hóa XANH thường xuyên để cập nhật những tin tức hữu ích cho cuộc sống mỗi ngày nhé!
Có thể bạn quan tâm:
Mua nước ngọt các loại tại Bách hóa XANH nhé:
Bách hóa XANH