Mỗi năm lao động ở nước ngoài gửi về hơn 500 triệu USD
Theo báo cáo của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh Nghệ An, năm 2022, địa phương này có 24.560 người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt 181,25% kế hoạch và tăng hơn gấp đôi so với năm 2021. Chỉ tính 11 huyện miền núi, công tác đưa người đi nước ngoài làm việc đạt 7.643 người, chiếm khoảng 1/3 số lao động đi nước ngoài làm việc của toàn tỉnh.
Tỉ lệ lao động Nghệ An đi làm việc ở nước ngoài có thời hạn theo hợp đồng đã qua đào tạo không ngừng tăng lên, chiếm 60% (Ảnh: Trường CĐ Việt – Hàn).
Theo ông Trần Phi Hùng, Trưởng phòng an toàn lao động – việc làm, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nghệ An, người lao động đi làm việc tập trung ở các thị trường truyền thống như: Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đông Âu. Năm 2022 một số thị trường mới ở Đông Âu cũng có những chuyển biến tích cực, đặc biệt là thị trường lao động ở Rumani, Hungari…
Thống kê cho thấy, trình độ, tỉ lệ lao động Nghệ An đi làm việc ở nước ngoài có thời hạn theo hợp đồng đã qua đào tạo không ngừng tăng lên. Lao động có tay nghề chiếm khoảng 60%, tập trung vào các nghề cơ khí, hàn, thợ giàn giáo, ốp lát, may mặc, điện tử, điện lạnh, điều dưỡng, hộ lý… Đáng lưu ý, khoảng 6% lao động có trình độ cao đẳng trở lên cũng tham gia vào thị trường lao động ngoài nước, tập trung vào các ngành như: Kỹ sư xây dựng, kỹ sư cơ khí, chế tạo máy, tin học và điều dưỡng viên…
Công tác tư vấn, tuyển dụng, đưa lao động các huyện miền núi ở Nghệ An đi làm việc ở nước ngoài đạt được nhiều kết quả (Ảnh: H.L).
“Với số lượng trên 75.000 người hiện tại đang làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, Nghệ An là một trong những địa phương đứng đầu trong cả nước trên lĩnh vực này. Mức thu nhập bình quân 17-35 triệu đồng/người/tháng, bình quân hàng năm số ngoại tệ mà người lao động Nghệ An đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng gửi về nước cho người thân, gia đình khoảng 500-550 triệu USD”, ông Trần Phi Hùng thông tin.
Nhiều người lao động sau khi làm việc ở nước ngoài về nước có tay nghề cao, tiếp tục vào làm việc tại các doanh nghiệp FDI, có mức thu nhập cao và ổn định.
Chuẩn bị nguồn lao động trước khi xuất cảnh
Trong năm 2023, tỉnh Nghệ An đề ra mục tiêu giải quyết việc làm mới cho khoảng 43.000 lao động, trong đó đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 14.500 người.
Mặc dù công tác đưa người đi làm việc ở nước ngoài đạt được nhiều kết quả vượt bậc, tuy nhiên trong lĩnh vực này vẫn đang có một số tồn tại, hạn chế.
Công tác liên kết, hợp tác đào tạo, tuyển dụng lao động giữa các cơ sở đào tạo trong tỉnh và doanh nghiệp nước ngoài đang được đẩy mạnh (Ảnh: Trường CĐ Việt – Hàn).
Cụ thể, việc kết nối cung – cầu về lao động – việc làm giữa doanh nghiệp và người lao động chưa gắn kết chặt chẽ; thông tin các chính sách, pháp luật về lao động đến người lao động còn hạn chế; mặt bằng trình độ tay nghề người lao động còn thấp, lao động phổ thông chưa qua đào tạo còn lớn. Công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng ở một số địa phương, nhất là miền núi kết quả chưa cao, chưa phát huy hết khả năng.
Hiện tượng người dân tự ý hoặc thông qua môi giới đưa sang một số nước như: Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia… làm việc, cư trú bất hợp pháp bằng hình thức đi du lịch, thăm người thân đã gây thiệt hại cho người lao động và công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trên địa bàn tỉnh.
Thời điểm này, Nghệ An đang có 3 địa phương bị Chính phủ Hàn Quốc tạm dừng tiếp nhận lao động theo chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài do có số lao động bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp sau khi hết hợp đồng.
Tỉnh Nghệ An đang tích cực làm tốt công tác chuẩn bị nguồn, nâng cao tay nghề, trình độ, kỹ năng lao động đáp ứng yêu cầu thị trường ngoài nước (Ảnh: Trường CĐ Việt – Hàn).
Mới đây, tại hội nghị triển khai công tác giải quyết việc làm và đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2023, ông Bùi Đình Long – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An yêu cầu ngành lao động và các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Bên cạnh mở rộng khai thác và phát triển thị trường xuất khẩu lao động theo hướng duy trì các thị trường truyền thống có việc làm và thu nhập ổn định, Phó Chủ tịch tỉnh Nghệ An lưu ý khai thác một số thị trường mới có nhiều tiềm năng, có việc làm ổn định, thu nhập cao và đưa được nhiều người lao động đi hơn so với hiện nay.
Ông Bùi Đình Long yêu cầu thực hiện tốt công tác chuẩn bị nguồn lao động trước khi xuất cảnh; tập trung đào tạo, nâng cao chất lượng lao động Nghệ An đáp ứng yêu cầu thị trường lao động các nước sử dụng lao động Việt Nam. Trong đó, chú trọng đến các yếu tố về kỹ năng tay nghề, trình độ ngoại ngữ, kinh nghiệm làm việc, tác phong công nghiệp, ý thức chấp hành kỷ luật và định hướng kiến thức cần thiết trước khi xuất cảnh.