Lời tòa soạn
Sự phát triển của khoa học công nghệ và mạng xã hội hiện mang lại cơ hội nghề nghiệp, công việc mới mẻ, đa dạng. Thực tế, nhiều bạn trẻ ở độ tuổi 18-25 đã bắt đầu làm việc và tạo ra thu nhập tiền tỷ.
Dân trí thực hiện loạt bài CHUYỆN NGHỀ, kể về những công việc mới mẻ, thời thượng lẫn những góc khuất của những nghề nghiệp tưởng chừng quen thuộc mà ít người thấu hiểu. Từ chính trải nghiệm của “người trong cuộc”, CHUYỆN NGHỀ mong muốn mang lại góc nhìn khách quan, để độc giả khám phá những câu chuyện thú vị, tự vén những bức màn đằng sau ánh hào quang của những người trong nghề.
TikToker thu nhập tiền tỷ mỗi tháng, livestream đến khàn giọng, chấp nhận bị chửi bới, miệt thị
Livestream 24 giờ đồng hồ, làm việc liên tục 3-4 ngày, trò chuyện đến khàn giọng, chấp nhận bị chửi bới, body-shaming (miệt thị ngoại hình)… Có hàng nghìn nỗi khổ sau thu nhập trăm triệu đến cả tỷ đồng từ nghề làm TikToker.
Ngày nay, mạng xã hội tạo ra môi trường mở, bình đẳng giúp nhiều bạn trẻ tạo ra thu nhập lớn, có cuộc sống đáng mơ ước ở cả thế giới ảo lẫn thực. Chỉ trong vòng 5 năm, TikTok – một ứng dụng mạng xã hội từ Trung Quốc đã trở thành đối thủ đáng gờm với các ông lớn như Facebook, Youtube, Instagram.
Chính sự phát triển bùng nổ của nền tảng mạng xã hội TikTok đã tạo ra hàng triệu nhà sáng tạo nội dung, hay còn gọi là TikToker, với thu nhập “khủng”. Thế nhưng, sự thực mảnh đất màu mỡ này có đang là “thiên đường”?
Thu nhập tiền tỉ là có thật!
Trước tết Nguyên đán, lần đầu tiên TikToker Phạm Thoại tổ chức buổi livestream liên tục suốt 24 tiếng đồng hồ, xác lập nhiều kỷ lục bán hàng. Trong đó, chỉ với 12 tiếng đầu tiên, anh chàng hút được 3 triệu lượt xem, 22 triệu lượt yêu thích và đạt gần 50.000 đơn hàng.
Ngay sau đó, Phạm Thoại đã khoe hình ảnh ngôi nhà khang trang do bản thân xây dựng cho gia đình tại quê nhà. Đồng thời, trong một bài viết trên mạng xã hội, anh chàng cũng từng gây sốc khi chia sẻ mức thu nhập trung bình lên đến 1,2 tỷ đồng/tháng.
Sau nhiều năm phấn đấu, TikToker Phạm Thoại đã xây được nhà cho mẹ (Ảnh: Facebook nhân vật).
Giống như Thoại, nhiều bạn trẻ từ khi tham gia hoạt động sáng tạo trên nền tảng này cũng đã có cuộc sống bước sang trang mới. Vào tháng 7/2022, Soy Y Tiết – chàng “TikToker chăn bò” khoe cơ ngơi, nội thất được sắm sửa gần 1 tỷ đồng. Lộc Fuho tên thật là Phạm Văn Lộc (SN 1994), từng sinh ra trong gia đình nghèo khó, theo mẹ phụ hộ mưu sinh cũng đã “đổi đời” nhờ các clip quay công việc và đời sống thường nhật của mình. Cuối tháng 3/2022, vợ chồng TikToker này đã tậu chiếc xe hơi có giá khoảng 700 triệu đồng.
Bên cạnh thông tin về mức thu nhập khủng, nhiều bạn trẻ thuộc thế hệ GenZ có nhiều cơ hội hơn cho nghề nghiệp tương lai. Ví như, trường hợp của TikToker Tun Phạm, hiện đã lấn sang làm MC, CEO, diễn viên hay hiện tượng viral (nổi tiếng, gây sốt-PV) nhất phải kể đến nữ TikToker Trần Thanh Tâm (SN 2000), đang sở hữu gần 4 triệu lượt theo dõi.
Từ một nữ sinh bình thường tại Đắk Lắk, nữ TikToker bất ngờ nổi lên với biệt danh “hot girl trứng rán” khi các clip thả thính cô gái thực hiện bắt đầu phổ biến và được nhiều bạn trẻ thực hiện theo. Nữ TikToker chia sẻ, tất cả đến một cách bất ngờ và khá may mắn, bởi ban đầu cô không hề có ý định xem hoạt động này là một công việc.
Clip “thả thính” trứng rán cần mỡ của Thanh Tâm đã biến cô trở thành hiện tượng, và có cuộc sống mới (Ảnh chụp màn hình).
Chia sẻ với PV báo Dân trí, Trần Thanh Tâm cho biết, sau trở nên nổi tiếng, cô đã chuyển vào TPHCM để đầu tư cho công việc. Với việc xem TikTok là một kênh kiếm tiền, cô đã chỉn chu hơn trong đầu tư hình ảnh, video và chất xám của bản thân. Đến nay, sau một thời gian, Thanh Tâm đã có cuộc sống ổn định, đồng thời lấn sân sang nhiều lĩnh vực hoạt động như người mẫu, diễn viên, MC, dancer… nhờ tên tuổi luôn được cộng đồng mạng quan tâm, theo dõi.
Về mức thu nhập lên đến hàng tỷ đồng mỗi tháng của các TikToker, Trần Thanh Tâm xác nhận điều đó là hoàn toàn có thể nếu làm việc hết công suất, cả đêm lẫn ngày, đặc biệt là với những kênh TikTok hàng triệu lượt theo dõi.
“Bên cạnh việc nhận quảng cáo, TikToker tạo được thu nhập từ việc bán hàng. Bản thân mình hiện tại chưa đạt mức tiền tỷ vì còn muốn phát triển một cách chỉn chu, đầu tư thực chất. Nhưng trong tương lai, mình mong và sẽ phấn đấu để thực hiện được điều đó” – Thanh Tâm chia sẻ.
Những clip hài hước của anh chàng “TikToker chăn bò” nổi tiếng trên khắp thế giới (Ảnh: Facebook nhân vật).
Kiếm tiền “khủng” cũng vẫn nhịn đói, ăn mì gói qua ngày!
Thông tin những người chơi kiếm được thu nhập “khủng” khiến TikTok trở thành mảnh đất màu mỡ thu hút các nhà sáng tạo nội dung, nhất là các bạn trẻ thế hệ GenZ. Thế nhưng, theo TikToker Trần Thanh Tâm, mọi chuyện không hề dễ dàng như mọi người nghĩ.
Theo đó, những nhà sáng tạo nội dung phải làm việc liên tục, tư duy, đầu tư chất xám, nghiên cứu bắt trend, dành phần lớn thời gian của bản thân để quay clip, dựng video, lên ý tưởng kịch bản… mới tạo ra được những món ăn “đúng ý” người dùng. Thực tế, TikTok hiện đang kiếm tiền từ 2 nguồn chủ yếu là bán hàng và mời gọi quảng cáo. Vì vậy, với những kênh có lượng tương tác thấp thì việc duy trì kinh tế khá khó khăn.
Thanh Tâm chia sẻ từng có thời điểm cô phải ăn mỳ gói cầm chừng (Ảnh: NVCC).
“Tâm không nhớ chính xác, nhưng khoảng thời gian mình đặt chân lên Sài Gòn, mỗi công việc chỉ kiếm được tầm 200.000 đồng đến 500.000 đồng. Đến hiện giờ thì thu nhập vẫn không ổn định theo tháng, chưa kể là phải tốn thêm chi phí quản lý, trang phục, quay dựng… Vì vậy, có những tháng mình vẫn buộc phải nhịn đói, ăn mì gói qua ngày” – nữ TikToker chia sẻ.
Trần Thị Thu Trang (SN 2003, chủ của kênh TikTok 5,1 triệu người theo dõi) cho biết, nhờ những clip quay cuộc sống bản thân được biết tới, cô đã quyết định lên TPHCM để theo đuổi nghề nghiệp. Thế nhưng, phải mất 1 năm rưỡi làm TikToker, cô mới bắt đầu có kinh tế.
“Ban đầu chưa kiếm ra thu nhập, không biết mình phải làm gì tiếp theo trong khi mức sống ở trung tâm thành phố rất đắt đỏ khiến mình đã từng nản, có suy nghĩ về với mẹ. Thường để sản xuất mỗi clip, chi phí tầm khoảng 2-3 triệu đồng, đề tiết kiệm, mình phải tận dụng toàn bộ thời gian, tự học cách quay dựng, biên tập, lên kịch bản…” – Thu Trang kể.
Hiện tại, để duy trì lượt tương tác ổn định và mức kinh tế mong muốn, mỗi nội dung đưa lên, Thu Trang phải làm liên tục 3 ngày không nghỉ. Trong đó, cô bạn trẻ dùng một ngày chỉnh sửa hình ảnh, một ngày quay phim và một ngày lên lịch trình với đối tác. Đồng thời, cô cũng phải bỏ nhiều chi phí hơn nhằm làm nên sản phẩm chỉn chu hơn với mỗi video của mình, để hướng tới người dùng ngoại quốc.
Thu Trang từng có suy nghĩ bỏ nghề, quay trở về với mẹ sau vài tháng không tìm được thu nhập (Ảnh: NVCC).
Livestream khàn giọng, vắt kiệt chất xám, “ăn gạch đá”…
Thừa nhận TikTok mang lại cho bản thân cuộc sống tốt hơn, nhưng Trần Thị Thu Trang đã rất nhiều lần muốn từ bỏ nghề. Nàng TikToker chia sẻ, đây là một công việc đòi hỏi rất nhiều chất xám, sự học hỏi, đổi mới, bắt trend liên tục. Vì vậy, không ít lần cô nàng đã rơi vào trạng thái áp lực, stress.
“Có thời điểm, kênh của mình lượt xem tăng nhưng người theo dõi đứng im, buộc mình phải thắc mắc, thay đổi chiến lược phát triển. Đôi khi trong đầu đã cạn cả ý tưởng nhưng vì khách hàng, mình được cổ vũ để tiếp tục sáng tạo. Một điều tích cực khi làm TikToker là người làm sáng tạo được trao nhiều cơ hội hơn, đó vừa là thuận lợi và vừa là thách thức đối với mỗi người trong cuộc chơi này” – Thu Trang nói.
Đồng quan điểm, Trần Thanh Tâm cho biết, cuộc sống của người nổi tiếng có hào quang, nhận nhiều yêu mến nhưng cũng mang theo vô vàn tiêu cực. Ngay sau sự phổ biến mạnh mẽ của video “thả thính”, cô nàng đã nhận không ít sự chỉ trích, cười cợt, body-shaming.
“Nếu nói chưa bao giờ stress thì là nói dối. Bởi vì khi đã trở thành người của công chúng, đón nhận nhiều lượt xem hơn, đồng nghĩa với việc mình đánh đổi nhiều thứ, cũng như khả năng cao nhận những ý kiến trái chiều. Nhiều lúc mình livestream liên tục đến khàn giọng nhưng vẫn phải cố gắng vì thực sự muốn nghiêm túc với nghề” – Thanh Tâm bộc bạch.
Nhận định về nghề này trong tương lai, cả 2 nữ TikToker đều cho rằng, đây là thị trường tiềm năng và sẽ cạnh tranh ngày càng khốc liệt hơn.
“TikTok hiện đang là nền tảng thuận lợi cho mỗi người thỏa sức sáng tạo, hỗ trợ rất các bạn trẻ phát triển đam mê. Thế nhưng giống như các mạng xã hội khác, nó cũng đang dần trở nên bão hòa theo thời gian. Mình mong rằng mọi người chọn đúng hướng, nội dung hay để có thể đi lâu dài và bền vững trên nền tảng này” – Thanh Tâm nói.
Nội dung: Huy Hậu
Ảnh: NVCC
17/02/2023