“Tiếp sức” cho nền kinh tế

Biên phòng – Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Chính phủ đề xuất Quốc hội tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) theo quy định của Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian từ ngày 1/7/2023 đến hết ngày 31/12/2023.


Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Chính phủ đề xuất Quốc hội tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng. Ảnh: TTXVN

Theo đó, giảm 2% thuế GTGT, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hóa chất, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Giải trình cho đề xuất trên, Bộ Tài chính nhấn mạnh, phương án giảm thuế nhằm bảo đảm đúng mục tiêu kích cầu tiêu dùng, phù hợp với bối cảnh kinh tế hiện nay, qua đó thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh sớm phục hồi và phát triển, đóng góp trở lại cho nền kinh tế.

Thực tế, đợt giảm thuế GTGT năm 2022 với tổng giá trị tiền thuế, tiền thuê đất, phí, lệ phí hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân lên tới 233 nghìn tỷ đồng đã tác động tích cực ngay tới hoạt động của doanh nghiệp, người dân, “tiếp sức” cho doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch.

Trong đó, khoảng 44,5 nghìn tỷ đồng giảm thuế GTGT đã góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, từ đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, góp phần kích cầu tiêu dùng, tạo thêm nguồn thu cho ngân sách Nhà nước (NSNN). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2022 tăng 19,8% so với năm trước, thu thuế GTGT nội địa không giảm mà tăng 10% so với cùng kỳ.

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm, tăng trưởng GDP của Việt Nam trong quý I/2023 chỉ đạt 3,32%. Dự báo cả quý II và quý III/2023, hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ vẫn còn khó khăn. Thế nên, giảm 2% thuế GTGT là chính sách rất kịp thời, thiết thực để cộng đồng doanh nghiệp có thêm nguồn lực, lấy lại đà tăng trưởng trong điều kiện nền kinh tế đang khó khăn.

Mặt khác, chính sách giảm thuế là giải pháp hữu hiệu tạo và nuôi dưỡng nguồn thu bền vững cho NSNN nhờ tác động trực tiếp thúc đẩy tiêu dùng của thị trường trong nước với quy mô 100 triệu dân. Bên cạnh đó, khi doanh nghiệp tiêu thụ được sản phẩm, tạo thu nhập ổn định cho người lao động, sẽ giảm bớt áp lực từ ngân sách chi cho an sinh xã hội, hỗ trợ người dân nói chung và người lao động nói riêng.

Chính phủ dự kiến số giảm thu NSNN năm 2023 do giảm thuế GTGT khoảng 24 nghìn tỷ đồng, cùng với giảm thu ngân sách khoảng 3,5 nghìn tỷ đồng từ giảm tiền thuê đất phải nộp của năm 2023. Tuy nhiên, Chính phủ cũng đưa ra các phương án, giải pháp bù đắp các khoản giảm thu rất cụ thể, các đại biểu Quốc hội tin tưởng sẽ bảo đảm nhiệm vụ thu và khả năng cân đối của ngân sách trong phạm vi bội chi NSNN 2023 đã được Quốc hội thông qua.

Bộ Tài chính dự báo GDP tăng 0,16% thông qua kích cầu tiêu dùng cuối cùng; đồng thời tác động lan tỏa đến sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập sẽ dẫn tới GDP tăng 0,64%, tổng tác động của giải pháp sẽ thúc đẩy GDP tăng 0,8% và giúp kiểm soát lạm phát tốt hơn.

Để tránh gây ứ đọng vốn và ảnh hưởng đến dòng tiền của doanh nghiệp, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ khẩn trương tháo gỡ các vướng mắc trong công tác hoàn thuế GTGT cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu. Ngoài ra, để bảo đảm sự ổn định, chủ động trong thực hiện và đủ thời gian để chính sách giảm 2% thuế GTGT phát huy hiệu quả, Chính phủ cân nhắc kéo dài thời gian áp dụng để chính sách đạt được các mục tiêu đặt ra.

Hoàng Lâm