Bình quân tiền lương tính đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc năm 2021 gần 5,7 triệu đồng, tăng hàng năm chủ yếu do điều chỉnh lương tối thiểu.
Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, bình quân tiền lương tính đóng BHXH bắt buộc năm 2021 đã tăng 13% so với mức 4,3 triệu đồng năm 2016 – năm đầu tiên Luật Bảo hiểm xã hội 2014 có hiệu lực.
Trong doanh nghiệp, tiền lương tính đóng của lao động công ty nhà nước (nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ) đạt 6,6 triệu đồng; lao động doanh nghiệp góp vốn nhà nước 6,1 triệu và lao động công ty dân doanh 5,1 triệu đồng.
Bình quân tiền lương đóng BHXH của người nước ngoài làm việc tại Việt Nam thuộc nhóm cao nhất, gần 18,1 triệu đồng; thấp nhất là cán bộ không chuyên trách cấp xã đóng bằng lương cơ sở 1,49 triệu đồng.
Tiền đóng khu vực BHXH tự nguyện ghi nhận sự sụt giảm, từ 2,06 năm 2016 xuống còn 1,28 triệu đồng vào năm 2021. Ở khu vực này, mức đóng bằng 22% mức thu nhập do người lao động tự chọn, thấp nhất bằng mức chuẩn nghèo khu vực nông thôn và tối đa bằng 20 lần lương cơ sở. Ngân sách nhà nước hỗ trợ 10% mức đóng tính trên thu nhập tháng bằng chuẩn nghèo khu vực nông thôn.
Lương hưu cao hay thấp ngoài thời gian đóng còn phụ thuộc vào mức đóng BHXH. Theo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH tăng, nhưng không đáng kể dù năm 2016 bắt đầu thực hiện quy định tiền đóng gồm lương, phụ cấp lương, từ năm 2018 thêm các khoản bổ sung khác. Mức tăng chủ yếu nhích theo đà điều chỉnh của lương tối thiểu vùng.
Doanh nghiệp hiện tồn tại ba loại thu nhập: Làm căn cứ đóng BHXH, thu nhập thực hiện quyết toán và thu nhập thực tế trả cho lao động. Trong ba loại này thì thu nhập làm căn cứ đóng BHXH thấp nhất, bằng lương tối thiểu vùng cộng 7% với lao động đã qua đào tạo nghề hoặc công việc độc hại nguy hiểm. Điều này sẽ ảnh hưởng tới lương hưu và các chế độ khi người lao động đến tuổi nghỉ hưu.
Nhằm cải thiện tình hình, trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi đang lấy ý kiến, cơ quan chuyên môn đề xuất hai phương án tiền lương làm căn cứ đóng BHXH hàng tháng, áp dụng với lao động khu vực doanh nghiệp trả lương tối thiểu vùng.
Phương án một giữ nguyên quy định hiện hành, tiền lương làm căn cứ đóng BHXH gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác được xác định bằng mức tiền cụ thể ghi trong hợp đồng lao động. Theo phương án này, mức lương, phụ cấp và các khoản bổ sung khác đều đã xác định từ trước, như phụ cấp chức vụ vài trăm nghìn đồng mỗi tháng. Những khoản biến động trong quá trình làm việc của lao động chưa được tính đóng.
Phương án hai, căn cứ đóng là tiền lương tháng bao gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung theo quy định của Bộ luật Lao động. Theo phương án này, tiền được tính đóng bao gồm cả khoản xác định được trước lẫn biến động trong quá trình làm việc của lao động. Như vậy, nền tiền lương đóng BHXH của người lao động sẽ được nâng lên để hưởng lương hưu cao hơn. Tiền lương đóng BHXH không bao gồm tiền thưởng, các khoản hỗ trợ và trợ cấp không liên quan đến thực hiện công việc hoặc chức danh trong hợp đồng.
Hết tháng 1/2023, cả nước có hơn 17,2 triệu người tham gia BHXH, trong đó khoảng 15,8 triệu người thuộc khu vực bắt buộc và 1,4 triệu người đóng BHXH tự nguyện, bao phủ 38% lực lượng lao động trong độ tuổi.
Hồng Chiêu