Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai phát biểu chỉ đạo. Ảnh: Minh Đức/TTXVN
Ủy viên Bộ chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa dự và quán triệt tại hội nghị.
Tại hội nghị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai thông tin và định hướng chung những vấn đề về người cao tuổi Việt Nam; đánh giá vai trò của người cao tuổi trong xã hội, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với người cao tuổi. Đặc biệt, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai nhấn mạnh vấn đề già hóa dân số ở Việt Nam đang diễn ra rất nhanh. Cả nước hiện có trên 11,4 triệu người cao tuổi, chiếm khoảng 12% dân số. Tình trạng già hóa dân số gia tăng nhanh chóng đặt ra nhiều thách thức trong việc đảm bảo chất lượng cuộc sống của người cao tuổi theo phương châm “sống vui, sống khỏe, sống có ích”. Bên cạnh đó, sự phát triển của thời đại công nghệ số, cuộc sống xã hội hiện đại cũng tạo nên nhiều khó khăn đối với người cao tuổi trong việc thích ứng, hòa nhập…
Quán triệt chuyên đề “Những vấn đề về người cao tuổi Việt Nam”, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai nêu rõ các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người cao tuổi trong thời gian qua như vấn đề lao động, việc làm, chăm sóc sức khỏe, phát huy vai trò người cao tuổi, chế độ phúc lợi xã hội, công trình giao thông…
Theo Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai, hệ thống an sinh càng rộng thì càng có cơ hội cho người cao tuổi, nhất là chính sách hỗ trợ, động viên người cao tuổi. Đồng thời đề nghị Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Hội Người cao tuổi Việt Nam tiếp tục nghiên cứu, đề xuất, tham mưu trong quá trình sửa đổi, nên xem xem xét là chính sách đại trà hay chỉ tập trung vào những người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn nhất…
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Minh Đức/TTXVN
Hội Người cao tuổi các cấp phải chủ động phối hợp với cấp ủy, các ngành tiếp tục triển khai thực hiện và sớm có chủ trương, chính sách nhằm bảo vệ, phát huy vai trò người cao tuổi, chăm sóc người cao tuổi ngày càng tốt hơn về sức khỏe, đời sống vật chất và tinh thần; tạo động lực để người cao tuổi cả nước tiếp tục đóng góp, phát huy trí tuệ, kinh nghiệm, nêu gương sáng trong phong trào thi đua “Tuổi cao, gương sáng”. Đặc biệt, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai nhấn mạnh: Tuổi thọ khỏe mạnh mới là mục tiêu sống quan trọng của người cao tuổi trong thời gian tới.
Cụ thể, Chương trình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến năm 2030 đề ra những mục tiêu cụ thể như: Lập hồ sơ theo dõi sức khỏe; khám sức khỏe định kỳ hàng năm; phát hiện, quản lý, điều trị các bệnh không lây nhiễm (ung thư, tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, sa sút trí tuệ); phát triển mô hình Trung tâm dưỡng lão xã hội hóa; số giường bệnh dành riêng điều trị cho người cao tuổi…
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu. Ảnh: Minh Đức/TTXVN
Hội nghị cũng nghe Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa quán triệt những nội dung trọng tâm của Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII. Theo đó, các đại biểu đã được truyền đạt một cách khái quát nhất về Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới”; Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới”; Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 về “Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Kết luận số 45-KL/TW ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “Định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa mong rằng Hội Người cao tuổi Việt Nam cần phát huy cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm, uy tín trong xây dựng chính quyền, Nhà nước. Đồng chí nhấn mạnh, để bảo vệ Tổ quốc, không chỉ có Quân đội và Công an, mà là toàn dân, trong đó có người cao tuổi, đặc biệt là công tác đối ngoại, tăng đối tác, giảm đối tượng…
Cũng tại hội nghị, Phó trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học đã giới thiệu nội dung cơ bản của cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Sách gồm 3 phần, phần thứ nhất đề cập đến một số vấn đề rút ra từ công tác phòng, chống tham nhũng, các bài viết, bài phát biểu của Tổng Bí thư trong 10 năm qua; trích 36 kết luận của Tổng Bí thư tại các cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực…
Phần hai, khoảng 300 trang (có dung lượng nhiều nhất) với nội dung đấu tranh phòng, chống tham nhũng tiêu cực từ sớm từ xa, cả ngọn lẫn gốc. Tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng với hợp phần thứ nhất là 14 bài viết của Tổng Bí thư về công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng từ năm 1986 đến 2021. Hợp phần thứ hai là 8 bài viết về công tác rèn luyện, xây dựng Đảng,… có những bài viết từ năm 1973 (lúc này Tổng Bí thư mới 29 tuổi, là nhà báo của Tạp chí Cộng sản)…Phần ba có tên “Trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”; trong đó trích đăng 62 ý kiến của cán bộ lão thành, hưu trí, hội viên người cao tuổi được chắt lọc trên hàng nghìn ý kiến của nhân dân; 10 ý kiến của đại biểu Quốc hội, 24 ý kiến của bạn bè quốc tế.
Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam Nguyễn Thanh Bình phát biểu. Ảnh: Minh Đức/TTXVN
Bế mạc hội nghị, Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam Nguyễn Thanh Bình cảm ơn các đồng chí lãnh đạo, đại biểu tham dự hội nghị; đồng thời khẳng định, Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII và giới thiệu một số chuyên đề năm 2023 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng giúp nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, của cán bộ, đảng viên người cao tuổi trên cả nước. Từ đó, các cấp, ngành triển khai, thực hiện quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để sớm đưa nội dung văn kiện Hội nghị Trung ương 6, khóa XIII vào thực tiễn cuộc sống, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.