Thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng về quản lý biên chế của hệ thống chính trị

Tham mưu quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư nhiệm kỳ 2026 – 2031

Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 202 diễn ra sáng 29/12, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng biểu dương những kết quả đạt được của ngành tổ chức xây dựng Đảng trong năm 2022. 

Thường trực Ban Bí thư lưu ý, trong năm 2023, toàn ngành phải tập trung tham mưu cho các cấp ủy triển khai tổ chức thực hiện toàn diện, đồng bộ các nội dung công tác tổ chức xây dựng Đảng.

Trong đó, tiếp tục tham mưu hoàn thiện quy định của Đảng về công tác tổ chức, xây dựng Đảng, bảo đảm đồng bộ, liên thông, thống nhất giữa các quy định của Đảng và Nhà nước, đồng thời tham mưu quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư nhiệm kỳ 2026 – 2031, thành lập các Tiểu ban Đại hội XIV của Đảng.


Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng. Ảnh: Hoàng Hà.

Theo chương trình, giữa năm 2023, Trung ương sẽ lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Trung ương bầu (Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư) và đánh giá các kết quả 2 năm rưỡi thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII. 

Nhấn mạnh, những nội dung này có tầm quan trọng, tính chất phức tạp rất lớn, ông Võ Văn Thưởng yêu cầu phải tập trung cao độ để thực hiện. Cùng với đó, triển khai thực hiện tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, kiên quyết đấu tranh xử lý nghiêm các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ. 

Thường trực Ban Bí thư cũng yêu cầu tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, vụ lợi, lợi ích nhóm quan liêu, xa dân, vô cảm trước khó khăn, bức xúc của dân; nêu cao vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, góp phần tăng cường niềm tin của dân đối với Đảng, với Nhà nước và chế độ. 

Những người ít va chạm, chịu khó quan hệ lại được “tín nhiệm” cao

Ông Võ Văn Thưởng cũng lưu ý, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện mô hình tổng thể tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng về công tác quản lý biên chế của hệ thống chính trị, tinh giản biên chế theo vị trí việc làm có trọng tâm, trọng điểm, gắn với nâng cao chất lượng, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Trong đó, thực hiện có hiệu quả chủ trương của Đảng về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ; tiếp tục rà soát, bổ sung quy hoạch các chức danh cán bộ theo thẩm quyền, bảo đảm chất lượng, đúng quy định, làm cơ sở cho quy hoạch cán bộ cấp chiến lược.

Bên cạnh đó, Thường trực Ban Bí thư lưu ý phải đổi mới nhiều hơn nữa trong đánh giá cán bộ. Bởi thực tế vừa qua cho thấy, đánh giá cán bộ không chỉ là khâu khó, khâu yếu mà còn chưa thực sự khoa học, thực chất.

Theo ông Võ Văn Thưởng, việc đánh giá cán bộ dựa vào “tín nhiệm” trong bối cảnh hiện nay cũng không phải là cách đánh giá toàn diện, hiệu quả khi có thể những người ít va chạm, chịu khó quan hệ thì lại được “tín nhiệm” cao hơn.

Vì vậy, trong đánh giá cũng cần đề cao sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm vì lợi ích chung. Như vậy, sẽ góp phần thúc đẩy cán bộ rèn luyện theo hướng này. Như hiện nay, cán bộ sẽ có tâm lý tròn vo, “nước sông không đụng nước giếng”, “cứ tới thời, tới tuổi thì cũng lên”.

Nhắc đến chủ trương khuyến khích cán bộ từ chức, Thường trực Ban Bí thư cho hay, “không có nước nào đưa chuyện từ chức thành văn hóa cả”. Việc từ chức đều xuất phát từ sức ép trong nội bộ Đảng cũng như trong xã hội buộc người có vi phạm phải từ chức. 

Trong năm qua, ngành tổ chức hoàn thành 100% các đề án theo chương trình làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Cùng với đó là nâng cao chất lượng công tác tham mưu, nhất là công tác tham mưu chiến lược. Công tác cán bộ bám sát quan điểm, nguyên tắc, quy định của Đảng, kịp thời, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu của Đảng, tăng cường kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền.

Các quy định về công tác cán bộ tiếp tục được hoàn thiện đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương; đẩy mạnh phân công, phân cấp, phân quyền; nêu cao trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu và đội ngũ cán bộ trực tiếp tham mưu đối với vấn đề này.

Việc kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, xây dựng vị trí việc làm gắn với nâng cao chất lượng, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đạt nhiều kết quả quan trọng.

Cùng với đó là đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát về công tác tổ chức xây dựng Đảng; chủ động phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý nghiêm vi phạm trong công tác tổ chức xây dựng Đảng; tích cực đổi mới phương pháp, phong cách, lề lối, tác phong làm việc, tăng cường công tác phối hợp tham mưu, triển khai nhiệm vụ. 

Thu Hằng