Tisco tiếp tục bị Kiểm toán AASC nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục khi nợ ngắn hạn vượt tài sản ngắn hạn 3.416 tỉ đồng, nợ phải trả vượt 4,21 lần vốn chủ sở hữu và dòng tiền từ hoạt động sản xuất kinh doanh đang bị âm.
Thông tin này vừa được Công ty TNHH Hãng Kiểm toán AASC nêu tại báo cáo tài chính kiểm hợp nhất toán năm 2022 của CTCP Gang thép Thái Nguyên – Tisco (Mã: TIS – UPCoM).
Thua lỗ, nợ “ngập đầu”, Gang thép Thái Nguyên bị đặt “dấu chấm hỏi” về khả năng hoạt động liên tục
Theo đơn vị kiểm toán này, khả năng hoạt động liên tục của Tisco sẽ phụ thuộc vào số phận của dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên (Tisco 2), việc được gia hạn thanh toán các khoản vay từ ngân hàng, các khoản phải trả cho nhà cung cấp.
Kiểm toán đặt “dấu chấm hỏi” về khả năng hoạt động liên tục
Trong Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022, Kiểm toán AASC đã đưa ra hai vấn đề:
Vấn đề đầu tiên là dự án Tisco 2 được triển khai từ năm 2007, việc đầu tư dự án kéo dài hơn với dự kiến ban đầu và hiện vẫn chưa hoàn thành. Hiện tại, Chính phủ và các cơ quan có liên quan đang trong quá trình xử lý các sai phạm, tìm các giải pháp tháo gỡ khó khăn để hoàn thành dự án.
Do vậy, kiểm toán không thể xác định được ảnh hưởng của các vấn đề này đến các khoản mục như trả trước cho người bán dài hạn, chi phí xây dựng cơ bản dở dang, phải trả cho nhà cung cấp, chi phí lãi vay được vốn hóa vào dự án.
Thứ hai, Tisco được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản một số mỏ tại khu vực huyện Đại Từ và Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên với tổng số tiền hơn 65,2 tỉ đồng. Tuy nhiên, doanh nghiệp này chưa thực hiện điều chỉnh báo cáo tài chính theo số tiền được phê duyệt do chưa xác định được số tiền phải điều chỉnh tương ứng cho từng khu vực.
Do vậy, đơn vị kiểm toán không thế xác định được ảnh hưởng của vấn đề này đến chỉ tiêu dự phòng phải trả dài hạn và các chi tiết có liên quan.
Kiểm toán AASC cũng nhấn mạnh, tại thời điểm cuối năm 2022, nợ phải trả vượt 4,21 lần vốn chủ sở hữu, nợ ngắn hạn đã vượt quá tài sản ngắn hạn của Tisco là 3.416 tỉ đồng. Ngoài ra, một số khoản nợ gốc và lãi vay phải trả ngân hàng liên quan đến dự án Tisco 2 đã quá hạn thanh toán.
Bên cạnh đó, lợi nhuận hoạt động sản xuất kinh doanh sụt giảm mạnh, dòng tiền từ hoạt động sản xuất kinh doanh bị âm.
“Những sự kiện này, cùng với các vấn đề ngoại trừ cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu dẫn đến nghi ngờ về khả năng hăng hoạt động liên tục của Tisco” – Kiểm toán AASC nhấn mạnh.
Tisco đang “chôn” 6.268 tỉ đồng tại ự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên
Mặt khác, CTCP Khai thác và Chế biến Khoáng sản Thái Trung (công ty con) được thành lập từ năm 2011, đang trong giai đoạn đầu tư với hoạt động kinh doanh chính là thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản.
Tuy nhiên, từ năm 2014 đến nay, công ty này tạm dừng hoạt động để hoàn thiện thủ tục xin giấy phép khai thác khoáng sản theo quy định của pháp luật. Do đó, số liệu của doanh nghiệp này đang dừng để hợp nhất là số liệu của bảng cân đối kế toán trong BCTC cho năm tài chính kết thúc ngày 31/12/2014, Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh và Báo cáo Lưu chuyển tiền tệ không được hợp nhất do không có số liệu tương ứng…
Bên kiểm toán cũng lưu ý các vấn đề nhấn mạnh này không làm thay đổi ý kiến kiểm toán ngoại trừ đã nêu ở trên.
Cổ phiếu bị đưa vào diện cảnh báo
Sau khi bị Kiểm toán AASC nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã thông báo quyết định đưa cổ phiếu TIS của Gang Thép Thái Nguyên vào diện cảnh báo.
Theo đó, cổ phiếu TIS bị đưa vào diện cảnh báo từ ngày 31.3 do báo cáo tài chính năm 2022 đã kiểm toán bị tổ chức kiểm toán đưa ra ý kiến kiểm toán ngoại trừ từ 3 năm liên tiếp trở lên.
Được biết, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày bị cảnh báo, TIS phải có văn bản gửi HNX giải trình nguyên nhân và đưa ra phương án khắc phục.
Về kết quả kinh doanh, Tisco công bố báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2022 với doanh thu không đổi (gần 11.700 tỉ đồng), giảm 1.170 tỉ so với năm 2021. Tuy nhiên, lỗ sau thuế được điều chỉnh giảm 0,5 tỉ đồng về còn 8,9 tỉ đồng. Đây cũng là quý lỗ đầu tiên của công ty kể từ mức lỗ 78,9 tỉ đồng trong năm 2014.
Được biết năm 2022, Tisco lên kế hoạch doanh thu 20.105 tỉ đồng và lợi nhuận trước thuế 110 tỉ đồng. Như vậy, thực tế công ty chỉ hoàn thành 58% mục tiêu doanh thu và cách rất xa kế hoạch lợi nhuận.
Tính đến ngày 31.12.2022, tổng tài sản của Tisco là 10.184 tỉ đồng, trong đó gần 6.275 tỉ đồng là chi phí xây dựng cơ bản dở dang thuộc dự án Tisco 2; hàng tồn kho tăng 22,4% so với đầu năm lên mức 1.766 tỉ đồng.
Ngoài ra, tổng nợ phải trả của doanh nghiệp này ở mức 8.227 tỉ đồng (gấp hơn 4 lần vốn chủ sở hữu – chỉ 1.954 tỉ) trong đó nợ vay tài chính ở mức 4.602 tỉ đồng.
Liên quan đến dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên, mới đây Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã có những buổi làm việc với các đối tác trong và ngoài nước để tháo gỡ khó khăn.
Trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đến tận nơi để khảo sát, làm việc và bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cuối tháng 7.2022. Thủ tướng Chính phủ bày tỏ sự “xót ruột” và “sốt ruột” khi chứng kiến nhiều hạng mục của dự án đang bỏ hoang, nhiều vật tư, thiết bị đã hư hỏng, gỉ sét, nằm phủ bạt ngoài trời nhiều năm.
Đây là dự án đã kéo dài sang năm thứ 17 chưa hoàn thành, gây lãng phí nguồn lực rất lớn cho Nhà nước và doanh nghiệp, được đánh giá là thuộc diện phức tạp, khó xử lý nhất trong số 5 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả của ngành công thương.