Ngày 23/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề pháp luật tháng 2/2023.
Tại phiên họp, các đại biểu đã thảo luận, cho ý kiến về 3 đề nghị xây dựng luật, 4 dự án luật gồm: Đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi); đề nghị xây dựng Luật Phòng không nhân dân; dự án Luật Quản lý công trình quốc phòng, khu quân sự; đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; dự án Luật Nhà ở (sửa đổi); dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); dự án Luật Viễn thông (sửa đổi).
Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh VGP
Về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), Thủ tướng yêu cầu cần đánh giá tác động thật kỹ lưỡng vì Luật có tác động rất lớn đến xã hội và toàn dân, liên quan đến quyền hiến định của người dân về quyền sở hữu nhà ở; chính sách phát triển nhà ở; hướng tới tháo gỡ được các khó khăn, vướng mắc trong thực tế đang tồn tại.
Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu, cần bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật, đặc biệt là Luật Đất đai đang được sửa đổi; cải cách tối đa thủ tục hành chính, bảo đảm thuận lợi cho người dân tiếp cận, sở hữu, mua bán, chuyển nhượng nhà ở và tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong việc xây dựng, triển khai các dự án, chuyển nhượng dự án cho phù hợp với thực tiễn.
Đặc biệt, cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước về nhà ở, tăng cường vai trò của chính quyền địa phương trong việc chăm lo nhà ở cho người dân, nhất là nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế, nhu cầu của từng địa phương.
Thủ tướng cũng yêu cầu cần có cơ chế hữu hiệu để huy động nguồn lực của khu vực tư nhân cho phát triển nhà ở xã hội, thực hiện hiệu quả hơn, nhanh hơn Đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội tới năm 2030.