Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì họp Chính phủ với các địa phương

Biên phòng – Theo Thủ tướng, nhiệm vụ của tháng Hai là rất lớn; Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương phải đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tạo việc làm; hạn chế tối đa tác động tiêu cực từ bên ngoài với nền kinh tế.


Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1 năm 2023. Ảnh: TTXVN

Sáng 2/2, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 1/2023 với sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Phiên họp được tổ chức trực tuyến với các địa phương nhằm đánh giá tình hình kinh tế-xã hội tháng 1 và nhiệm vụ trọng tâm tháng 2; tình hình triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; tình hình phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công; tình hình triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia; chủ trương xây dựng Đề án Trung tâm Dữ liệu quốc gia; triển khai các nhiệm vụ sau Tết theo Chỉ thị 03/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Dự phiên họp tại đầu cầu Trụ sở Chính phủ có các Phó Thủ tướng: Lê Minh Khái, Trần Hồng Hà, Trần Lưu Quang; các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ. Dự họp tại các đầu cầu có Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy; Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ tháng 1/2023 có hai kỳ nghỉ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán nên số ngày làm việc ít hơn, chỉ bằng 2/3 bình thường. Tình hình thế giới tháng 1 tiếp tục phức tạp, khó lường. Việc Trung Quốc mở cửa trở lại mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức.

Ở trong nước, tháng vừa qua cũng diễn ra nhiều sự kiện kinh tế, chính trị, xã hội và đối ngoại quan trọng, trong đó, có các kỳ họp bất thường Trung ương, Quốc hội.

Ngay từ những ngày đầu, tháng đầu năm, Chính phủ tổ chức triển khai kết luận của Trung ương, nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và nghị quyết của Chính phủ về phát triển kinh tế-xã hội năm 2023. Bên cạnh đó, tổ chức cho nhân dân đón Tết vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm.

Nhiệm vụ của tháng Hai là rất lớn. Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương phải đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tạo việc làm; hạn chế tối đa tác động tiêu cực từ bên ngoài đối với nền kinh tế; phát huy những kết quả đạt được, khắc phục khó khăn nhằm đạt mục tiêu phục hồi kinh tế-xã hội nhanh, phát triển bền vững, nhất là tháo gỡ khó khăn, vướng mắc mà người dân, doanh nghiệp đang gặp; đặt nền tảng cho phát triển kinh tế-xã hội năm 2023.

Báo cáo tại phiên họp cho biết trong tháng 1, các bộ, ngành quyết liệt, tập trung triển khai các nhiệm vụ năm 2023 ngay từ những ngày đầu năm. Tình hình kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2023 tăng 0,52% so với tháng 12/2022 và tăng 4,89% so với cùng kỳ năm trước.

Thị trường tiền tệ bước đầu có mức tăng trưởng tích cực. Đến ngày 17/1, tín dụng tăng 0,65% so với cuối năm trước; bảo đảm thanh khoản của hệ thống ngân hàng, đáp ứng nhu cầu thanh toán, rút tiền mặt của người dân, doanh nghiệp trước và trong dịp Tết Nguyên đán.

Thu ngân sách tháng 1 đạt 11,3% dự toán. Vốn FDI đăng ký mới đạt 1,2 tỷ USD, cao gấp 3 lần cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại tháng 1 ước xuất siêu 3,6 tỷ USD.

Quốc phòng an ninh được bảo đảm, hoạt động đối ngoại được đẩy mạnh. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục đà phục hồi và tăng trưởng nhờ sức cầu tiêu dùng lớn trong dịp Tết Nguyên đán.

Cùng với đó, an sinh xã hội được bảo đảm. Cả nước đón Tết vui tươi, lành mạnh, đầm ấm, an ninh, an toàn, mọi nhà đều có Tết. Công tác phòng, chống dịch bệnh; khám, chữa bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm trong dịp Tết bảo đảm.


Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1 năm 2023. Ảnh: TTXVN

Trước, trong và sau Tết, nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, thông tin tuyên truyền được tổ chức đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần, tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích, vui tươi, phấn khởi. Cả nước thực hiện tốt chủ trương tiết kiệm, chống lãng phí của Đảng, Nhà nước, chỉ đạo của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ.

Tuy nhiên, khó khăn, thách thức đang ngày càng gia tăng từ bên ngoài và bên trong nền kinh tế. Sức ép điều hành tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát và bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô tăng cao.

Về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, sau 1 năm thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP, đã giải ngân các chính sách hỗ trợ đến tháng 1 ước đạt 80.800 tỷ đồng. Song việc triển khai hỗ trợ 2% lãi suất rất chậm, chưa đề xuất cụ thể phương án xử lý nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Trung ương năm 2021 để hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động…

Đối với phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công 13 tháng qua, theo Bộ Tài chính, ước giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước đến ngày 31/1/2023 đạt 92,97% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, số tuyệt đối giải ngân 13 tháng qua cao hơn cùng kỳ năm trước khoảng 100.000 tỷ đồng, tăng khoảng 23%…

Theo TTXVN