Thủ tướng đề nghị rà soát lại các công ty xuất khẩu lao động, sau khi nghe kiều bào tại Romania nêu nhiều vấn đề bất cập.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tối 20/1 tới thăm cán bộ, nhân viên Đại sứ quán và đại diện cộng đồng người Việt tại Romania, ở Bucharest.
Theo đại diện một số hội, cộng đồng người Việt, xuất khẩu lao động là một trong những lĩnh vực tiềm năng tại Romania, nhưng cũng đi kèm nhiều bất cập. Nhiều lao động làm việc trái phép, hoặc trốn sang nước thứ ba. Công ty xuất khẩu lao động không làm tròn trách nhiệm, bỏ rơi người lao động.
“Tôi đã nói với Thứ trưởng Công An Lương Tam Quang, giờ chúng ta phải rà soát lại. Công ty ma, công ty làm tiêu cực, đưa người Việt Nam ra nước ngoài không có trách nhiệm, làm đồng bào mình khổ, dứt khoát phải xử lý”, Thủ tướng nói và cho biết thêm, công ty nào vi phạm sẽ bị rút giấy phép, thậm chí truy tố trước pháp luật.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nói chuyện với cộng đồng người Việt tại Romania, tối 20/1. Ảnh: Minh Sơn
Theo người đứng đầu Chính phủ, thị trường xuất khẩu lao động hiện nay có nhiều cơ hội, bởi nhu cầu thị trường và chính sách hỗ trợ. Việt Nam cũng là nước có truyền thống trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, để khai thác tốt cần có sự chuẩn bị.
Đầu tiên là đào tạo, đặc biệt là ngôn ngữ. Theo Thủ tướng, người lao động nên được đào tạo ngôn ngữ trong 3-6 tháng hoặc một năm. “Ít nhất phải biết tiếng, ngôn ngữ của nước sở tại để họ có thể tự sống được, tự giải quyết các vấn đề”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.
Thứ hai là phổ biến cho người lao động về luật pháp, quy định nào phải quan tâm. Thứ ba là các kỹ năng cần thiết để tự vận động, tự xử lý vấn đề. Thủ tướng đề nghị Bộ Lao động Thương binh và Xã hội tham mưu tìm giải pháp cho những nút thắt này.
Thứ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho hay, hiện Việt Nam có khoảng 700.000 lao động đang làm việc ở nước ngoài. Romania là thị trường “rất tiềm năng”, bởi có thể tiếp nhận lao động ở nhiều trình độ, độ tuổi khác nhau, với thu nhập ở mức khá so với mặt bằng chung.
Thứ trưởng cho biết Bộ sẽ rà soát và trong chuyến thăm Romania sẽ ký văn kiện hợp tác, tạo điều kiện đưa nhiều hơn lao động Việt Nam sang Romania. Điều này vừa bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, vừa nâng cao hơn ý thức chấp hành pháp luật của lao động Việt Nam.
Thủ tướng đề nghị Bộ Lao động Thương binh và Xã hội và các cơ quan liên quan hỗ trợ, tạo thuận lợi cho người Việt sang Romania làm việc. Đồng thời, cơ quan này cần rà soát, quản lý chặt chẽ hơn các công ty xuất khẩu lao động và nâng cao chất lượng đào tạo.
Thủ tướng cũng đề nghị Đại sứ quán Việt Nam tại Romania tiếp tục quan tâm và làm tốt hơn nữa với tinh thần “coi công việc của bà con như việc nhà mình, coi bà con như người thân ruột thịt”.
Minh Sơn