Ngày 05/12, Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài TP Hồ Chí Minh đã tổ chức lấy ý kiến của người kiều bào về việc nâng cao chất lượng lao động Việt Nam ở nước ngoài.
Bà Vũ Thị Huỳnh Mai, chủ nhiệm Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài TP Hồ Chí Minh, cho biết lao động Việt Nam ở nước ngoài là nguồn lực quan trọng cho nền kinh tế của đất nước.
Việc nâng cao chất lượng, quản lý nguồn lực và bảo vệ lao động người Việt Nam ở nước ngoài không chỉ góp phần làm kinh tế, đóng góp kiều hối mà còn củng cố, bổ sung lực lượng lao động chất lượng, có kinh nghiệm cho sự phát triển kinh tế của đất nước trong những giai đoạn tiếp theo.
Các chuyên gia trí thức kiều bào, doanh nghiệp trong và ngoài nước góp ý kiến trong vấn đề đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.
Cơ hội rộng mở, thu nhập cải thiện
Theo bà Huỳnh Lê Như Trang – Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP Hồ Chí Minh, TP hiện có 70 DN được Bộ LĐ-TB&XH cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài. 11 tháng đầu năm 2023, các doanh nghiệp đã đưa 8.583 người đi lao động ở nước ngoài. Con số này khá thấp so với mức 10.000-14.000 lao động xuất khẩu mỗi năm trước giai đoạn 2020. Thu nhập bình quân hàng tháng từ 15 – 28 triệu đồng. Hiện tại, đa số lao động chưa qua đào tạo, lao động phổ thông làm công việc giản đơn, số lao động có trình độ từ trung cấp trở lên chiếm tỷ lệ chưa cao.
Tuy nhiên, với sự phục hồi sau đại dịch và xu hướng già hóa dân số đang gia tăng, nhiều quốc gia lớn có nhu cầu tuyển dụng nhiều lao động nước ngoài để bù đắp cho sự thiếu hụt nhân công.
Theo ông Đỗ Minh Hoài – Trưởng Ban quản lý lao động thuộc Văn Phòng Kinh tế Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc (Đài Loan – Trung Quốc), trước đây, người lao động tại Đài Loan được cấp thời hạn lưu trú từ 12 đến 14 năm, hiện nay đã được gia tăng thành không thời hạn, thậm chí có thể xin giấy phép cư trú lâu dài.
Đài Loan là một trong hai thị trường tiếp nhận lao động Việt Nam nhiều nhất (sau Nhật Bản). Trong 10 tháng đầu năm 2023, có hơn 50.000 lao động Việt Nam (15.284 là nữ) sang Đài Loan làm việc, chiếm 38,3% tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.
Hiện mức lương tối thiểu trong năm 2023 của lao động phổ thông trong khu vực 1 là từ 20.000 – 26.400 Đài tệ/tháng (khoảng 645 – 850 USD/tháng, từ 16 – 20 triệu đồng/tháng). Lao động trình độ kỹ thuật bậc trung từ 29.000 – 33.000 Đài tệ/tháng (774 – 1.065 USD/tháng, gần 18 – 26 triệu đồng/tháng).
Còn tại một thị trường xuất khẩu lao động lớn khác là Hàn Quốc, bà Tạ Thị Thanh Thúy – Trưởng ban Quản lý lao động Việt Nam tại Hàn Quốc cho biết, Chính phủ nước này đã tạo nhiều điều kiện để có được nguồn lao động nước ngoài chất lượng cao như bổ sung visa E-7-S, cho phép thị thực thực tập sinh nước ngoài D-4-6 được chuyển đổi sang thị thực E-7. Điều này góp phần giúp du học sinh có thêm nhiều cơ hội để tìm kiếm việc làm tại đây.
Theo bà Thúy, Việt Nam có nhiều dư địa đưa lao động sang Hàn Quốc, ít nhất đến năm 2040 do quốc gia này có nhiều đầu việc làm. Đơn cử như lĩnh vực đóng tàu, 3 tập đoàn đóng tàu lớn nhất nước này nước này thông báo có hợp đồng đến hết năm 2028 và cần thêm ít nhất 135.000 lao động kỹ thuật đóng tàu trong 5 năm tới.
Bà Daisy Nguyễn Lê Vân – Phó Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến Đầu tư Văn hóa Giáo dục Úc -Việt phát biểu.
Tại Úc, bà Daisy Nguyễn Lê Vân – Phó Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến Đầu tư Văn hóa Giáo dục Úc Việt cho biết, năm nay có tới 36% số ngành nghề của Úc thiếu lao động có trình độ. Điều này khiến Chính phủ Úc phải tăng cường các giải pháp thu hút lao động có tay nghề từ nước ngoài, nhằm giúp các doanh nghiệp ứng phó thiếu hụt lao động. Từ đầu tháng 7 năm nay, các lao động nhập cư có chủ doanh nghiệp bảo lãnh tại Úc đã được tăng mức trần lương lên 70.000 đô-la Úc (gần 1,1 tỷ đồng) thay vì 53.900 đô-la Úc áp dụng từ năm 2013.
Những khó khăn, thách thức
Bà Huỳnh Lê Như Trang, Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh, nêu rõ những hạn chế về việc lao động tại nước ngoài của người Việt Nam như: doanh nghiệp môi giới xuất khẩu thiếu thông tin, không có nguồn việc dẫn đến người lao động sang nước ngoài chỉ có thể làm những công việc thô sơ, cạnh tranh không lành mạnh khiến người lao động phải tốn nhiều chi phí mà lại kém hiệu quả, người lao động đa số chỉ có trình độ phổ thông với tay nghề chưa cao, không có ngoại ngữ, thường vi phạm pháp luật của nước sở tại.
Ông Nguyễn Đức Minh, Phó Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản, cho biết người lao động Việt Nam tại Nhật Bản thường vi phạm những lỗi không đáng có, dẫn đến việc hồ sơ gặp nhiều khó khăn khi xét duyệt để tiếp tục gia hạn visa hoặc từ Việt Nam trở lại Nhật Bản làm việc.
Bên cạnh các yếu tố chủ quan, thị trường lao động tại các nước lớn như Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan còn có sự cạnh tranh tới từ các nước như Indonesia, Phillipines, Ấn Độ… Lao động Việt Nam cần nâng cao trình độ để có thể cạnh tranh được với những quốc gia này.
Theo các chuyên gia kiều bào, tay nghề chuyên môn và ngoại ngữ sẽ quyết định mức lương và cơ hội nghề nghiệp của người lao động tại các nước. Bên cạnh đó, cần phải nâng cao nhận thức người lao động về pháp luật nước tại và ý thức kỷ luật để giảm tối đa tình trạng vi phạm pháp luật nhỏ lẻ, lao động ngoài hợp đồng và cư trú bất hợp pháp.
Cần có thêm những chính sách phối hợp giữa các nước để giải quyết việc làm cho sinh viên tốt nghiệp tại các nước như mở rộng chính sách visa, các chính sách về việc làm và cơ hội nghề nghiệp để thu hút và giữ chân được nhóm lao động này.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần mở rộng liên kết và tạo sự kết nối với những chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài. Điều này giúp cho những lao động chất lượng cao có thể quay về để bổ sung vào nguồn lực lao động hiện có của đất nước. Các lao động trình độ bậc trung trở về nước cũng là một nguồn lực dồi dào, góp phần bổ sung và nâng cao chất lượng lao động tại thị trường trong nước.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!