Hơn nửa năm rời quê Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) ra thủ đô, anh L.V.B. (SN 2002) đã gặp rất nhiều biến cố khi làm công nhân ở Khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội).
Khi mới tốt nghiệp THPT, anh B. chỉ mong tìm một công việc ổn định, kiếm tiền trang trải cuộc sống. Mức lương cơ bản tại thủ đô cao hơn ở quê, nên anh này quyết định khăn gói lên đường.
Xin vào làm việc tại một công ty về linh kiện điện tử, mỗi tháng cả tăng ca, làm thêm giờ, anh B. cũng có thu nhập 7-8 triệu đồng. Ổn định chưa được lâu, khoảng 3 tháng cuối năm 2022, việc làm của công nhân giảm đi rất nhiều do lượng đơn hàng của công ty sụt giảm rõ rệt.
Anh B. lo lắng trước tình trạng thiếu việc trong thời gian qua.
Anh B. kể: “Tháng 11/2022, thu nhập của tôi chỉ vỏn vẹn 4,6 triệu đồng. Đầu tháng mới có tiền lương thì còn ăn uống đầy đủ. Lúc cuối tháng chỉ còn mì tôm để ăn qua bữa”.
Năm đầu tiên đi làm, cũng là năm anh có một kỳ nghỉ Tết dài kỉ lục với gần 1 tháng nghỉ liên tục. Thời gian đầu, lúc rảnh rỗi nam công nhân này sẽ thêm xe công nghệ để có thêm tiền chi tiêu cho cuộc sống.
Bước sang năm 2023, tình hình việc làm của anh cũng không cải thiện nhiều. Công ty vẫn giảm đơn hàng, thỉnh thoảng anh B. mới được tăng ca. Tiền thuê trọ 1 triệu đồng/tháng, 250.000 đồng tiền điện, nước, chưa kể chi phí ăn uống… thì thu nhập vài triệu đồng/tháng không thể trụ được ở thủ đô.
Anh B. là một trong số gần 294.000 lao động phải nghỉ giãn việc do các doanh nghiệp thiếu đơn hàng trong 3 tháng đầu năm theo công bố của Tổng cục Thống kê.
Những doanh nghiệp giảm đơn hàng, việc làm của người lao động ảnh hưởng tập trung chủ yếu ở ngành da giày, dệt may.
Cũng theo Tổng cục Thống kê, cả nước có gần 118.000 động bị mất việc tại các doanh nghiệp trong quý IV/2022. Sang quý I/2023, con số này không giảm đi mà tăng lên, với số lượng là gần 149.000 người.
Lao động mất việc chủ yếu tập trung ở một số tỉnh có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất như Đồng Nai khoảng gần 32.600 người, Bình Dương gần 21.700 người, 14.000 lao động mất việc ở Bắc Ninh, Bắc Giang là 7.700 người,…
Đông Nam Bộ trở thành vùng bị ảnh hưởng nặng nhất do tình trạng giảm sút đơn hàng của nhiều doanh nghiệp lớn. 3 tháng đầu năm, tỷ lệ thiếu việc làm khu vực này tăng lên 1,75% so với 1,52% của quý trước, đi ngược với xu hướng giảm chung của cả nước.
Song, nhìn chung, thị trường lao động quý I/2023 tiếp tục duy trì đà phục hồi. Số người từ 15 tuổi trở lên có việc làm trong quý I là 51,1 triệu người, tăng 113.500 người so với quý trước. Số người thiếu việc làm trong độ tuổi khoảng 885.500 người, giảm 12.400 người so với quý trước và giảm 443.100 người so với cùng kỳ 2022.
Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động là 68,9%, không thay đổi so với quý trước và tăng 0,8 điểm phần trăm so với cùng kỳ 2022. Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ là 26,4%, không thay đổi so với quý trước và cao hơn 0,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ 2022.
Một tín hiệu tốt là thu nhập bình quân tháng của người lao động là 7,0 triệu đồng, tăng 197.000 đồng so với quý trước và tăng 640.000 đồng so với cùng kỳ 2022.
Theo Tổng cục Thống kê, tuy vậy, sự gia tăng thu nhập của người lao động trong quý này không diễn ra ở tất các ngành kinh tế, trong khi thu nhập bình quân của người lao động một số ngành kinh tế tăng, một số ngành kinh tế khác có sự sụt giảm thu nhập bình quân so với quý trước.